Giáo dục

Hướng nghiệp: Nhận biết năng lực bản thân là kim chỉ nam

Hướng nghiệp thế nào cho có hiệu quả, đây là vấn đề mà không chỉ các nhà trường, thầy cô giáo mà các chuyên gia giáo dục luôn quan tâm đặc biệt, nhưng dường như đạt được mục đích vẫn chỉ là mong muốn.

Học sinh rất cần được tư vấn tốt việc lựa chọn nghề sau này

Ông Nguyễn Bá Lâm – chuyên gia đến từ Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cho rằng: Cần phải thay đổi nhận thức từ chính các bậc phụ huynh và các nhà quản lý, phải thấy rằng học đại học, cao đẳng hay học nghề thì cũng là lao động. Quan trọng là tự nhận biết năng lực bản thân thế nào để tìm ra hướng đi đúng.

Thay đổi từ trong nhận thức

Thời gian qua trong các nhà trường phổ thông, công tác hướng nghiệp đã được xem trọng. Nhiều thầy cô giáo đã chủ động hơn trong việc tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh. Họ đã cùng với học sinh cuối cấp THPT của mình đi tìm câu trả lời những câu hỏi: Nên theo học ngành gì, ra trường làm việc ở đâu, làm thế nào để có cơ hội nghề nghiệp tốt không. Bám theo những thông tin thị trường lao động và dựa trên năng lực của học sinh, các giáo viên đã ít nhiều đưa ra những gợi ý đúng. Tuy nhiên, vấn đề là những học sinh đó có nhận thức hết được những phân tích của thầy cô không. Hay là nghe rồi để đấy mà cuối cùng lại chạy theo dự cảm của riêng mình.

Tư vấn hướng nghiệp cần hướng đến phân tích sự khác biệt. Nếu các thầy cô có sự so sánh giúp học sinh hiểu được thế mạnh của mình với ngành nghề này, trái lại là hạn chế khi cố gắng theo ngành nghề khác. Những phân tích này sẽ giúp các bạn trẻ có lựa chọn sáng suốt hơn, từ đó thêm yêu thích và say mê với ngành nghề mình lựa chọn.

Chuyên gia Nguyễn Bá Lâm từ ILO

Chuyên gia Nguyễn Bá Lâm của ILO cho biết: Học sinh Việt Nam khác học sinh những nước tiên tiến. Trong khi họ không quá nặng phải vào một trường đại học nào đó thì học sinh của chúng ta hết sức cần mẫn trên ghế nhà trường với mục đích cao nhất là vào đại học, nhưng định hướng cho tương lai lại không rõ nét. Vẫn theo quy luật chung là các em học giỏi thì vào những trường top đầu, thứ tự năng lực học tập đưa học sinh đến những trường top dưới, chứ hoàn toàn không chú trọng đến sở thích cá nhân. Tại sao thầy cô giáo không tư vấn và phát huy sở thích và năng lực cá nhân rằng nếu yêu thích nghề nào đó không cứ gì phải vào đại học lớn, có nhiều cách để phát triển năng lực bản thân để trở thành chuyên gia trong lĩnh vực đó.

Linh hoạt trong hướng nghiệp

Thạc sĩ Lương Tuấn Long – chuyên gia tuyển sinh của Trường Đại học Mở Hà Nội, cho rằng: Nhiều bạn trẻ vào giảng đường đại học với sở thích hoặc những tính toán nghề nghiệp sau này một cách rất bài bản, nhưng cuối cùng lại thay đổi sở thích hướng sang lĩnh vực khác. Có nhiều người thành công ở lĩnh vực mới không hề liên quan đến chuyên môn đại học. Lý giải điều này, ông Long cho rằng: Chúng ta đã cứng nhắc khi tư vấn nghề nghiệp cho các bạn trẻ. Chính những lời khuyên của chúng ta nhiều khi vô tình áp đặt thành quyết định của học sinh đó.

Trường nghề là một hướng đi hợp lý với nhiều người

Một minh chứng khác cho thấy, sở thích và định hướng nghề nghiệp hoàn toàn có thể thay đổi theo hướng có lợi cho người học.

Chuyên gia Lê Gia Thanh của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc, cho biết: Vĩnh Phúc là một tỉnh có truyền thống học tốt, đa phần học sinh tốt nghiệp THPT đều có nguyện vọng học lên đại học. Nhưng ở tỉnh, kinh tế - xã hội đang phát triển, khu công nghiệp mọc lên nhiều, thế nên khi tư vấn cho học sinh cuối cấp, chúng tôi cũng đưa ra những lợi khuyên về năng lực học tập của cá nhân, cơ hội làm việc phù hợp sau này. Quan điểm tư vấn của tôi là các thầy cô bằng hiểu biết của mình hãy tư vấn sao cho học sinh có sự so sánh về ngành nghề. hướng nghiệp thành công chính là chúng ta phân tích được sự khác biệt giữa các ngành nghề.

Tác giả: Hạ An

Nguồn tin: Báo Giáo dục và Thời đại

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP