Cần Giúp Đỡ

Hương Sơn: Ước mơ thoát nghèo của một cựu chiến binh giữ đảo Gạc Ma

Cựu chiến sĩ Trương Văn Hiền sinh ra và lớn lên tại xã Hương Phong, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Sau khi học xong lớp 9, ngày 1.3.1986, anh Hiền xung phong nhập ngũ, được biên chế tại Tiểu đoàn 6 đo đạc hải đồ, thuộc Bộ tham mưu Quân chủng Hải quân. Sau trận hải chiến Trường Sa năm 1988, anh Hiền bị thương nặng, bị Trung Quốc bắt đưa về Quảng Đông giam giữ. Năm 1991 anh được trao trả về nước, năm 1992 xuất ngũ và vào Đắc Lắc sinh sống cho đến nay.

Anh Hiền vẫn chưa có tiền để hoàn thiện căn nhà.
Tôi đến nhà anh Trương Văn Hiền – 1 trong 9 cựu chiến sĩ được trao trả trong trận hải chiến Trường Sa cuối năm 1988 – ở thôn 3, xã Hòa Thắng, TP.Buôn Ma Thuột. Căn nhà xây dở dang vì thiếu tiền chỉ có phòng bếp và hai phòng ngủ không còn mới, phần trước là cái móng… không hẹn ngày xây tiếp.

Lính chiến – đời thường

Nhắc tới trận hải chiến Trường Sa 1988, anh Hiền lại nghẹn ngào, anh bảo, sau khi được phía Trung Quốc trao trả, anh tha hương đưa gia đình lên Đắc Lắc, quyết tâm tìm phương kế mưu sinh để thoát nghèo. Thế nhưng di chứng những vết thương đã không cho phép anh và gia đình làm được những điều theo như mong đợi.

Đêm qua các vết thương cũ tái phát, mình mẩy đau ê ẩm, sáng nay anh Hiền không đi làm thợ hồ, lại mất 150 nghìn đồng. Trong trận đánh quyết giữ đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của tổ quốc 26 năm trước, anh Hiền bị pháo bắn cháy một phần tư khuôn mặt, gãy một xương sườn bên phải, gãy tay trái, phần ngực và mắt trái đều trúng đạn để lại sẹo thương tích.

Suốt 26 năm qua, những vết thương này không thôi hành hạ anh. Nỗi đau thể xác quen thuộc như cơm bữa. Lúc trở trời nó càng hoành hành dữ dội hơn. Mắt trái của anh nhòa dần, giờ chỉ còn thấy lờ mờ, nhưng anh chưa bao giờ nghĩ đến việc điều trị. Với anh, còn một mắt là còn nuôi được vợ con, chỉ cánh tay trái mới can hệ đến sinh kế duy nhất của gia đình anh.

Khi cánh tay có dấu hiệu teo dần, anh Hiền đến BVĐK tỉnh Đắc Lắc và nhận được tin buồn: Gãy xương chèn dây thần kinh, phải bẻ hoặc đập cho gãy lại, rồi sắp xếp các mảnh xương mới khắc phục được. Cầm tờ giấy chuyển viện, anh Hiền đi TPHCM nhưng chỉ đến phòng khám tư, với hy vọng chi phí thấp hơn. Rồi không “cãi” được bác sĩ, anh trở về tiếp tục làm thợ hồ, không muốn ai nhắc đến “cánh tay đòi tiền” nữa.

Trước khi đến nhà anh Hiền, tôi hình dung vợ anh, chị Bùi Thị Phượng là trụ cột gia đình, lo sinh kế, đỡ đần người chồng đau yếu. Nhưng thực tế, tình trạng sức khỏe chị cũng không hơn gì chồng. Mấy hôm nay chị phải đi lại nhờ thầy đông y cắt thuốc, kéo tạ để chữa bệnh gai cột sống chèn dây thần kinh. Căn bệnh đang làm chị bị liệt chân bên phải.

“Mẹ cháu bị như thế đúng 10 năm rồi, chưa có điều kiện để mổ, chỉ ở nhà nội trợ với đi cắt thuốc giảm đau thôi” – anh Hiền nói.

Con đầu anh, cháu Trương Viết Thống hiện phải vừa học nghề, vừa học bổ túc văn hóa tại Trường Cao đẳng nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên để có thời gian đỡ đần kinh tế cho gia đình. Anh Hiền cho biết, chi phí học hành không nhiều lắm, mỗi năm vài triệu đồng. Nhưng thấy bố mẹ vất vả, cháu cứ đòi bỏ học đi phụ hồ để lo cho gia đình. May còn bé Trương Bích Thùy – đang học lớp 3 xinh xẻo, hồn nhiên là niềm vui hằng ngày cho không khí gia đình.

Di chứng lâu dài

26 năm sau trận chiến trên đảo Gạc Ma, anh Hiền trở về sống thầm lặng với bệnh tật, với bao khó khăn của đời thường. Từ đầu năm 2013 đến nay một số tổ chức, doanh nghiệp quan tâm hỗ trợ, với số tiền hơn 95 triệu đồng. Anh đã xây được nửa căn nhà, trong đó Đoàn khối Bộ Xây dựng hỗ trợ 35 triệu đồng, Công ty Đạm Phú Mỹ 50 triệu đồng.

Anh Hiền phân bua: “ Đạm Phú Mỹ cho tôi 50 triệu đồng chữa bệnh, nhưng chữa bệnh chỉ mình tôi được hưởng, phải làm nhà thì vợ, con tôi mới có phần”. Có giấy chứng nhận bị thương trong chiến đấu do đơn vị cấp, nhưng nhiều năm nay anh Hiền vẫn chưa làm được chế độ thương binh. Cán bộ chính sách của tỉnh yêu cầu phải có giấy điều trị vết thương tái phát, mà lần nào đi viện về anh cũng làm mất giấy tờ.

Nhưng hơn cả chuyện nghèo khó, bệnh tật, những thiệt thòi của người để lại máu xương nơi biển đảo quê hương, tâm sự của anh trước lúc chia tay khiến lòng tôi nặng trĩu. Ngược về trận đánh 26 năm trước, anh chậm rãi kể: “Ngày 11.3.1988, chúng tôi đã nắm chặt tay nhau tạo thành vòng tròn bảo vệ cờ tổ quốc. Tôi bị thương nặng, trôi lênh đênh trên biển. Rồi may mắn bám được một mảnh ván, tôi cởi quần buộc chặt mình vào rồi ngất đi. Khoảng 10 ngày sau, tôi tỉnh lại trong một trại lính ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc cùng với 8 đồng đội khác. Nghĩ về những ngày này, tôi thấy đau xót vì đã không trọn được nhiệm vụ bảo vệ hòn đảo”.

Rồi anh kết thúc bằng một câu rất buồn: “Ai không muốn làm ăn giỏi giang, ai không muốn giàu có. Nhưng tôi không bao giờ làm được nữa, vì sức khỏe không còn cho phép tôi thực hiện ước mơ”…

(Lao Động)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP