|
Chiếc thuyền nhỏ chật cứng người. |
Được mệnh danh là “Hoan Châu đệ nhất danh lam”, Khu di tích lịch sử chùa Hương Tích rộn ràng tiếng trống khai hội vào sáng ngày 05/02, mở đầu cho năm du lịch Hà Tĩnh 2014.
Với sự phối hợp tổ chức của Sở VHTT – DL Hà Tĩnh và UBND huyện Can Lộc, lễ hội đã tổ chức nhiều trò chơi dân gian như đấu vật, kéo co, chọi gà… phục vụ du khách.
Để đảm bảo sự thành công cho lễ hội, phía Ban Quản lý Khu di tích đã phối hợp với các cơ quan chức năng để tạo nên những dịch vụ tốt nhất phục vụ cho du khách thập phương. Tuy nhiên, trong ngày đầu khai hội đã nảy sinh những vấn đề khiến cho du khách không thật sự hài lòng.
Giá vé xe tăng, BQL “không biết”
Để đảm bảo an toàn cho tài sản cá nhân trước khi nghĩ đến việc dâng hương hành lễ, phần đông du khách chọn gửi xe máy vào bãi gửi xe do Khu di tích quản lý. Tuy nhiên, đáng lẽ chỉ mất 3.000 đồng/ xe như giá in sẵn trên vé, du khách lại phải trả 5.000 đồng/ xe.
Dòng người đông đúc chen lấn trước cổng chùa. Đến khoảng 14h45 cùng ngày, khi PV hỏi một người giữ xe trẻ, da ngăm đen về việc tăng giá vé bất thường thì nhận được cái phất tay với câu nói: “Hồi sáng không hỏi giờ hỏi chi”.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Vỵ – Phó ban Quản lý Khu di tích cho biết: “Về vé gửi xe, Ban Quản lý đã cho in giá rõ ràng trên mỗi vé, trong đó vé xe máy 3.000 đồng/xe, ôtô trên 7 chỗ 30.000 đồng/xe, ôtô dưới 7 chỗ 20.000 đồng/xe. Về việc nhân viên trông xe tự ý tăng giá vé gửi xe máy lên 5.000 đồng, phía BQL thật sự không biết. Ban Quản lý không cho tự tiện thu 5.000 đồng/xe. Nếu những cá nhân nào lợi dụng tâm linh để thu thêm tiền gửi xe, BQL sẽ điều tra và có những biện pháp xử lý thích đáng, đảm bảo tính minh bạch”.
Thuyền chở quá tải, cơ quan chức năng làm ngơ
Bên cạnh con đường mòn trên núi dẫn lên chùa Hương Tích, du khách còn có thể đi thuyền để bớt đi những bước chân trên đường hành hương. Tuy nhiên, trong một ngày lượng khách đông đúc, phía nhà thuyền đã chở 30 đến 40 người trên mỗi chuyến đi, trong khi thuyền chỉ đăng kiểm tải trọng tối ta là 12 người.
Dù trên thuyền có đồ bảo hộ với phao cứu sinh, nhưng với một lượng khách lớn như vậy thì tính an toàn của chuyến đi khó được đảm bảo. Điều lạ là ngay tại 2 bến thuyền (đi và về) dù có lực lượng đông đảo CSGT cũng như CA đường thủy, nhưng tình trạng trên vẫn diễn ra hết sức công khai.
Đối với việc chở quá số người quy định, ông Nguyễn Duy Vỵ khẳng định, phía BQL đã ký cam kết với chủ thuyền là ông Lê Công Hồng (xã Thiên Lộc – Can Lộc – Hà Tĩnh), thực hiện các quy định đảm bảo an toàn cho du khách, chấp hành Luật GTĐT, không chở quá số người quy định.
BQL cũng đã phối hợp với lực lượng CA đường thủy, thanh tra giao thông tiến hành giám sát, cắt cử người trực trên khu vực bến thuyền để kiểm tra hoạt động của chủ thuyền, đảm bảo an toàn. BQL cũng lắp ráp hệ thống loa truyền thanh nhắc nhở du khách cũng như chủ phương tiện khi lưu thông.
Ông Vỵ cũng cho biết thêm, dù những thuyền hoạt động trong khu vực chỉ được đăng kiểm tải trọng 12 người, nhưng thực tế tải trọng tối đa là 40 – 50 người “thủ tục với thực tế đang có độ chênh nhất định”.
Còn đó những nỗi lo
Cũng trong ngày đầu diễn ra lễ hội, một thanh niên đi lễ chùa đã bị đâm trọng thương, tử vong trên đường đi cấp cứu. Sự việc diễn ra khi trong khu vực đang rất đông người dân đi lễ chùa đầu năm, khiến dòng người hoảng loạn, chen chúc nhau rời Di tích.
Đầu hổ bị sờ đến nhẵn bóng.
Dù hung thủ đã bị bắt, nhưng để một vụ trọng án diễn ra ngay trong khuôn viên Khu di tích, với rất đông khách hành hương trong mùa lễ hội, đã gây nên tâm lý hoang mang, cũng như để lại ấn tượng không tốt trong lòng du khách.
Bên cạnh đó, nạn ăn xin dọc đường lên chùa, hay nạn chặt chém khách lễ chùa của những người bán hàng làm mất đi nét đẹp cổ kính, linh thiêng của ngôi chùa được mệnh danh “Hoan Châu đệ nhất thắng cảnh”.
Hoàng Hữu Thung