Ngày 2/3/2014, nhận được phản ánh của người dân về một mỏ đất lậu ngay sát trụ sở UBND xã Xuân Hồng, PV đã thâm nhập để điều tra.
Vừa đến cây xăng Xuân Hồng thuộc xóm 3 xã Xuân Hồng, chúng tôi thấy nhiều xe công nông chở đất ra vào nhộn nhịp, một tốp thanh niên đang ngồi nói chuyện gẫu. Trong vai người đi mua đất đắp nền, tôi được một thanh niên hướng dẫn vào gặp anh Tình, là người chủ đang khai thác mỏ đất. “Giá cả thì tùy thuộc vào quãng đường, còn đất bao nhiêu cũng có”, người thanh niên nhiệt tình cho biết.
|
Bên trong “mỏ” đất lậu |
Tôi đi sâu vào một quãng từ mép QL1A đi ra phía sau núi, thì gặp hai người đi xe gắn máy đi ra. Một người đàn ông xưng tên Tình nói: “Anh cứ vào đó mà xem, giá cả thì hơi đắt, 25 nghìn đồng một khối, không có hóa đơn, anh cần đất số lượng nhiều cũng có”.
Đi sâu vào bên trong, chúng tôi thấy một máy múc đang hối hả đào đất đổ vào thùng xe công nông. Ba bốn xe cùng vào một lúc. Dưới chân núi đã bị đào khoét thành một mảng lớn.
“Những người này đã khai thác đất đi bán từ ngày thứ 7 (1/3), do UBND xã cho phép. Đây là mỏ đất lậu không có giấy phép”, một người dân trên địa bàn cho hay.
Đường vào nơi khái thác đất trái phép. Ngày 3/3, trao đổi với chúng tôi, ông Trần Duy Đệ, Chủ tịch UBND xã Xuân Hồng thừa nhận có việc múc đất tại núi Trọc ở xóm 3; thời gian “chỉ mới chiều hôm qua” (2/3-PV). Còn nguyên nhân múc đất là do tại “vị trí đào đất được cho phép xây dựng mô hình chăn nuôi, còn tại vị trí đổ đất được huyện cho anh Tình thuê đất 30 năm”, ông Đệ giải thích.
PV phản ánh việc ông Tình lợi dụng việc san lấp mặt bằng để bán đất, ông Đệ cho rằng có thể có một số hộ dân cần đất để đắp vườn thấp trũng, chứ không có việc bán đất.
“Sau khi có thông tin phản ánh, sáng nay chúng tôi đã gọi anh Tình lên lập biên bản đình chỉ việc múc đất; báo cáo lên UBND huyện, chờ ý kiến bằng văn bản của huyện”, ông Đệ thông tin.
Như vậy, mặc dù PV đã trực tiếp mắt thấy tai nghe việc bán đất, nhưng ông Trần Duy Đệ vẫn phủ nhận. Mặt khác, việc đào đất theo thông tin của người dân là tiến hành vào ngày 1/3, nhưng ông Đệ lại cho rằng tiến hành vào chiều 2/3.
Trong sự việc này, phía người đào đất phải có sự “bật đèn xanh” của một cá nhân nào đó, nếu không thì anh này sao dám “to gan” đào đất bán rầm rộ ngay sát nách trụ sở UBND xã?
Một điều vô lí nữa là tại sao lại phải khoét núi để xây dựng mô hình chăn nuôi? Và trong sự việc này, cá nhân ông Tình được lợi “trăm bề”: vừa có mặt bằng xây mô hình chăn nuôi, vừa có đất đắp mặt bằng tại đất mặt tiền QL1, vừa bán đất ra ngoài.
Trao đổi quan điện thoại, ông Đặng Văn Tính, Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân nói: “Tôi sẽ cho kiểm tra, nếu có việc khai thác đất trái phép thì sẽ xử lí theo qui định của pháp luật”.
Quang Đại (Tầm Nhìn)