Binh sĩ Iran gần eo biển Hormuz. (Ảnh: Reuters) |
Trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp hôm 4/12, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã thách thức tuyên bố của Mỹ về việc ngăn chặn hoạt động xuất khẩu dầu của Tehran. Iran cảnh báo sẽ có biện pháp đáp trả nếu Washington có ý định thực hiện kế hoạch này, bao gồm việc đóng cửa vịnh Ba Tư - một tuyến hàng hải đóng vai trò quan trọng.
“Mỹ nên biết rằng chúng tôi đang bán dầu của chúng tôi và sẽ tiếp tục bán. Họ không thể ngăn chúng tôi xuất khẩu dầu. Nếu một ngày nào đó họ muốn ngăn Iran xuất khẩu dầu, sẽ không có giọt dầu nào được xuất khẩu từ vịnh Ba Tư”, Tổng thống Rouhani nói.
Trong tuyên bố tương tự được đưa ra hồi tháng trước, nhà lãnh đạo Iran cũng khẳng định Mỹ đã thất bại trong việc ngăn chặn hoạt động xuất khẩu dầu của Iran. Tehran nói các lệnh trừng phạt của Mỹ chỉ là đòn chiến tranh tâm lý và sẽ thất bại.
Sau các tuyên bố kích động của các quan chức Mỹ nhằm vào Iran, Phó tư lệnh các lực lượng vũ trang Iran Mahmoud Mousavi tuyên bố quân đội Iran “sẵn sàng” bảo vệ các tàu chở dầu của nước này. Phó Đô đốc Mousavi khẳng định bất kỳ nỗ lực nào nhằm cản trở quyền sử dụng các tuyến hàng hải quốc tế của Iran “đều không thể chấp nhận được”.
Iran từng nhiều lần đe dọa đóng của eo biển Hormuz và chấm dứt các hoạt động xuất khẩu dầu tại vịnh Ba Tư nếu các tàu chở dầu của Iran bị chặn và không được sử dụng tuyến hàng hải này. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton hồi tháng 8 từng tuyên bố việc đóng cửa eo biển Hormuz là một sai lầm nghiêm trọng của Iran.
Mỹ điều tàu sân bay “nắn gân” Iran
Tàu sân bay USS John C. Stennis của Mỹ. (Ảnh: US Navy) |
Thời báo phố Wall dẫn nguồn tin từ các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết tàu sân bay USS John C. Stennis và các tàu hộ tống của Mỹ sẽ tới Trung Đông trước cuối tuần này. Đây là sự hiện diện quân sự đầu tiên của Mỹ tại khu vực trong 8 tháng nhằm phô diễn sức mạnh trước Iran.
Các quan chức Mỹ cho biết, nhóm tác chiến tàu sân bay USS John C. Stennis dự kiến sẽ ở lại khu vực trong khoảng 2 tháng, trong đó dành phần lớn thời gian tại vịnh Ba Tư. Theo giới chức Mỹ, sự hiện diện của các tàu này “chắc chắn sẽ tạo ra sự răn đe” nhằm vào bất kỳ hành động thù địch nào của Iran tại các vùng biển trong khu vực.
Các tàu sân bay Mỹ từ lâu đã duy trì sự hiện diện liên tục tại vịnh Ba Tư, chở theo hàng nghìn thủy thủ đoàn, hàng chục máy bay, tên lửa và các vũ khí khác. Trong những năm gần đây, quân đội Mỹ thường triển khai các nhóm tác chiến tàu sân bay tới khu vực. Tuy vậy, kể từ khi tàu sân bay USS Theodore Roosevelt rời khỏi Thái Bình Dương hồi tháng 3, vẫn chưa có bất kỳ nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ nào hiện diện tại vịnh Ba Tư.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cuối tuần trước thông báo Iran đã phóng thử một tên lửa đạn đạo tầm trung có khả năng mang nhiều đầu đạn, đồng thời cảnh báo loại vũ khí này có thể đe dọa nhiều khu vực ở châu Âu cũng như toàn bộ Trung Đông. Iran từ lâu đã tuyên bố nước này có thể nhắm mục tiêu tấn công nhằm vào các căn cứ của Mỹ tại Afghanistan, Qatar, Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất cũng như các tàu sân bay của Mỹ tại vịnh Ba Tư.
Cuối tuần trước, Iran đã ra mắt một tàu khu trục tàng hình mới tại eo biển Hormuz. Tàu được cho là có súng chống hạm và tấn công máy bay, các tên lửa đất đối không và đất đối đất cùng các vũ khí tác chiến điện tử.
Bản đồ vịnh Ba Tư (Ảnh: FWM) |
Tác giả: Thành Đạt
Nguồn tin: Báo Dân trí