Những năm qua, huyện đã đưa ra nhiều quyết sách, từng bước đưa kinh tế vườn đồi trở thành ngành sản xuất chính gắn với lộ trình xây dựng NTM.
Đến nay, toàn huyện Hương Khê đã có trên 1.200 mô hình trang trại, gia trại với diện tích bình quân gần 6 ha/mô hình. Các mô hình kinh tế tổng hợp này đã thu hút hàng ngàn lao động và là hướng xóa nghèo hiệu quả cho nhiều địa phương trong toàn huyện thời gian qua.
Từ đầu năm nay, địa phương đã xây dựng thêm được 6 mô hình chăn nuôi liên kết quy mô 300-600 con lợn/lứa, 300 mô hình quy mô trên 20 con lợn/lứa, 3 mô hình nuôi bò lai quy mô 10 con/hộ, 2 mô hình nuôi hươu 20 con/hộ, 35 mô hình trồng cam, bưởi Phúc Trạch, 61 mô hình trồng cao su tiểu điền và một số mô hình trồng nấm, vườn đồi.
Tổng thu nhập từ kinh tế vườn đồi trong năm 2012 và 6 tháng đầu năm nay ở Hương Khê đạt gần 200 tỷ đồng. Trong đó, cây ăn quả các loại 165 tỷ đồng, dó trầm và cây công nghiệp khác trên 35 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hiện nay, Hương Khê còn có gần 120 mô hình phát triển trang trại lâm nghiệp tổng hợp có quy mô diện tích từ 20-200 ha với cơ cấu các loại cây trồng, vật nuôi như keo, cao su, cam, bưởi, bò, lợn, gà, cá,… Phần lớn các trang trại này cho thu nhập từ 160-210 triệu đồng/năm. Tổng đàn trâu, bò của Hương Khê hiện cũng đã phát triển lên trên 35.000 con, đàn dê gần 500 con, hươu 550 con, đàn lợn 37.081 con, tăng gần 20% so với những năm trước đây. Điển hình trong công tác phát triển kinh tế vườn đồi những năm qua ở Hương Khê không thể không nhắc đến các địa phương: Lộc Yên, Phúc Trạch, Hòa Hải, Hương Trạch, Hương Trà, Hương Xuân, Hà Linh, Hương Vĩnh…
Chủ tịch UBND huyện Hương Khê – Đinh Hữu Tân cho biết: Huyện huy động và sử dụng các nguồn lực sẵn có, phát huy tinh thần của nhân dân, triển khai thực hiện có quy hoạch, kế hoạch cụ thể, tập trung, quyết liệt, làm đến đâu chắc đến đó. Mặt khác, nhờ đẩy mạnh tuyên truyền nên đã làm chuyển biến cơ bản về nhận thức của hộ nông dân nông thôn về hiệu quả và giá trị kinh tế của vườn, đồi nhằm từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Để tạo điều kiện phát triển sản xuất, huyện tiếp tục huy động tối đa các nguồn lực để tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế các địa phương; soát xét chuyển nguồn kinh phí hỗ trợ lãi suất của một số xã đạt tỷ lệ giải ngân thấp sang các xã thực hiện tốt và có nhu cầu sử dụng nguồn vốn. Huyện cũng đã đề xuất BCĐ xây dựng NTM tỉnh cho chuyển nguồn vốn sự nghiệp thực hiện các nội dung cần thiết tại các xã, đặc biệt tại các xã điểm của tỉnh, huyện.
Đến hết tháng 6/2013, Hương Khê có 100% số xã đạt từ 3 tiêu chí NTM trở lên. Điển hình, một số xã điểm như Gia Phố đã đạt 17/19 tiêu chí, Hương Trà: 16 tiêu chí, Phú Phong: 9 tiêu chí, Phúc Trạch: 8 tiêu chí…
Gia Hiếu
Báo Hà Tĩnh