Văn hoá Dân gian

Hội thảo quốc tế kỉ niệm 250 năm sinh Đại thi hào Nguyễn Du

Sáng nay, UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Viện hàn lâm KHXHVN tổ chức hội thảo quốc tế kỉ niệm 250 năm sinh Đại thi hào Nguyễn Du (1765-2015).

Sáng nay (8/8), Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế kỉ niệm 250 năm sinh Đại thi hào Nguyễn Du (1765-2015) với chủ đề “Đại thi hào dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du- Di sản và các giá trị xuyên thời đại”.

Sự nghiệp thi ca của Đại thi hào Nguyễn Du trải dài suốt cuộc đời, có cả thơ chữ Hán (tổng cộng 250 bài) và thơ tiếng Việt (chữ Nôm), có cả Đường thi và lục bát dân tộc, có cả thơ trường thiên và đoản thiên. Với kiệt tác “Truyện Kiều”, Nguyễn Du đã khẳng định được vị trí số một trong nền văn học dân tộc Việt Nam và từng bước chiếm lĩnh văn đàn thế giới.

hoi thao quoc te ki niem 250 nam sinh dai thi hao nguyen du hinh 0

Toàn cảnh Hội thảo quốc tế kỉ niệm 250 năm sinh Đại thi hào Nguyễn Du (Ảnh: Nguyễn Đăng Phát)

Tính đến nay, kiệt tác Truyện Kiều đã được chuyển ngữ và giới thiệu trong 37 bản dịch với hơn 20 thứ tiếng. Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: Di sản văn hóa của Nguyễn Du là sản phẩm kết tinh trí tuệ, tâm hồn, vẻ đẹp văn hóa dân tộc Việt Nam, qua thời gian, di sản ấy đã trở thành một phần tinh hoa văn hóa nhân loại.

“Nhiều câu thơ của Nguyễn Du là sự khái quát thành những triết lý nhân sinh sâu sắc về cuộc đời, về số phận con người, về những cảnh huống của đời người. Đó không phải là vấn đề của một thời mà của nhiều thời. Đó không phải là vấn đề của một quốc gia, một cộng đồng, một con người mà của toàn nhân loại. Trong mối bang giao rộng mở, nhiều nguyên thủ quốc gia khi đến Việt Nam đã mượn hình thức lẩy Kiều như một sự thể hiện, coi trọng văn hóa, coi văn hóa là cầu nối để xây đắp tình hòa hiếu, hướng tới tương lai. Như vậy những giá trị văn hóa mà Nguyễn Du để lại cho chúng ta hôm nay chắc chắn còn hứa hẹn nhiều khám phá mới”, đồng chí Đinh Thế Huynh nói.

hoi thao quoc te ki niem 250 nam sinh dai thi hao nguyen du hinh 1
Đồng chí Đinh Thế Huynh phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Phương Thúy).

Tại hội thảo, nhiều đại biểu quốc tế đã chia sẻ những nghiên cứu sâu về hành trình sáng tạo của Nguyễn Du, đặc biệt trong thời gian Đại thi hào đi sứ Trung Quốc, về sự phong phú trong tư tưởng của Nguyễn Du với sự giao thoa tinh thần Phật giáo, Nho giáo.

Các đại biểu cũng khẳng định, tư tưởng của Truyện Kiều bắt nguồn từ cội nguồn văn hóa, văn học dân gian Việt Nam. Dịch giả, nhà nghiên cứu Triệu Ngọc Lan, trường Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc cho biết, xuất phát từ sự tôn sùng và cảm  phục đại thi hào Nguyễn Du, bà đã nghiên cứu Truyện Kiều khá sâu sắc đồng thời bắt tay dịch Truyện Kiều sang tiếng Trung.

Bà Lan cho biết: “Ở Trung Quốc trước kia cũng có người dịch Truyện Kiều, từ bản tiếng Pháp chứ không phải từ bản Tiếng Việt, có đôi chỗ bị nhầm. Cho nên tôi thấy mình có trách nhiệm làm sao phải dịch cho chính xác từ Tiếng Việt để độc giả Trung Quốc được thưởng thức tuyệt tác kinh điển Truyện Kiều của Nguyễn Du”./.

Phương Thúy/VOV – Trung tâm Tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP