Bút ký
Theo cách phiên âm truyền thống chữ Hán – Việt thì chữ “Vụ” trong Vụ Quang phải viết có dấu nặng”. Biết ông là tác giả cuốn sách “Cá chép vượt Vũ Môn” tôi hỏi ông về huyền thoại này. Nhà địa phương học mấy chục năm gắn bó với vùng quê Hà Tĩnh đã bước vào tuổi tám mươi nhưng tư duy vẫn còn mạch lạc, đuôi mắt ông nheo nheo như vừa cười vừa nghĩ ngợi. Thủng thẳng rót cho tôi bát nước chè xanh sánh đặc, ông nói mà như đang trôi về những ký ức xa xăm với một vùng đất ẩn chứa bao bí mật của đại ngàn xanh thẳm: “Vũ Quang nằm trong lưu vực hai con sông Ngàn Sâu và Ngàn Trươi. Sông Ngàn Sâu theo các sách cổ là thượng nguồn sông La. Sông Ngàn Sâu chạy đến xã Hương Thọ địa đầu huyện Vũ Quang thì gặp sông Ngàn Trươi ở Cửa Rào, chạy giữa các xã Đức Liên, Đức Hương qua mé đông các xã Đức Bồng, Đức Lĩnh, Đức Giang, Ân Phú. Sông Ngàn Trươi (Nậm Trươi) xưa gọi là sông Ác (Ác Giang). Sông này bắt nguồn từ Rào Ngang, Rào Bần ở biên giới Việt – Lào chạy qua cụp Lim Cà Tỏ, thác Làng qua xóm Kim Quang rồi chạy qua xã Hương Điền. Đặc biệt ở vùng núi Vũ Quang có rất nhiều vực thác: Vực Thành, vực Cơn Da (chắc gần đó có cây da), thác Cơn Ổi (chắc gần đó có cây ổi), thác Lò Rèn (chắc gần đó có lò rèn). Dân trong vùng gọi thác ở Vũ Quang là thác “Vũ Môn” lại có nhiều hói nữa, từ mé đông dãy Mồng Gà đổ xuống là: Hói Hai, Hói Cái, Hói Phố, Hói Vạt Trường…”
– Đó là địa danh còn về con người qua các phát hiện khảo cổ di chỉ đá mới ở Khe Lang, di chỉ đồng ở Đức Đồng… Tôi hỏi ông:
– Những căn cứ đó cho ta nghĩ rằng người tiền sử đã từng có mặt ở đây. Ngày nay phía Tây bắc huyện Hương Khê kề huyện Vũ Quang còn có các nhóm người Chứt ở Bản Giàng 1 (xã Hương Lâm) và Bản Giàng 2 (xã Hương Vĩnh) và nhóm người Mã Liềng ở Bản Rào Tre (xã Hương Liên). Cư dân chủ yếu ở Vũ Quang vẫn là người Việt từ đồng bằng, ven biển Hà Tĩnh lên chủ yếu là dân nghèo đói trốn tránh vua quan. Họ ở từng nhóm trong thung lũng bên sông suối sống bằng nghề săn bắn, khai khác rừng hoặc làm nương rẫy, trồng ngô lúa, nuôi lợn gà… Khái niệm mưa nằng chẳng có ý nghĩa gì đối với dân bản xứ. Cánh đàn ông thường có đôi chân to bè, đôi tay gân guốc như gỗ táu, gỗ lim. Phụ nữ ở hai bên bờ sông Ngàn Sâu da trăng không kém gì gái Sông La và bơi giỏi. Một số người khác theo đường sông đưa hàng hóa lên buôn bán đổi chác rồi ở lại sinh cơ lập nghiệp.
Tôi đã nhiều lần lên Vũ Quang và cứ ngẩn ngơ mãi trước những dòng sông. Chính dòng sông là một huyết quản đập phập phồng chảy đến đâu mang theo sự sống cộng đồng đến đó. Vì thế ở Vũ Quang có rất nhiều chợ. Chợ chính là một hình ảnh nông thôn thu nhỏ, một gương mặt thôn quê sống động và thân thiết. Ông Phan Đức Cung nguyên Chủ tịch huyện là một người anh, người bạn thơ thân thiết của tôi, của anh em văn nghệ sỹ. Cánh nhà báo cũng rất mến ông, một người có dáng thư sinh, nho nhã, khuôn mặt phúc hậu, nụ cười hiền và tươi – rất tươi; có lẽ đó là nét cảm thông, chia sẻ và rất khiêm nhường của ông Chủ tịch mang dáng dấp thầy giáo. Lần đầu gặp ông Cung tôi bất ngờ được đọc bài thơ “Trăng phố núi” của ông. Thật lạ, một người đứng đầu huyện lo bao công việc cơm áo gạo tiền, công ăn việc làm cho hàng ngàn người, hàng ngàn số phận của một huyện miền núi mới thành lập đang còn ngổn ngang bao công việc mà có sự phân thân kỳ lạ thật thi sỹ khi viết những câu thơ ám ảnh, huyền ảo đậm chất Hàn Mặc Tử: “Men sông tre xõa tóc nghiêng phơi’; rồi: “Chèo khuya sóng dậy trăng tan biến – Ngẩn ngơ trời trăng, sao còn nguyên”. Chính cái ánh trăng đẫm chất thơ, tình người này là một cõi thiện để ông trụ vững hơn mười năm ở cái huyện đầy khó khăn thiếu thốn này. Thường, khi chúng tôi lên mặc dù bận rộn ông vẫn dành thời gian đưa đi giới thiệu các mô hình sản xuất, các công trình đang xây dựng và đặc biệt là Thành Cụ Phan. Hình như đây là một địa danh luôn được ông nâng niu ngay cả trong tâm tưởng. Một chiến khu Vụ Quang – Một vị tướng lừng danh Phan Đình Phùng – Một sự tích Cá chép vượt Vũ Môn… Ông kể: “Ngày đầu mới thành lập huyện, đêm nằm nghe mưa rơi, mang tác, quờ tay ngỡ như chạm được sự cựa quậy của rừng núi đại ngàn. Nhà ở tạm nhưng ưu tiên cho cánh sóng viễn thông bưu điện của thông tin – Vâng, thèm sao một tiếng người, một thông tin nóng hổi khi nước lũ về băng trắng xóa cô lập Vũ Quang như một ốc đảo. Xe chở cán bộ huyện đi họp tỉnh phải dậy từ ba giờ sáng đến chín giờ mới tới nơi.
Toàn cảnh thị trấn Vũ Quang. Ảnh : Đình Thông
Thế mà bây giờ Vũ Quang hơn mười năm đã thay da đổi thịt như một công chúa ngủ quên trong rừng sâu choàng tỉnh dậy được đánh thức được vươn vai, được bồi đắp nhan sắc thắm đỏ hồng hào mà vẫn tình tứ uyển chuyển của nét riêng rừng núi đại ngàn này”. Tôi là người mê biển và yêu sông. Biển có gì đó nam tính và vạm vỡ, còn sông thì mềm mại nữ tính. Lên Vũ Quang tôi bần thần lặng đi trước vẻ đẹp của con sông Ngàn Trươi dấu bao vẻ bí ẩn hoang dã. Con sông mang bao dấu tích huyền thoại của một Ác Giang khi mùa lũ băng về, đã từng nhấn chìm cả một đạo quân Pháp. Nhưng trong ký ức của tôi sông vẫn hiền hòa mộng mị và đắm đuối/ Tôi ví đó là mái tóc Ngàn Trươi. Có lẽ tứ thơ này được nảy sinh khi tôi bắt gặp một mái tóc thật dài, thật dày, thật đen, thật mượt thơm hương lá sả của một cô gái ở Văn phòng ủy ban huyện. Tối đó tại nhà anh Cung, một buổi giao lưu văn nghệ giữa chúng tôi với gia đình ông và cô gái tóc dài. Vợ ông cũng là một cô giáo yêu thơ, còn em – cô gái tóc dài vốn tốt nghiệp khoa Văn đại học Sư phạm nên cũng rất mê thơ. Chúng tôi sống trong một cảm giác thơ, từ trường thơ. Ngoài kia ánh trăng đại ngàn buông xuống rặng núi Giăng Màn một màn sương ảo ảnh. Phố núi về đêm có gì đó thật mơ màng, bảng lảng. Bây giờ thì con sông Ngàn Trười đã xây đập. Dự án thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang có dung tích hồ chứa 800 triệu mét khối với nhà máy thủy điện công suất 15MW có vốn đầu tư 6.000 tỷ đồng. Hiện nay đã khởi công các tiểu dự án đầu mối công trình hồ chứa nước Ngàn Trươi đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, các khu tái định cư, Khe Ná, Khe Gỗ, Đồng Nậy và khu tái định cư Hói Trung… Tôi hình dung sau 5 năm nữa công trình này sẽ thay đổi diện mạo sản xuất nông nghiệp của nửa tỉnh Hà Tĩnh đồng thời là nguồn cung cấp nước cho phát triển công nghiệp mà cụ thể là khai thác mỏ sắt Thạch Khê.
Buổi sáng chúng tôi ra công trường đang thi công. Từng đoàn xe ben lực lưỡng như những chú voi sắt chở đầy đất đỏ gọt phăng cả hai quả đổi đang hạ cốt để đắp đập; mới biết sức người, sức cơ giới thật là vĩ đại. Nhìn những chiếc xe lắc lư đã biết được cá tính của người lái. Có người nóng tính, có người đằm tính nhưng tất cả đều rất trẻ, sức trẻ hồ hởi trên những khuôn mặt, sức trẻ ngay cả lươn vào vòng cua thật điệu nghệ, thật khoan thai đĩnh đạc khi đổ thùng xe đất. Một chút gật gù vừa ý, một chút ngang tàng đột khởi. Bụi, nắng, và gió Lào khô cứng cây lá cũng đổi màu nhuốm đỏ nhưng nghe tiếng mìn phá dá, từng cột khói tôi như thấy cả chuỗi âm thanh tiếng cười rộn ràng của những chàng trai. Và lòng tôi bỗng xao động khi nhìn ra xa mai đây sông Ngàn Trươi ngăn đập sẽ thành hồ Ngàn Trươi trong xanh có muôn chóp núi ẩn hiện, những vú đá nguyên sinh phồn thực, nơi đây sẽ thành hồ du lịch sinh thái. Rồi những chiếc ca nô xé sóng, những mái chèo khua, những giò phong lan tươi thắm và rực rỡ, rồi mùi cá Mát được nướng trên những vỉ sắt rực đỏ than lò. Chao ôi, cái thứ cá chuyên ăn phù du sông suối, đầu chúi vào các ngách đá để hút hết tinh chất địa linh, vị cá thơm, đầu cá mềm và bùi để lại một hương vị quyến rũ. Huyện Vũ Quang có 20km đường Hồ Chí Minh đi qua, đây là mạch máu giao thông Bắc- Nam tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thương mại, vận tải và giao lưu kinh tế. Lại có 43km đường biên giới Việt – Lào thuận tiện để xây dựng cửa khẩu mà tôi nghe nói dự kiến sẽ xây ở Kim Quang. Ông Cung thật có lý khi nói rằng: “Tương lai Vũ Quang sẽ trở thành thị trấn du lịch – du lich tâm linh với căn cứ địa Phan Đình Phùng, an toàn khu trong kháng chiến chống Pháp – du lịch sinh thái như thác Rồng, thác Cống, thác Rào và đặc biệt là vườn Quốc gia Vũ Quang bảo tồn mẫu chuẩn sinh thái rừng Bắc Trường Sơn…”
– Quỹ đất lâm nghiệp dồi dào là nền tảng để Vũ Quang phát triển kinh tế bền vững. Ngoài ra Vũ Quang còn có khoáng sản nào nữa không anh – Tôi hỏi ông Cung
– Về khoáng sản, mặc dù chưa được khảo sát đánh giá một cách đầy đủ nhưng địa bàn huyện hiện nay có một số tài nguyên khoáng sản đang khai thác đợt đầu như đá vôi xanh ở xã Đức Lĩnh, Hồng Minh và thị trấn Vũ Quang. Đây là nguồn nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp sản xuất xi măng. Còn có quặng sắt khai thác ở xã Sơn Thọ.
Chúng tôi đến Công ty TNHH 1 thành viên Sắt Vũ Quang cách thị trấn 3 – 4km nằm sát bên đường Hồ Chí Minh. Công trình đang ngổn ngang thi công. Với chủ trương giảm nhập khẩu phôi thép của Chính phủ và hạn chế xuất quặng thô ra ngoài. Tập đoàn thép Vạn Lợi thực hiện dự án xây dựng nhà máy cán thép ở Vũng Áng (Hà Tĩnh) với dự toán trên 1.600 tỷ đồng theo đó xây dựng nhà máy tuyển quặng sắt và khai thác sắt ở Vũ Quang. Đây là mỏ sắt lộ thiên với trữ lượng khoảng 10 triệu tấn. Khi nhà máy hoàn thành sẽ có công suất 500 ngàn tấn/năm. Việc khai thác không có gì phức tạp. Sắt ở đây chủ yếu là sắt Lim ô tít (Fe203) không có từ tính. Sau khi đưa vào nhiệt độ 850oC ngưng kết qua lam ke nghiền nát. Tại đây có hệ thống tuyển từ sẽ tách phi quặng về một phía sản phẩm cuối cùng ở phân xưởng này sẽ là bột sắt tinh sau đó được chuyển về Vũng Áng để nấu ra phôi thép.
– Ở Vũ Quang còn có một khoáng sản cực kỳ quý báu được tôi luyện qua truyền thống từ xưa đến nay đó là…
– Con người Vũ Quang – Ông Cung lặng đi giây lát – Đó là những người dân nặng lòng yêu quê, mến người gắn bó với đất đai xứ sở. Những con người thật bình dị, hiền lành, chăm làm, chịu khó, biết hi sinh vì quyền lợi chung. Nếu không thế thì làm sao chúng tôi làm tốt công tác di dân tái định cư được. Một công việc rất phức tạp chạm đến cõi tâm linh thiêng liêng trong sâu thẳm cội nguồn của mỗi người. Tôi rất biết ơn họ, cám ơn họ ngàn lần. Tôi rất xúc động hình ảnh người dân nhường đất cho công trường, bỏ nhà, bỏ vườn ra đi, bỏ lại cả một phần ký ức đời người tổ tiên vô giá. Vì thế tôi đã viết bài thơ “Mẹ đi tái định cư” có câu: “Ra đi xót lắm ông ơi – Mảnh đất tiên tổ bao đời ở đây – Giơ tay chạm lá, chạm cây – Cam bù trĩu quả, sum vầy mít non – Chân chim mắt mẹ héo hon – Giã từ ký ức vẫn còn đằm sâu”.
Ông Phan Đức Cung dẫn chúng tôi đến thăm một mô hình trang trại của đôi vợ chồng trẻ Thanh – Minh. Cái tên Thanh Minh gợi cho tôi một tiết trời xuân trong sáng nhẹ nhõm nhuốm màu sắc tâm linh. Ngôi nhà của anh chị khiêm tốn thưng bằng gỗ, lợp lá, nền đất ở trên một quả đồi nhưng đó là cơ ngơi của một tỷ phú tương lai bởi xung quanh sườn đồi ngập tràn sắc xanh thắm đậm đà của chè, xanh đắm đuối bạt ngàn của cam bù trĩu quả lúc lỉu. Cam bù là một đặc sản riêng của vùng đất này. Hinh như tên cam như muốn bù lại những gian khó vất vả mưu sinh của con người đã chắt chiu cần mẫn thanh lọc hút hết tính chất khí đất, khí trời để ửng tròn căng mọng vị nươc tinh khiết giàu hàm lượng vitamin trả lại công lao tưới đẫm mồ hôi và cả những cơn sốt rét rừng nữa. Thật lạ, chị Minh mời chúng tôi món ăn cam bù rất khác người có một lối ẩm thực dân dã: đó là chấm múi cam vào bát ruốc bể mặn mòi tươi rói. Đây mới là lối ăn cam bù đúng cách! Vị mgọt của ruốc bể làm dịu vị chua thanh của cam, mùi thơm ngọt của cam xua tan mùi ruốc bể, chỉ còn lại vị đậm đà ấm dần rạo rực huyết quản con người trong những ngày se lạnh. Chúng tôi còn được uống nước chè xanh pha với mật ong khá độc đáo, cả hai vị sánh quyện tạo ra sự giao thoa kỳ lạ. Cứ nhìn nước da nâu bóng săn chắc của anh Thanh và đôi gò má trắng hồng căng mịn của chị Minh cũng như bước chân lẫm chẫm chắc chắn của cháu bé mới biết cái thú ẩm thực pha trộn này cho họ một sức khỏe tiềm ẩn có chút hoang sơ mà đầm ấm lạ lùng. Hình như ông Cung muốn hòa nhập với họ, ông xăm xăm bước đi bằng chân đất cùng tranh luận bàn cách làm giàu. Hóa ra ông là thổ công của vùng đất này, là cán bộ đoàn, cán bộ huyện lăn lộn hàng chục năm trời. Nơi trụ sở huyện khang trang bề thế bây giờ là đỉnh đồi trận địa năm xưa ông cùng dân quân trực chiến bắn máy bay Mỹ.
Trở lại Vũ Quang hôm nay chúng tôi thật bất ngờ: Từ một huyện cách đây 10 năm không có một mét giao thông đường nhựa nay ô tô đã về tận xóm làng, rồi trường học cấp 2, cấp 3, bênh viện khang trang, thông tin liên lạc được phủ sóng tương đối toàn diện. Đặc biệt ở đây trong những ngày tháng Bảy này chúng tôi đến thắp hương ở ngôi đền Liệt sỹ, ngôi đền thật sự có kiến trúc cổ kính giống ngôi đình làng mái cong vút thiêng liêng được xây trên đỉnh đồi cao lộng gió, các liệt sỹ yên nghỉ trong vòng tay đất mẹ Vũ Quang- Vùng đất đã hồi sinh trỗi dậy với những tiềm năng dấu ấn lịch sử. Tôi chợt nhớ đến câu nói rất hay đầy tính nhân văn của nhà thơ Đaghexxtan: Gamzatốp, ông nói: “Nếu ai bắn vào quá khứ phát súng lục – thì tương lai bắn vào anh quả đại bác”. Vâng, quá khứ, ký ức đó là một tài sản vô giá, một tiềm lực thiêng liêng để khơi dậy làm bệ phóng cho hiện tại và cho tương lai – Vũ Quang đi lên bằng nội lực tiềm năng đó.
NGUYỄN NGỌC PHÚ
Baohatinh