Đền ơn - Đáp nghĩa

Hương Khê: Anh em lạc nhau 70 năm bất ngờ hội ngộ

Bố mẹ lần lượt qua đời, anh em ông Kế ly tán khi mới 5 – 7 tuổi nên ký ức về nhau cũng nhạt nhòa như mưa qua cửa kính. Thế nhưng, sau 70 năm bặt tin nhau, họ bất ngờ ần ra nhau từ một chi tiết rất nhỏ.

Đó là câu chuyện cảm động về hai anh em ông Nguyễn Đình Kế và bà Nguyễn Thị Trang, ở xóm 8 xã Hà Linh, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh).Anh em trùng phùng sau 70 năm cách biệt Ngôi nhà nhỏ của vợ chồng bà Nguyễn Thị Trang nằm ngay ven đường quốc lộ 15A, phía trước là núi, sau lưng là hồ rộng mênh mông, phong cảnh nước non hữu tình. Mấy năm trở lại đây, tuy con cái thành đạt và đi làm ăn xa, song tinh thần ông bà, đặc biệt là bà Trang, vẫn luôn phấn chấn. Bởi lẽ, bà vừa tìm lại được người anh trai ruột thịt của mình sau nhiều năm biền biệt tin tức. Xa cách nhau từ khi tóc còn để chỏm, đến lúc bà không còn nhớ được rằng mình có một anh trai thì người anh lại đột ngột dẫn con cháu về khiến bà cảm động không cầm được nước mắt cho ngày hội ngộ.Bà Nguyễn Thị Trang năm nay đã 74 tuổi. Bà sinh ra trong gia đình có 4 anh em, trong đó có 3 anh em trai, bà là con út. Gia đình đói khổ nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Đến năm 1945 thì lần lượt bố rồi 2 người anh trai đầu đã bỏ mẹ con bà đi vì đói. Người mẹ già đành phải đau lòng mang đứa con trai thứ 3 là Nguyễn Đình Kế, lúc ấy mới có 7 tuổi, cho đi làm con nuôi. Còn lại mình bà với đứa con gái 5 tuổi bám trụ lại quê nhà rau cháo nuôi nhau. Ký ức về người anh trai lúc đó trong tâm khảm của bà Trang chỉ là cuộc gặp lần cuối, khi mẹ dẫn anh giao cho một người khác, làm con nuôi. “Lúc đó, thấy mẹ khóc, anh Kế cũng khóc nhưng tui không hiểu chuyện chi tiết. Cuộc sống xô đẩy, bon chen với cơm áo gạo tiền đã khiến tui quên béng mất mình có người anh trai. Thậm chí, lúc mất, mẹ tui cũng không đả động gì đến việc nhắc nhở tui tìm anh trai mình”, bà Trang rơm rớm nước mắt nhớ lại chuyện ngày quá khứ.Thế rồi, bà Trang cũng như bao cô gái quê khác, lớn lên lập gia đình, nuôi dạy con cái. Bà sinh hạ được 5 người con, ngoại trừ cậu con trai thứ tư đang làm việc chân tay ở Thái Lan thì đều là công chức nhà nước. Bà Trang nhìn xa xăm và nhớ lại, vào một ngày cuối năm, trời rét căm căm, bà đang chuẩn bị tống cựu nghênh tân thì nhà có khách lạ. Trong đoàn người ấy có cả ông Nguyễn Ngọc Sơn, giám đốc công ty cao su Hà Tĩnh, và nhiều người trong làng. Khi bà còn ngỡ ngàng chưa hiểu chuyện gì thì một người đàn ông tầm 75 tuổi chạy đến nắm tay bà lắc lắc: “Chính em gái tôi đây rồi, bao năm trời cách biệt, đau đáu tìm về, nay mới có dịp trùng phùng. Em tôi già và gầy quá”. Trong câu chuyện gặp mặt tại bữa cơm thân mật sau đó, bà Trang mới biết, người đàn ông nọ chính là anh Kế của mình. Đã hơn nửa thập kỷ, ông vẫn đau đáu nhớ về cội nguồn. Lúc này, bà mới lật giở ký ức, 2 anh em ôm nhau mừng mừng, tủi tủi, nước mắt rơi nghẹn ngào. Câu chuyện tựa cổ tích đang tái hiện giữa đời thường. Ngày đó, nghe tin bà Trang tìm lại được người anh của mình, bà con lối xóm đến chật kín nhà để chia vui, niềm vui ngày trùng phùng.Loạn lạc vì chiến tranh, đói kém Trong ngày gặp mặt, ông Nguyễn Đình Kế đã kể lại cho em gái và bà con họ hàng nghe về quãng đường lưu lạc của mình cũng như hành trình tìm lại em gái. Ngày đó, mẹ đem cho ông Kế làm con nuôi một người đàn ông gốc Huế, tên là Năm, làm cai cho Pháp ở Tổng Hà Linh. Nhận con nuôi được vài năm, ông Năm Huế trở lại thủ đô, mang theo cả Kế. Với ý định xóa gốc tích của đứa con nuôi, ông Năm đã thay đổi tên của Kế thành Nguyễn Văn Ba. Sau khi ông Năm mất, Ba vào bộ đội, rồi xuất ngũ và lấy vợ, lập nghiệp ở Đà Nẵng. Ông Ba (tức Kế), có 10 người con, đến nay các con đều đã thành đạt, định cư ở Mỹ. Về chuyện đau đáu với quê hương cũ, ông Kế kể lại với bà Trang cũng như xóm làng rằng, chưa ngày nào ông thôi nhớ về quê, dù ký ức rất đỗi nhạt nhòa, mờ mịt.Càng về già, ông càng hay hoài niệm, nhất là thời điểm các con định cư hết bên trời Tây, chỉ có hai ông bà sống giữa Đà Nẵng hoa lệ. Thế rồi, một ngày cuối tháng 10.2010, ông xem chương trình thời sự trên Đài Truyền hình Việt Nam nói về tình hình lũ lụt ở miền Trung, trong đó có nhắc đến địa danh Hà Linh, huyện Hương Khê. Ban đầu, ông chỉ định lưu tâm để bàn với vợ dành ít tiền gửi về cứu trợ lũ lụt. Nhưng 2 chữ “Hà Linh” cứ ám ảnh khiến ông bao đêm trăn trở, lần dở ký ức vụn của tuổi thơ. Thế rồi, trong mớ hỗn độn ấy, ông chợt nhớ ra năm xưa mình cũng từng ở vùng đất có địa danh này.Sau ông nhờ mấy người bạn làm ở VTV Đà Nẵng tìm cho đoạn thời sự đã phát hôm đó. Ông xem đi xem lại, thấy có ông Sơn giám đốc công ty cao su đóng trên địa bàn này trả lời phỏng vấn. Ông Kế tìm cách liên hệ, xin số điện thoại để hỏi về địa danh Hà Linh thì được biết, đó là tên của xã mà công ty đang đóng. Đến lúc ông hỏi về dòng họ Nguyễn Đình thì ông này không biết, nhưng có hứa sẽ giúp đỡ nếu về đây. Từ đó cho đến khi quyết định ra Hà Tĩnh tìm em gái, ký ức người đàn ông ở vào cái tuổi thất thập cổ lai hy này đã chắp ghép được những mảnh vỡ của quá khứ, rằng ông có một người em gái, có mẹ già và anh trai, nhưng đích xác ai sống, ai mất thì ông không dám chắc. Dù vậy, ông vẫn quyết tâm ra Bắc để tìm ra gốc gác của mình. Dù là không còn ai trong gia đình nữa, thì ông vẫn tin dòng họ sẽ còn một ai đó sống sót.Tháng 11.2010, khi cơn lũ vừa rút đi, lấy cớ làm công tác cứu trợ nhân đạo, ông Nguyễn Đình Kế cùng vợ và mấy người cháu xa đánh xe về Hà Linh. Qua câu chuyện rành rẽ với ông giám đốc công ty cao su, người bạn này đã giúp ông hỏi han tin tức về nguồn cội của mình. Khi đến UBND xã nhắc về dòng họ Nguyễn Đình, ông chủ tịch Đặng Minh Đức cho hay, có dòng họ đó ở xã này, hiện trưởng họ là ông Nguyễn Đình Dưỡng, cán bộ tiền khởi nghĩa trong phong trào Xô Viết – Nghệ Tĩnh những năm từ 1930 đến năm 1931. Họ rồng rắn kéo nhau đến nhà ông Dưỡng. Khi nghe nhắc đến đứa cháu tên Kế bị thất lạc năm xưa, cụ Dưỡng bỗng dưng đứng phắt dậy, chạy đến bên ông Kế run run: “Thằng Kế năm xưa đây rồi. Chính mày chứ không thể ai khác. Chiến tranh tàn khốc, cả dòng họ cứ tưởng mày đã theo Tây (vì ngày xưa Kế làm con nuôi cho ông Năm Huế theo Pháp), không ngờ mày đã giác ngộ mà theo cách mạng”. Cuộc trùng phùng chưa dừng lại ở đó, cụ Dưỡng cho hay, ông Kế còn một người em đang sống tại xóm này. Nghe đến đấy, ông Kế vừa hồi hộp, vừa mừng rỡ. Đến lúc này, ông mới tin rằng, linh cảm về một đứa em máu mủ ruột rà vẫn còn đâu đó trên đất nước đã trở thành hiện thực.Thắm tình anh em Hai anh em Nguyễn Đình Kế và Nguyễn Thị Trang gặp nhau, rơi nước mắt mừng mừng tủi tủi. Mấy chục năm qua khi ký ức về nhau chỉ là một thoáng xa xăm mỏng mờ nhưng bất ngờ họ lại tìm được tình thân. Ông Kế cũng chẳng thể nào hình dung được em gái nhỏ bé năm xưa của mình nay đã là một bà lão già nua gầy gò và sống trong khổ hạnh. Được cái 5 đứa con của bà Trang đều học hành tử tế và thành đạt. Mấy chục năm nuôi con chăm cháu đã vắt kiệt sức lực của người đàn bà này. Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Kế có cuộc sống khấm khá hơn ở khu phố sầm uất tại quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Từ sau lần gặp lại ấy, ông Kế đã nhiều lần về Hà Tĩnh để thăm và đỡ đần em gái trong cuộc sống thường nhật. Ông Kế cũng đã 3 lần cho xe về đón vợ chồng bà Trang vào chơi Đà Nẵng, thăm người nhà anh trai sau 70 năm kỳ ngộ.Giữa năm 2011, sau khi đứa con trai út quyết định sang Mỹ định cư, vợ chồng ông Nguyễn Đình Kế cũng ngậm ngùi chia tay em gái để theo con cái sang sống phần đời còn lại ở trời Tây. Xa nhau, lòng bà khôn nguôi nhung nhớ. Tình anh em hơn nửa thập kỷ không gặp nhau thì không sao, đến lúc nhận ra, chưa kịp vui niềm hạnh ngộ thì đã phải chia tay. Có lẽ cũng thấu hiểu nỗi lòng em gái nên cứ vài ngày một lần, ông Kế lại gọi điện về gặp bà Trang động viên em nên bà cũng thấy ấm lòng. Nhắc chuyện kỳ ngộ với anh trai mình, bà Trang vẫn còn nguyên cái cảm giác hồi hộp, hạnh phúc. Có lẽ đó là món quà bất ngờ nhất, kỳ diệu nhất mà số phận ban tặng cho 2 anh em bà sau gần như cả cuộc đời.

Xzone

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP