Cho đến nay, không ai có thể phủ nhận rằng, tiếng Việt trở nên giàu có, phong phú hơn, văn chương Việt Nam được bạn bè thế giới biết đến nhiều hơn một phần là nhờ Truyện Kiều. Có nhiều đánh giá Truyện Kiều như là một “Khúc Nam âm tuyệt xướng” là “Tiếng thơ đạt thấu tình đời”, “Tiếng nghe như tiếng mẹ ru”, hay “Như đất nước vọng lời nghìn thu”… Ngôn ngữ, tình cảm trong Truyện Kiều từ lâu đã đi vào mọi nẻo đường sinh hoạt của nhân gian. Từ người già tới trẻ nhỏ, từ người biết chữ hay không biết chữ khi đã yêu mến đều thuộc nằm lòng những câu lục bát trong Truyện, đều biết bói kiều, lẩy kiều… Có những người yêu mến Truyện Kiều như một tín đồ, trong câu chuyện của họ bao giờ cũng có một đôi câu kiều phù hợp… Truyện Kiều sử dụng nhiều chất liệu của ca dao tục ngữ nhưng cũng từ tác phẩm này, nhân dân ta có thêm nhiều thành ngữ mới trong đời sống hàng ngày.
Bên cạnh đó, sự tiêu biểu của các nhân vật trong Truyện Kiều đã khiến nhiều danh từ riêng trở thành danh từ chung, thậm chí là tính từ để chỉ một loại người trong xã hội. Có lẽ chính vì thế mà Chế Lan Viên mới viết: “Khi Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn”. Từ bao đời nay, không kể là người trí thức hay bác nông dân, tất thảy đều thuộc kiều, đều tìm thấy những cung bậc cảm xúc của mình trong Truyện Kiều và đều dành cho Nguyễn Du những tình cảm đặc biệt.
Truyện Kiều đã làm cho nền văn học nghệ thuật Việt Nam trở nên phong phú hơn rất nhiều. Hơn 3.000 câu lục bát với ngôn ngữ vừa uyên bác, vừa giản dị, phổ thông đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu, mức độ thưởng thức của người có học thức lẫn bình dân. Vì thế nên mới xuất hiện đủ các loại hình nghệ thuật liên quan đến Kiều. Ca nhạc dân gian có giọng “lẩy Kiều”. Sân khấu dân gian có “trò Kiều”. Hội họa có nhiều tranh Kiều. Thơ có “vịnh Kiều”, văn có các tiểu thuyết về Kiều. Âm nhạc hiện đại có nhiều khúc ca, trường ca được phổ nhạc từ những câu thơ kiệt xuất trong Truyện Kiều. Tuồng Kiều, phim Kiều xuất hiện ngày càng nhiều. Ấy là chưa kể tới Truyện Kiều từ xưa đến nay đã là đầu đề của nhiều trang bình luận, nhiều cuộc bút chiến… Cả tình cảm yêu mến và một số cái nhìn thiếu thiện cảm đều cho thấy trường tồn mạnh mẽ của Tố Như trong lòng hậu thế …
Mỗi con người bước vào cuộc đời với một nghiệp riêng do kiếp trước quy định, là sung sướng, là anh hùng, là khổ đau, là bất hạnh…, với Nguyễn Du, do chịu ảnh hưởng sâu sắc của triết lý Phật giáo, những thân phận con người trong cõi thế vẫn là sự tồn tại theo duyên cảnh, không mang tính phi lý, mà là một tất nhiên và mang tính tiền định “Biết thân chạy chẳng khỏi trời/Cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh”.
Quý giá biết bao khi cái đạo, cái niềm tin của Đại thi hào luôn đặt cái tâm lên đầu tiên. Truyện Kiều là sự kết hợp hài hòa giữa đạo và đời, giữa một Nguyễn Du tâm linh chan chứa nhân ái với một Nguyễn Du thâm thúy, từng trải, hiểu đời. Rõ ràng, khắp nơi trong Truyện Kiều, nơi đâu cũng có hơi thở, cũng có tấm lòng, con tim và nước mắt của Nguyễn Du nằm trong đấy. Phải chăng, chính vì vậy mà Truyện Kiều không đơn giản là “Lời thơ chắp nhặt dông dài/Mua vui cũng được một và trống canh” mà Truyện Kiều có một tâm hồn thực sự, một sức sống trong sáng, một sự truyền cảm mạnh mẽ đến bất diệt. Bất diệt như chính tâm hồn của Nguyễn Du…
Kể từ ngày thể phách Nguyễn Du rời nhân gian, hậu thế tiếc thương ông, xưng tụng ông. Những buổi lễ tưởng nhớ ông, vì nhiều lý do có lúc được tổ chức hoành tráng, lúc chưa thật xứng tầm nhưng hơn hết, Nguyễn Du vẫn sống mãi trong tình cảm của muôn lớp hậu sinh. Tấm lòng của ông, tư tưởng của ông và những giá trị ông để lại chưa bao giờ vắng bóng trong đời sống văn hóa tinh thần người Việt và đã xuyên thấm trong tư tưởng, tình cảm của nhiều thế hệ.
Con người tài hoa ấy, dù thể xác đã trở về với cát bụi, nhưng những giá trị tinh thần, những ảnh hưởng tinh tuý của người vẫn tồn tại như những hiện hữu tất yếu. Sự đồng vọng của hậu thế với Nguyễn tiên sinh vì thế ngày càng mở rộng biên độ cả về cảm xúc lẫn lòng ngưỡng mộ. Một tấc lòng năm xưa Nguyễn Du từng than không biết ngỏ cùng ai nay đã được hậu thế biết đến, đồng cảm và không ngừng sẻ chia… Ắt rằng, linh hồn Người cũng đã ngậm cười nơi chín suối…