Vụ án tham nhũng tại Vinalines đã khép lại hôm 16/12/2013, có hai bị cáo chịu mức án tử hình đó là Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc. Theo phán quyết của tòa án, các bị cáo trong vụ án này cũng bị buộc phải trả lại 28 tỉ đồng tiền tham ô, bồi thường cho Nhà nước 336 tỉ đồng.
Chiều 8/1, kết thúc phiên tòa này, thẩm phán Trương Việt Toàn đã công bố quyết định khởi tố vụ án làm lộ bí mật nhà nước theo điều 263 Bộ luật Hình sự và giao cho VKSND TP. Hà Nội báo cáo với VKSND tối cao để xử lý theo quy định của pháp luật.
Chính từ những “tiết lộ động trời” của Dương Chí Dũng, tòa đã khởi tố vụ án mới. Như vậy, liệu với những lời khai gây chấn động của mình, Dương Chí Dũng có “lấy công chuộc tội” và được xem xét để hưởng sự khoan hồng của pháp luật, từ đó thoát án tử hình hay không?
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, cựu thẩm phán, luật sư Phạm Công Út (Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Phạm Nghiêm) nhận định, lời khai của Dương Chí Dũng là một lời khai quan trọng vì đã chỉ ra được điều mà cả xã hội quan tâm, rằng ai là người đã “mật báo” cho Dương Chí Dũng để ông ta có thời gian tẩu thoát khỏi sự bủa vây của pháp luật.
Nhưng, lời khai của Dương Chí Dũng chưa phải là chứng cứ để chứng minh cho việc có hay không từ thông tin mật báo của người được giao trọng trách “phá án” để ông ta cao chạy xa bay.
Việc này cơ quan điều tra sẽ không khó trong việc chứng minh tội phạm của việc “mật báo” qua những thông tin ghi nhận các cuộc điện đàm nhận tới và gọi đi của người mật báo và người được mật báo. Chưa kể băng ghi âm mà Dương Chí Dũng có thể đã chuẩn bị vì ông ta phải tốn một số tiền rất lớn để mua một kết quả nhằm mục đích thoát thân.
Trong quá trình xét xử sơ thẩm vụ án Vinalines, nếu Dương Chí Dũng chưa được xem xét về tình tiết “khai báo thành khẩn” và “tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện, điều tra tội phạm” thì tại phiên tòa phúc thẩm sắp tới có thể tình tiết này sẽ trở thành tình tiết giảm nhẹ theo điểm p, q khoản 1 điều 46 Bộ luật hình sự để giảm án cho bị cáo Dương Chí Dũng.
Điều đó đồng nghĩa với việc Dương Chí Dũng có thể sẽ thoát án tử hình.
Dương Chí Dũng (trái) và em trai.
Đồng quan điểm với luật sư Út, luật sư Chu Mạnh Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Danh Chính (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) nêu quan điểm: Một nguyên tắc xử lý được quy định trong Bộ luật Hình sự Việt Nam là: “Khoan hồng đối với người tự thú, thành khẩn khai báo, tố giác người đồng phạm, lập công chuộc tội, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra”.
“Nếu Dương Chí Dũng thực sự thành khẩn, khai báo trung thực những tình tiết quan trọng trong vụ án Dương Tư Trọng, giúp cơ quan điều tra phát hiện tội phạm thì cũng có thể coi đó là hành vi “thành khẩn khai báo, lập công chuộc tội …” và có thể được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Việc Dương Chí Dũng có thoát án tử hình hay không còn phụ thuộc vào sự xem xét, đánh giá, quyết định của các cấp có thẩm quyền.
Tuy nhiên, trong vụ án này, do tính chất đặc biệt nhạy cảm của vụ việc, liên quan đến nhiều cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước nên các cơ quan chức năng cũng cần thận trọng khi xem xét, đánh giá những vấn đề, chứng cứ mà Dương Chí Dũng khai báo để đưa ra những quyết định sáng suốt, đúng đắn, công bằng, khách quan, đúng người, đúng tội”, ông Cường nói.
Trái ngược với hai quan điểm trên, một luật sư thuộc Liên đoàn luật sư Việt Nam nhận định, cho dù Dương Chí Dũng khai ra những tình tiết quan trọng trong vụ án Dương Tự Trọng thì cũng khó có thể được khoan hồng giảm án, thoát án tử hình trong vụ án của mình.
“Thực ra, Dương Chí Dũng đã khai về người “mật báo” từ khi điều tra vụ án Vinalines rồi nên việc khai lại ở phiên tòa xử Dương Tự Trọng và đồng phạm có ý nghĩa công khai thôi, chứ không phải là tình tiết mới. Từ đó, rất khó để ông Dũng được giảm án”, vị luật sư này nói.