Du lịch

Khách Tây trầm trồ trước món đặc sản chưa tới 1 đô của tỉnh miền Trung, nhận xét "hiếm có trên thế giới"

Món đặc sản giá rẻ với cách chế biến đặc biệt đã khiến chàng du khách nước ngoài phải trầm trồ kinh ngạc.

Nhắc đến những yếu tố giúp Việt Nam trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách quốc tế, không thể không kể tới nền ẩm thực đa dạng, phong phú. Những món ăn dù chỉ được làm từ nguyên liệu bình dân song mang phong cách, hương vị độc đáo, riêng biệt, khiến các du khách nước ngoài thậm chí phải trầm trồ kinh ngạc.

Món ăn sau đây là một ví dụ - là một món đặc sản nổi tiếng của xứ Quảng nói chung hay của phố cổ Hội An nói riêng. Đó là cao lầu. Trong chuyến đi tới Hội An của mình, chàng trai Mỹ Max McFarlin đã vô cùng thích thú khi được tận mắt chứng kiến quy trình làm ra món ăn này, từ khi chúng còn là những sợi mỳ được đem phơi khô, cho đến thành quả là món ăn hấp dẫn tới bàn ăn.

Ảnh Max McFarlin

Chia sẻ video về trải nghiệm ăn cao lầu ở Hội An, Max nhận xét: "Đây là món mỳ hiếm của thế giới, hương vị của nó không giống một món nào tôi đã từng ăn ở Việt Nam".

Cao lầu - đặc sản từ sợi mỳ đặc biệt

Thành phần tạo nên món cao lầu bao gồm sợi mỳ, thịt xíu mại, da heo chiên giòn, một số loại rau sống, hành, giá và các loại gia vị như ớt bột, ớt chưng, xì dầu hay loại nước sốt đặc sệt đặc trưng... Tuy nhiên, theo những người bản địa, và chính Max cũng nhận xét, thứ đặc biệt nhất để tạo nên sự thơm ngon, hương vị độc đáo của cao lầu chính là sợi mỳ.

Không phải dùng sợi mỳ thông thường, phổ biến, sợi mỳ trong cao lầu có màu vàng nhạt, thân tròn, khi ăn có vị hơi dai. Trong tất cả những món ăn Việt Nam, chỉ có duy nhất cao lầu sử dụng sợi mỳ như thế này. Bởi vậy, nó còn thường được gọi là "sợi cao lầu".

Ảnh Along Walker

Ở Hội An, có một làng nghề riêng chỉ sản xuất sợi cao lầu, thuộc phường Cẩm Châu. Trước kia nghề làm sợi này rất phổ biến, cả làng cùng nhau làm. Tuy nhiên giờ đây chỉ còn 2 hộ là sản xuất chính, mỗi ngày sản xuất khoảng 400kg sợi cao lầu.

Người bản địa chia sẻ, để làm ra được sợi cao lầu ngon, chuẩn, phải dùng gạo xuyệt cứng, hòa với nước trong không có phèn và nước tro. Trong đó, nước tro sẽ có tác dụng khử chua, giúp sợi cao lầu để được vài ngày mà không bị thiu. Sợi cũng sẽ có màu vàng nhạt, như pha nghệ. "Tro bếp được hòa với nước, để lắng lấy nước trong cho vào bột. Khâu này quan trọng nhất, quyết định chất lượng sợi cao lầu", một người nghệ nhân làm sợi cao lầu lâu năm tại làng nghề cho hay.

Sợi cao lầu đặc biệt - yếu tố quan trọng tạo nên hương vị đặc trưng của món đặc sản Quảng Nam hay Hội An (Ảnh Visit Quang Nam)

Ngoài sợi cao lầu tươi, người dân làng nghề còn tận dụng nguyên liệu để làm thành sợi cao lầu khô, giúp du khách ở những địa phương, thậm chí là quốc gia khác có thể mua về làm quà cho gia đình và bạn bè.

Trong chuyến đi của mình, Max cũng đã có cơ hội dạo quanh khu chợ địa phương để được tận mắt chứng kiến phần nào quy trình người bản địa đang phơi sợi cao lầu. "Đó là lý do tại sao cao lầu lại đặc biệt, chỉ có thể ngon nhất khi ăn ở Hội An", chàng du khách Mỹ cảm thán.

Chàng du khách Mỹ được chứng kiến những quy trình người Hội An làm ra sợi cao lầu (Ảnh Max McFarlin)

Món ngon ai cũng phải thử khi tới Hội An

Cao lầu nằm trong danh sách những món du khách nhất định phải thử khi tới Hội An, bên cạnh cơm gà, mỳ quảng, nướt mót hay chè xoa xoa. Giá thành cho một bát cao lầu cũng được đánh giá là rất phải chăng, chỉ từ 25.000 - 50.000 đồng, tức là chỉ từ 1 - 2 đô la/bát.

Dạo quanh phố cổ Hội An, du khách có thể dễ dàng bắt gặp nhiều hàng quán phục vụ món đặc sản này. Có nơi có tuổi đời lên tới hàng chục năm. Như cửa hàng mà Max ghé tới và ăn thử là một ví dụ, nằm trên đường Thái Phiên. Thậm chí bát cao lầu Max được thưởng thức có giá chỉ 20.000 đồng, tương đương với 0,87 đô.

Chàng du khách nước ngoài không ngại thưởng thức món ăn như một người bản địa thực thụ. Anh dùng cao lầu cùng đầy đủ nguyên liệu từ rau sống, thịt cho đến các loại gia vị, nước sốt. Hương vị của món ăn khiến Max phải thốt lên: "Nó không giống với bất kỳ món nào tôi từng ăn ở Việt Nam. Sợi mì rất chắc chắn, mềm nhưng cũng không quá dai. Mùi thơm và hương vị thì rất độc đáo. Khi tôi đã ăn xong miếng đầu tiên thì hương vị gần như vẫn vương lại ở đầu lưỡi tôi vậy. Mùi vị này rất đặc trưng của loại tương, nước sốt và ớt được người bán hàng cho vào".

Chàng Mỹ thưởng thức ngon lành tô cao lầu Hội An giá chỉ chưa tới 1 đô la (Ảnh Max McFarlin)

Ngoài ra, chàng Mỹ cũng dành lời khen cho những nguyên liệu khác ăn kèm trong cao lầu như da heo chiên giòn, thịt xá xíu. "Món cao lầu này thực sự đặc biệt ngon", Max kết luận.

Theo lời những người dân bản địa gốc Hội An, không ai biết nguồn gốc món cao lầu xuất phát từ đâu. Song từ khoảng thế kỷ 17, với sự giao thoa văn hóa khi Hội An còn là một thương cảng sầm uất, món ăn đã trở nên phổ biến mà được nhiều người ăn hàng ngày.

Cho đến tận ngày nay, Hội An vẫn luôn là món ăn không chỉ được du khách mà còn được người bản địa yêu thích. Bên cạnh đó, món đặc sản bình dân còn nhiều lần được các chuyên trang, tạp chí hay tờ báo quốc tế đưa vào danh sách những món ăn nổi bật. Ví dụ như danh sách "Top món ngon nhất châu Á được làm chủ yếu từ bộ gạo" bởi CNN năm 2020, cao lầu góp mặt cùng bún riêu.

Ảnh minh họa

Tác giả: Thu Phương

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP