Cơn bão đã gây mưa vừa đến mưa to, sức gió tăng giật cấp 8 đến cấp 9 tăng lên cấp 10, cấp 11. Cơn bão đã làm tốc mái hàng trăm nhà dân, các công trình trường học, trụ sở, trạm y tế, bưu điện, hệ thống cột điện và khiến hàng trăm hecta tràm và hàng ngàn cây ăn quả, cây cổ thụ bị đổ gãy, gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất và đời sống của nhân dân.
Chủ động từ rất sớm. Từ 15 giờ chiều ngày 29/9/2013, tại hội nghị giao ban công tác giải phóng mặt bằng, đồng chí Lê Đình Sơn – Phó chủ tịch UBND tỉnh đã triển khai Công điện của Ban chỉ huy PCLB – TKCN tỉnh, giao nhiệm vụ cụ thể cho cấp ủy, chính quyền huyện và các xã, thị trấn trong việc chủ động ứng phó với diễn biến cơn bão số 10. Ngay sau đó, vào lúc 16 giờ ngày 29/9/2013, đồng chí Nguyễn Văn Bổng – Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban chỉ huy PCBL – TKCN huyện đã triệu tập cuộc họp toàn thể Ban chỉ huy; triển khai cụ thể phương án phòng chống, ứng phó cơn bão số 10. Phân công lực lượng trực chỉ huy và các thành viên bám sát để chỉ đạo cơ sở. Ngay trong đêm 29/9/2013, các Đoàn công tác cơ sở (theo Quyết định 250 của Ban thường vụ Huyện ủy) đã bám sát, kiểm tra và đôn đốc việc phòng chống tại các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Đồng thời, phối hợp với các Đồn Biên phòng, Ban quản lý KKT Vũng Áng hoàn thành việc kêu gọi các tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn. Mọi thông tin liên quan đến phương án phòng chống, ứng phó với cơn bão số 10 đã được truyền thanh trực tiếp cho nhân dân trước 18 giờ ngày 29/9/2013. Trước diễn biến phức tạp của cơn bão, UBND các xã, thị trấn đã phối hợp tốt với lực lượng Công an, Quân sự, Bộ đội biên phòng giúp dân chằng chéo nhà cửa và các công trình đề phòng lốc xoáy. Ngoài ra, phân công các lực lượng giám sát, lập chốt tại các ngầm, tràn, đê, cống, các điểm giao thông xung yếu để đảm bảo an toàn tính mạng cũng như tài sản của nhân dân. 22 giờ đêm 29/9/2013, Ban Thường vụ Huyện ủy họp khẩn cấp, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Đặng Quốc Khánh – Phó chủ tịch UBND tỉnh, bàn và triển khai phương án sơ tán dân các vùng trọng điểm, chú trọng các xã ven biển như Kỳ Phú, Kỳ Khang, Kỳ Xuân, Kỳ Hà, Kỳ Ninh, Kỳ Lợi, Kỳ Phương,…và các xã vùng dễ bị cô lập khi triều dâng và ngập lụt như xóm Trường Lại (Kỳ Thịnh), Đông Yên (Kỳ Lợi), Nhân Thắng (Kỳ Phương), Minh Đức (Kỳ Nam),… Quyết liệt trong chỉ đạo, kiên trì bám trụ cơ sở 05 giờ sáng ngày 30/9/2013, các thành viên Ban chỉ huy PCLB – TKCN huyện, cùng cán bộ chỉ đạo cơ sở nhận lệnh sơ tán dân, bám sát địa bàn từng thôn, động viên, vận động nhân dân di dời đến nơi an toàn. Phòng GD&ĐT cũng chỉ đạo các trường cho học sinh nghỉ học, đồng thời tổ chức sơ tán học sinh ở những vùng xung yếu đến nơi an toàn để tránh bão số 10.
Tác giả bài viết: An Nhiên
Kỳ Anh