Giáo dục

Kỳ thi THPT quốc gia 2017: Đừng để trượt oan vì lơ là quy chế!

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 diễn ra từ ngày 22 đến 24-6, với sự tham gia của 73 nghìn học sinh trên địa bàn TP Hà Nội.

Tại hội nghị triển khai công tác coi thi ngày 19-6, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Nguyễn Hữu Độ đặc biệt lưu ý việc phổ biến quy chế thi đến từng học sinh, đừng để các em trượt oan chỉ vì không thuộc quy chế!

Giám thị phổ biến quy chế thi tại kỳ thi THPT quốc gia 2016. Ảnh: Nhật Nam

Bảo quản chặt đề thi

Xác định coi thi là khâu đặc biệt quan trọng, Ban Chỉ đạo thi và tuyển sinh thành phố đã yêu cầu các điểm thi phổ biến quy chế thi và các quy định của kỳ thi tới thí sinh. Ông Bùi Quang Thái, Phó Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) cho biết, để giúp thí sinh nắm chắc nội dung của quy chế, cách thức phổ biến quy chế thi năm nay có nhiều thay đổi. Nếu như năm trước, lãnh đạo điểm thi sẽ phổ biến quy chế cho toàn bộ thí sinh tại điểm thi thì năm nay, thí sinh được học quy chế tại phòng thi của mình. Cán bộ coi thi là người đảm nhận phần việc này.

Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy), người được phân công làm điểm trưởng điểm thi Trường THPT Thạch Bàn (Long Biên) cho rằng, cách thức này đòi hỏi cán bộ coi thi phải nắm vững quy chế, hiểu rõ trách nhiệm từng phần việc được giao để phổ biến chính xác tới từng thí sinh. Muốn vậy, mỗi cán bộ coi thi phải có ý thức tự học quy chế...

Việc bảo quản đề thi được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội rất coi trọng. 112 trưởng điểm thi có trách nhiệm bảo quản đề thi an toàn, tuyệt mật. Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Nguyễn Hữu Độ, năm nay, Ban Chỉ đạo thi và tuyển sinh thành phố sẽ bàn giao đề thi trực tiếp đến từng điểm thi. Lãnh đạo điểm thi chịu trách nhiệm nhận và bảo quản toàn bộ đề thi trong suốt thời gian diễn ra kỳ thi với yêu cầu tuyệt đối không để đề thi bị lọt ra ngoài.

Những điều thí sinh cần nhớ

Thông tin từ Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP Hà Nội) cho biết, trong tháng 6-2017 đã xử lý 5 cá nhân có hành vi kinh doanh thiết bị tai nghe, thu phát tín hiệu kích thước nhỏ phục vụ mục đích gian lận thi cử. Trước thực tế này, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Nguyễn Hữu Độ yêu cầu trưởng 112 điểm thi phải rà soát thật kỹ và phổ biến cụ thể danh sách các vật dụng thí sinh được mang vào phòng thi và trách nhiệm của thí sinh.

“Ở kỳ thi THPT quốc gia, nếu các em bị đình chỉ bài hoặc môn thi thành phần, các em không được sử dụng kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Lỗi này trước hết thuộc về thí sinh, ngoài ra còn là trách nhiệm của cán bộ coi thi. Vì vậy, các thầy, cô giáo cần nhắc nhở thí sinh thật kỹ, đừng để các em bị trượt oan vì lơ là quy chế” - ông Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh.

Năm nay là năm đầu tiên kỳ thi THPT quốc gia có bài thi tổ hợp, gồm bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (với ba môn thành phần vật lý, hóa học, sinh học) và bài thi tổ hợp khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân). Để tránh bị mất điểm oan, ông Bùi Quang Thái, Phó Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) lưu ý thí sinh phải làm bài thi trên cùng một phiếu trả lời trắc nghiệm. Đề thi các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp được phát lần lượt theo từng môn để thí sinh làm bài trong thời gian quy định (50 phút/môn).

Sau khi hết giờ làm bài của môn thi thành phần nào thì thí sinh cần nộp lại đề thi và giấy nháp của môn thi đó, trừ môn cuối cùng. Để giúp thí sinh tránh nhầm lẫn, Hà Nội quy định giấy nháp của môn thi thành phần đầu tiên là giấy nháp ghi các thông tin bằng mực màu đỏ, của môn thứ hai được ghi bằng mực màu xanh và của môn thi thứ ba được ghi bằng mực màu đen. Như vậy, thí sinh cần nhớ nộp lại cho cán bộ coi thi giấy nháp màu đỏ, màu xanh, tuyệt đối không được giữ lại, vì sẽ bị coi là vi phạm quy chế.

Trước những băn khoăn của nhiều thí sinh liên quan đến việc làm bài thi tổ hợp, ông Bùi Quang Thái khẳng định: Toàn bộ học sinh vừa tốt nghiệp THPT năm học 2016 - 2017 đều phải thi đủ ba môn thành phần của bài thi tổ hợp. Chỉ có thí sinh tự do đã tốt nghiệp hoặc thí sinh được bảo lưu điểm mới được chọn môn thi thành phần của bài thi tổ hợp. Do vậy, nếu thí sinh đã đăng ký dự thi bài thi tổ hợp nào thì phải dự thi hết môn thành phần của bài thi tổ hợp đó, kể cả trong trường hợp đã đăng ký cả hai bài thi tổ hợp. Nếu thí sinh đăng ký dự thi cả hai bài mà không dự thi một bài, thì bị coi là bỏ thi và không được xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Liên quan kỳ thi, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN HANOI) cho biết, trong thời gian diễn ra kỳ thi, EVN HANOI không cắt điện toàn thành phố, trừ các trường hợp xử lý sự cố đe dọa việc vận hành lưới điện; đồng thời, bảo đảm điện tại các địa điểm in sao đề thi, chấm thi, phúc khảo và Ban Chỉ đạo thi thành phố.

Thí sinh chỉ được mang vào phòng thi bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ; Atlat địa lý Việt Nam (đối với môn thi địa lý, do Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành, không được đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung gì), các loại máy ghi âm và ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp.

Trước khi làm bài, thí sinh phải ghi đầy đủ số báo danh vào bốn loại giấy: Đề thi, giấy thi, phiếu trả lời trắc nghiệm và giấy nháp. Trong khi làm bài, thí sinh không được đánh dấu hoặc làm ký hiệu riêng; không được viết bằng bút chì (trừ vẽ đường tròn bằng compa và tô các ô trên phiếu trả lời trắc nghiệm); chỉ được viết bằng một thứ mực, nhưng không phải là mực đỏ.

Tác giả: Thống Nhất

Nguồn tin: Báo Hà Nội mới

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP