Nhằm phát huy những thế mạnh này, những năm qua huyện đã co nhiều quyết sách, từng bước đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính gắn với lộ trình xây dựng nông thôn mới, đồng thời giúp cho hàng ngàn hộ dân thoát nghèo bền vững.
Với những hướng đi đúng, những cách làm khoa học trong quá trình phát triển chăn nuôi, đến nay trên toàn huyện Hương Khê đã có trên 1.200 mô hình trang trại, gia trại với diện tích bình quân gần 6 ha/mô hình. Tổng giá trị sản xuất, tính riêng trong năm 2012 của các mô hình này đạt gần 380 tỷ đồng. Trong đó, có 3 mô hình hợp đồng nuôi lợn liên kết với Công ty khoáng sản Thương mại Hà Tĩnh quy mô trên 300 con/lứa đã cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm, 7 mô hình nuôi lợn liên kết với Công ty CP Thái Lan, quy mô 500-1000 con/ lứa, thu nhập trên 500 triệu đồng/năm. Ngoài ra, huyện còn triển khai có hiệu quả hơn 300 mô hình chăn nuôi lợn gia trại kết hợp làm bể Bioga, cùng nhiều mô hình nuôi các vật nuôi khác như gà, ong, dê…,cho thu nhập khá.
Các mô hình chăn nuôi này đã thu hút hàng ngàn lao động địa phương và là “công cụ” xoá đói, giảm nghèo hiện quả nhất cho nhiều địa phương trong toàn huyện. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng đàn trân bò của Hương Khê có trên 35.000 con, đàn dê gần 500 con, hươu 550 con, đàn lợn 37.081 con tăng gần 20% so với năm 2011. Điển hình trong công tác chăn nuôi những năm qua ở Hương Khê không thể không nhắc đến các địa phương: Lộc Yên, Phúc Trạch, Hòa Hải, Hương Trạch, Hương Trà, Hương Xuân Hương Vĩnh…
Đến thăm trang trại chăn nuôi của anh – Đặng Duy Hải, xóm 11, xã Phúc Đồng, một trang trại khá quy mô được xây dựng cách ly hoàn toàn với khu vực dân cư. Anh Hải chia sẻ: “Khởi nghiệp tôi chỉ nuôi 200 con vịt đẻ trứng, vài chục còn gà và dăm con lợn. Hàng ngày tôi phải rong ruổi trên khắp cánh đồng theo đàn vịt vừa tìm chỗ ăn cho chúng vừa thu lượm trứng. Chiều về cùng vợ lại tất bật với việc chăm sóc đàn lợn trong chuồng. Với những thành quả ban đầu, tôi đã vay mượt thêm vốn của bạn bè, người thân nhân rộng ra từ 200 con đến 400 con, rồi 1000 con vịt…
Từ ngày bắt đầu chăn nuôi với số lượng lớn, chúng tôi chú trọng nhiều đến khâu kỹ thuật và phòng bệnh cho vật nuôi, đồng thời đi tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi ở một số trang mô hình nuôi ở trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, tôi còn mời các cán bộ thu y của tỉnh, huyện tư vấn về khâu kỹ thuật và phòng bệnh cho vật nuôi. Đến thời điểm hiện tại, tổng đàn vịt của gia đình tăng lên hơn 1.200 con cùng hàng chục con lợn và hàng trăm con gà với thu nhập hàng năm trên 120 triệu đồng/ năm.”
Có được những thành quả này, những năm qua Hương Khê đã chủ động khuyến khích người dân mở rộng quy mô, đưa con giống có chất lượng tốt vào sử dụng, đồng thời đẩy mạnh chăn nuôi trang trại theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Với cách làm năng động này, từ tập quán chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ phân tán, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện đã từng bước hình thành các trang trại quy mô vừa và lớn cho hiệu quả kinh tế cao. Để đưa chăn nuôi thành kinh tế mũi nhọn, Hương Khê còn tập trung tuyên truyền khuyến khích bà con chuyển dần sang chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô tập trung.
Hiện nay trên địa bàn Hương Khê đã có 10 mô hình chăn nuôi lợn tập trung với thu nhập bình quân trên 200 triệu đồng/năm
Nhằm giúp người dân có thêm kiến thức KHKT về chăn nuôi, huyện cũng đã phối hợp cùng Trung tâm khuyến nông, Chi cục thú y tỉnh, huyện mở nhiều lớp tập huấn đến tận thôn xóm, mời các chủ trang trại, các hộ chăn nuôi đến tư vấn kỹ thuật và truyền đạt kinh nghiệm chăn nuôi cho các hộ dân. Ngoài ra, huyện từng bước vận động người dân cải thiện nâng cao chất lượng con giống đưa con giống có năng suất cao, phẩm chất tốt vào chăn nuôi.
Hương Khê cũng chú trọng việc cải tạo đàn bò theo hướng lai sin và nạc hóa đàn lợn thông qua các biện pháp thụ tinh nhân tạo, phối giống trực tiếp và thực hiện thí điểm mô hình cho nhân dân tham khảo trước khi nhân ra trên diện rộng. Huyện huyện còn vận động người dân chuyển đổi nhiều diện tích đất trống, đổi núi trọc để mở rộng quy mô các đồng cỏ phục vụ chăn nuôi. Mặt khác, huyện tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vay vốn phát triển chăn nuôi.
Tính từ 2010 đến nay, toàn huyện Hương Khê đã có trên hàng ngàn hộ được vay vốn đầu tư phát triển chăn nuôi. Các vấn đề bảo đảm chất lượng con giống và giải quyết đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi cũng được Hương Khê quan tâm, chú trọng. Huyện còn ký kết, phối hợp với các đại phương trong, ngoài tỉnh mua giống bò, lợn… đảm bảo chất lượng, con giống không bị dịch bệnh, cung ứng cho các hộ trên địa bàn.
Để giúp người dân yên tâm đầu tư phát triển chăn nuôi, huyện đã kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác thú y từ huyện đến thôn xã, bởi vậy việc phòng ngừa dịch bệnh trên đàn gia súc được thực hiện có hiệu quả. Tính riêng trong năm 2012, Hương Khê đã hỗ trợ cho 162 tổ chức, cá nhân tham gia phát triển kinh tế trang trại với kinh phí hơn 1,6 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách huyện 1.520.505.000 đồng chiếm 90%, ngân sách xã 168.945.000 đồng, chiếm 10%.
Việc đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hoá trong những năm qua ở Hương Khê đã mang lại hiệu quả tích cực trong anh sinh xã hội. Với những chính sách ưu đãi về vốn cùng với những chủ trương đúng, quyết sách hay trong quá trình phát triển chăn nuôi, tin rằng lộ trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn huyện sẽ sớm thành hiện thực.
Đình Trung
Báo Hà Tĩnh