Địa Chí Hà Tĩnh

Hương Bộc quê tôi

Lớn lên trong lấm láp đất bùn với nón mê, áo cộc, tôi không mảy may để ý đến sự hiện diện của làng, dầu tôi hoàn toàn có thể mô tả nó. Vô tư lớn lên theo tháng theo ngày, tôi tự làm đầy kỷ niệm cho mình từ thuở nào không rõ.

Thằng Phúc, thằng Hiếu – bạn chăn trâu thời để chỏm đã vào Nam sinh sống và mang theo những nỗi nhớ thời đánh cù, đá bóng, dán diều cùng tôi. Thằng Công – bạn đi tát cá rô đồng cũng đã lập gia đình và mệt nhoài theo hành trình ngày nối ngày đi kiếm công, tìm việc. Tôi may mắn hơn khối bạn cùng trang lứa, được học hành và giao lưu, gặp gỡ với bạn bè tứ phương. Xa làng, tôi mới hiểu, làng đã hằn in trong tôi những miền ký ức sâu thẳm. Ký ức ấy xanh như lũy tre cuối làng đêm ngày xào xạc gió, rộng lớn và mênh mông như cánh đồng ngút ngát màu xanh.

Hương Bộc quê tôi

Việc tôn tạo và khôi phục lễ tế ở đình Trung là một biểu hiện hướng về cội nguồn

Tôi quen gọi “Hương Bộc quê tôi” chẳng biết tự khi nào, có lẽ từ khi ba từ “chè Hương Bộc” vang lên theo tiếng rao giữa lòng thị xã. Ngày ấy, thị xã thì nghèo, đến giấc mơ của trẻ con thị thành cũng đượm mùi khoai sắn. Tôi nhớ những buổi cô Lan nhà bên đạp chiếc Phượng Hoàng ngược luồng gió chướng, chở vị đậm chát của chè trên hai chiếc sọt nan dạo quanh những đường phố chưa có tên.

Ông tôi kể lại, cha ông thời trước đã quen với chè, chè được trồng thành nương, thành rẫy, chè làm thành HTX để chia cho từng lao động, từng công, từng điểm. Tôi lớn lên theo cha vào tận miền rừng, hái chè, cuốc cỏ, đôi vai học trò cũng nhiều lần lấm tấm mồ hôi. Tôi đã đi qua những nỗi sợ về sự kỳ bí của rừng, đi qua chốn thâm nghiêm của những di tích.

Cha tôi kể, miếu Kè được hình thành đâu từ thế kỷ XIX dưới triều Nguyễn Gia Long, là nơi thờ các vị nhiên thần với mong muốn được thiên nhiên phò trợ của người vùng thượng. Cha lại kể về đình Trung, nơi nhân dân thờ 12 vị thần được rước về từ miền rừng thẳm. Không chỉ thấy làng qua những di tích được tôn tạo, tôi còn được nghe nhiều cụ cao niên kể về quê tôi. Tên làng Hương Bộc là thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám, có giai đoạn sáp nhập với 2 xã khác hình thành xã Tân Trào, đến năm 1983 thì chia tách thành 2 xã Thạch Hương và Nam Hương…

Cùng với thời gian và những biến đổi của xã hội, Hương Bộc tự thân gọi về nhiều câu chuyện xa xăm, tạo thành lịch sử và sắc màu văn hóa… Cuộc hình dung về quê tôi kéo dài, xa ngái và thăm thẳm. Còn nhiều điều cha ông đã để lại trong nết đất, trong tính cách và khí chất con người. Tôi hiểu, nói đúng hơn, tôi lờ mờ hiểu, chuyện về làng tôi – chuyện của nhiều điều hệ trọng.

Trung Dân/Báo Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP