Theo phản ánh của người dân địa phương cho biết, trại lợn ở xóm 16, xã Hà Linh, huyện Hương Khê mặc dù chưa được các cơ quan có thẩm quyền cho phép nhưng đã đi vào hoạt động chăn nuôi hơn hai năm nay. Không những vậy, đã có rất nhiều đoàn về kiểm tra nhưng đến nay trang trại vẫn không chấp hành quy định, tiếp tục thả giống chăn nuôi
Tìm hiểu sự việc, ngày 13/11, PV Báo TN&MT đã có mặt tại địa điểm chăn nuôi. Từ QL 15A vượt qua khoảng 4km đường rừng, phía trước mắt là một khu trang trại chăn nuôi tập trung mọc lên giữa rừng cao su. Mùi hôi thối từ hệ thống thải bốc ra, tiếng lợn kêu cho thấy khu trang trại này lâu nay vẫn hoạt động. Quan sát thấy hệ thống cổng, hàng rào bao quanh được xây dựng kiên cố nội bất xuất, ngoại bất nhập.
Ông Nguyễn Văn Dền, một người dân địa phương cho biết: “Vì đây là khu vực thưa dân cư, lại nằm sâu trong rừng nên rất ít người biết. Trang trại đã hoạt động khá lâu nhưng đến nay chúng tôi cũng chưa biết mặt của chủ trại, nghe nói họ là người ở địa phương khác đến đầu tư…”.
Làm việc với chính quyền địa phương, được biết công trình hiện tại của dự án gồm có: Khu nhà văn phòng, nhà khử trùng, nhà kho, 2 khu chuồng lợn với diện tích 720m2/chuồng, 1 nhà để máy phát điện các vật tư thiết bị phục vụ sản xuất. Trang trại chăn nuôi lợn bắt đầu thả giống lợn từ năm 2016 với quy mô 1000 con/1200 con/lứa. Chủ trang trại trên là của ông Trần Hữu Bình công tác tại Tỉnh đội Hà Tĩnh.
Ông Lê Xuân Phú - Chủ tịch UBND xã Hà Linh, huyện Hương Khê thông tin: “Diện tích của trang trại nằm trong khoảng 10 héc ta, thuộc đất quốc phòng quản lý. Năm 2016, ông Bình thuê lại và sử dụng, ngoài khuôn viên chuồng trại thì số đất còn lại hiện được cải tạo trồng cam. Chúng tôi biết hoạt động của trang trại là trái phép, nhưng vì đây là khu vực đất quốc phòng nên việc chính quyền chủ động thực hiện kiểm tra rất khó khăn…”.
Được biết, hoạt động trái phép trang trại chăn nuôi của ông Trần Hửu Bình đã được cơ quan chức năng huyện Hương Khê thành lập đoàn kiểm tra, yêu cầu hoàn thiện các thủ tục trước khi tổ chức chăn nuôi nhưng không được chấp hành. Vào ngày 29/8/2018, Đoàn Kiểm tra liên ngành huyện Hương Khê đã tiến hành kiểm tra nhưng đáng nói chủ đầu tư không xuất trình được bất kỳ một loại giấy tờ nào liên quan đến hồ sơ bảo vệ môi trường.
Trang trại chăn nuôi có quy mô 1200 con lợn chưa có đánh giá tác động môi trường đã đi vào hoạt động |
Tại thời điểm kiểm tra, đại diện chủ trang trại là ông Trần Hữu Ngụ khai nhận số lợn hiện có là 1000 con lợn thương phẩm, được chủ dự án nhận nuôi gia công lợn con giống để sản xuất thành lợn thịt cho Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam.
Theo báo cáo của Phòng TN&MT huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) để trang trại có quy mô như của ông Bình đi vào hoạt động, chủ đầu tư phải hoàn thiện các thủ tục bảo vệ môi trường gồm: Báo cáo đánh giá tác động môi trường; Báo cáo quan trắc định kỳ; Báo cáo quản lý chất thải nguy hại; niêm yết công khai kế hoạch bảo vệ môi trường tại trụ sở UBND xã; Hồ sơ xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, trang trại cũng chưa có Giấy phép khai thác nước ngầm và giấy phép xả thải vào nguồn nước. Trong khi đại diện trang trại khai nhận, nước thải của cơ sở bao gồm nước thải chăn nuôi và nước thải sinh hoạt, lưu lượng xả thải khoảng 60 m3/ngày đêm. Hiện trang trại sử dụng nước giếng khoan phục vụ cho lợn ăn uống; nước tự chảy từ khe suối phục vụ lau rửa chuồng và được xử lý bằng bể tự hoại.
Đề cập đến hoạt động của trang trại nói trên, ông Phan Quốc Lập - Trưởng Phòng TN&MT huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) cho biết: “Thực hiện Quyết định số 3729/QĐ-ĐCT ngày 23 tháng 5 năm 2018 của Chủ tịch UBND huyện về việc thành lập Đoàn Kiểm tra việc chấp hành công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở chăn nuôi tập trung trên địa bàn toàn huyện. Quá trình kiểm tra phát hiện nhiều chủ trang trại chưa tuân thủ nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường”.
“Riêng trường hợp ở xã Hà Linh mặc dù đã đi vào hoạt động hơn hai năm nay nhưng khi Đoàn kiểm tra không có bất kỳ một lại giấy tờ nào về bảo vệ môi trường cho phép. Vì liên quan đến khu vực quốc phòng nên chúng tôi sẽ báo cáo lên lãnh đạo cấp tỉnh để xử lý…”, ông Lập nói.
Báo Điện tử TN&MT sẽ tiếp tục thông tin.
Tác giả: Đức Cảnh - Sỹ Thông
Nguồn tin: Báo Tài nguyên và Môi trường