Phá sản, nợ lúa dân
Ai có dịp đi qua xã Kỳ Nam sẽ dễ dàng nhận thấy một cánh đồng rộng lớn hàng chục hécta hồ nuôi tôm nằm ngay bên cạnh QL1A bị bỏ hoang mà chua xót. Trong khi đó, quỹ đất ruộng của xã này rất hạn hẹp.
90ha đất nuôi tôm ở xã Kỳ Nam của Cty Việt Anh phải bỏ hoang. |
Ông Nguyễn Đình Vin – Chủ tịch UBND xã Kỳ Nam – cho biết, toàn bộ diện tích 90ha từ đất ruộng của người dân 6 thôn trong xã được giao cho Cty TNHH tư vấn chuyển giao công nghệ Việt Anh thực hiện dự án nuôi tôm từ năm 2000. Tuy nhiên, việc nuôi tôm không hiệu quả, số lượng hồ nuôi giảm dần rồi bỏ hoang hẳn, không nuôi từ năm 2012 đến nay. Dự án này đã thu hồi đất ruộng của 384 hộ dân.
Theo cam kết, mỗi năm phía Cty Việt Anh sẽ đền bù cho dân 175kg/sào với đất 2 vụ. Cách thức đền bù là trả tiền mặt. Cứ vào cuối tháng 6 hằng năm, Cty sẽ trả tiền cho dân. Tuy nhiên, đến thời điểm này, dù đã muộn hơn 2 tháng nhưng phía Cty Việt Anh vẫn chưa trả tiền cho dân.
Nguyên nhân của việc chậm này là do dự án nuôi tôm của Cty Việt Anh đã bị UBND tỉnh Hà Tĩnh có quyết định thu hồi ngày 29.5.2014. “Người dân bức xúc, có ý kiến về việc Cty Việt Anh chậm trả tiền, nên vừa rồi tôi có ra tỉnh hỏi ai sẽ trả tiền cho dân trong năm nay, khi nào sẽ trả, nhưng tỉnh vẫn chưa trả lời” – Chủ tịch UBND xã Kỳ Nam nói.
Quyết nuôi tiếp 114ha
Mặc dù hệ lụy nhãn tiền của hàng loạt dự án nuôi tôm bị phá sản trên đất Hà Tĩnh ai cũng thấy, nhưng ngày 10.4.2014, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự đã ký văn bản số 1390, đồng ý cho Cty TNHH Grobest Việt Nam (trụ sở ở TPHCM) triển khai dự án nuôi tôm trên cát theo công nghệ sạch, với diện tích 40ha ở thôn Ba Đồng (xã Kỳ Phương) và 114ha ở xã Kỳ Nam.
Rừng phi lao ven biển ở xã Kỳ Nam có thể bị xóa sổ bởi quyết định cấp 114ha nuôi tôm |
Sự việc khiến rừng phòng hộ hàng chục năm tuổi ở thôn Ba Đồng bị chặt phá trắng để triển khai dự án. Người dân địa phương vô cùng bức xúc và hoang mang, khi mùa mưa bão về, làng mạc sẽ bị bão tố tàn phá vì không còn rừng che chắn. Theo nội dung văn bản 1390, trong 114ha đất ở xã Kỳ Nam gồm đất tổ hợp dịch vụ du lịch, đô thị và dịch vụ mật độ cao, bãi đỗ xe, giao thông, cây xanh, bãi cát.
Thời điểm này, dù chưa công bố rõ quy hoạch 114ha đất dành nuôi tôm này cụ thể ở đâu, nhưng người dân địa phương đã hoang mang lo ngại dự án sẽ cạo trắng rừng phi lao phòng hộ ven biển của xã như ở Kỳ Phương. Phóng viên Báo Lao Động đã có mặt tại rừng phi lao ven biển này và chứng kiến những cây phi lao đường kính một người ôm không xuể.
Bà Nguyễn Thị Xoan (50 tuổi, thôn Minh Đức) cho biết, rừng phi lao ven biển của xã được bảo vệ rất nghiêm ngặt. Người dân địa phương chỉ cần chặt một cành nhỏ đã bị bắt phạt nặng. “Người dân chúng tôi không thể thiếu rừng phi lao đó được. Nếu chặt phá để nuôi tôm thì chúng tôi phải bỏ làng mà đi thôi” – bà Xoan nói.
Chủ tịch UBND xã Kỳ Nam cho biết, hiện chúng tôi chưa nắm rõ dự án nuôi tôm 114ha có lấy rừng phòng hộ của xã như ở Kỳ Phương hay không. Nhưng vụ phá rừng ở thôn Ba Đồng (xã Kỳ Phương) để nuôi tôm thì anh em cán bộ xã có đến xem. “Nếu chặt phá rừng phi lao ở ven biển của xã để nuôi tôm như ở Kỳ Phương thì chắc chắn người dân sẽ phản đối. Ngay cả đại diện chính quyền xã chúng tôi cũng phản đối” – ông Vin nói.
Việc Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ủy quyền cho BQL Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh quyết định điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Vũng Áng và triển khai cấp đất cho Cty Grobest Việt Nam nuôi tôm đã tạo cơ hội cho BQL này bỏ qua nhiều thủ tục, không thông báo rộng rãi thăm dò ý kiến của người dân. Vì vậy, người dân nơi đây thật sự lo ngại nếu sự việc tái diễn kiểu bất thường chặt trắng rừng phòng hộ như ở thôn Ba Đồng, xã Kỳ Phương.
ANH BÌNH