Theo chân đoàn giám sát tại một số trường công lập ở một số huyện về những khoản thu ngoài học phí, chúng tôi chứng kiến được thực trạng về việc thu những khoản thu ngoài tiền học phí. Nhìn chung, số khoản thu ở các trường không có một quy định rõ ràng nên tùy theo điều kiện vùng, miền, nền kinh tế…mà những khoản thu thường được tự các trường đề ra và…cứ việc tiến hành thu. Điều đáng bàn ở đây là những khoản thu thường được chia ra nhiều phần, ví dụ như trong báo cáo của trường TH Bắc Nghèn có 8 khoản thu ngoài học phí năm học 2011-2012. Tuy nhiên, ngoài tiền xây dựng trường là 150.000/hs thì trong 8 mục đó lại có thêm những khoản thu như: nâng cấp sửa chữa hệ thống điện, trang trí lớp, vệ sinh môi trường, huy động 4 ngày công lao động.tiền xây dựng mà bản chất thật sự vẫn là tiền xây dựng, và hóa ra tiền xây dựng trường là 360.000/hs.
Một loạt các khoản thu đầu năm mà danh sách thường không dưới 10 khoản, phụ huynh nhìn vào cũng phải hoa cả mắt. Vấn đề là nhiều phụ huynh khi có con vào học tại các trường thường nhắm mắt xoay xở nộp cho xong vì “qua sông thì phải phải lụy đò”. Thực tế, đã có rất nhiều công văn của các cấp yêu cầu “siết chặt” các khoản đóng góp đầu năm, nhưng hình như cố tình “lợi dụng” vào sự cho phép “xã hội hóa” mà trong báo cáo của nhiều trường vẫn “lách luật” với rất nhiều khoản đóng góp dưới hình thức “tự nguyện” nhưng vẫn mang tính chất thông báo với phụ huynh.
Việc thu những khoản tiền ngoài học phí là điều cần thiết bởi thực tế nguồn ngân sách cấp bù, tiền học phí và những khoản tiền hỗ trợ khác hiện nay không thể đủ để chi trả cho rất nhiều những khoản chi của các trường. Tuy nhiên, bản chất của việc thu cần đến sự công khai, minh bạch thì thực tế là chưa có. Hầu hết các trường đều cho rằng việc thu tiền đều có sự đồng ý của phụ huynh học sinh, song gần như đó chỉ một cuộc họp để thông báo chứ chưa có sự nhất quyết. Biết rằng, cần dựa vào nguồn lực xã hội hóa là đúng, nhưng hầu hết tại các trường vẫn chưa làm tốt việc thực hiện tốt quy chế dân chủ, việc thu không dừng lại ở bàn bạc, thông báo mà cần có sự tham mưu, đồng ý của phụ huynh là chưa có. Thực tế này xảy ra hầu như gần hết trong các báo cáo của các trường được giám sát tại huyện Hương Khê.
Một điểm bất cập nữa về việc thu tại các trường là sự không cân đối giữa thu và chi, hoặc thu thì có dự toán, nhưng chi lại sai mục đích…
Có theo chân đoàn giám sát, chúng tôi mới nhìn rõ những vấn đề bất cập tại gần như hầu hết các trường được tiến hành giám sát. Đó là vấn đề về trình độ nghiệp vụ của kế toán. Những sai sót cơ bản, hoặc những khoản thu chi không rõ ràng, sai con số…là những nghịch lý chung hiện trên những báo cáo của các trường. Trường THPT Nghèn trong báo cáo có tổng tất cả các nguồn thu khoảng trên 3 trăm triệu, nhưng chi lại trên 8 trăm triệu?, trường THPT Hương Khê phần thu và chi không khớp nhau. Thực tế, tại một số trường mầm non, việc định biên cho kế toán là chưa có, còn tại một số trường trung học hay THCS, việc chi trả cho lương kế toán nhiều khi còn phụ thuộc vào ngân sách của các trường nên lương cơ bản cho nhân viên kế toán còn thấp, chính điều đó cho thấy một thực trạng là họ chỉ thuê được những kế toán “nghiệp dư”. Một vấn đề nữa là thực trạng sự liên kết, đồng nhất về việc thu, chi giữa các cơ sở với chính quyền còn kém…
Mặc dù kết thúc từng địa bàn giám sát, tổ giám sát đều có những kết luận rất thực tế, nghiêm khắc phê bình và chấn chỉnh những sai phạm thông qua những báo cáo của cơ sở. nhưng những vấn đề sai phạm đó nên chăng, cần nhìn nhận lại để đến lúc, cần có một quyết sách đúng đắn cho việc thu, chi những khoản thu ngoài học phí.
Hà My
Báo Hà Tĩnh