Thông tin học sinh Phạm Minh Tân, lớp 4, trường Tiểu học Tam Bình (xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) không biết đọc, viết chữ rất chậm, nhận được sự quan tâm của dư luận.
Theo VOV, khi xem lại học bạ lưu tại trường, giáo viên chủ nhiệm từ các lớp trước đều phê rằng Tân “đọc trơn, viết thạo”, thậm chí điểm kiểm tra môn Tiếng Việt cuối năm đều đạt 6. Gia đình cho biết do mải đi làm, không quan tâm việc học của con, chỉ nhờ bà ngoại và nhà trường. Vì vậy, khi thấy con không biết đọc, họ chỉ biết... buồn.
Trước đó, câu chuyện "ngồi nhầm lớp" từng xảy ra ở nhiều nơi khiến dư luận bức xúc về "bệnh thành tích" trong giáo dục. Ngay trong năm 2019, nhiều trường hợp đã được báo chí phản ánh.
Nhận xét của giáo viên về trường hợp học sinh ở Tiền Giang không biết đọc, viết rất chậm. Ảnh: VOV. Nhiều nơi có hiện tượng "ngồi nhầm lớp" |
Tháng 3/2019, theo phản ánh của giáo viên đang dạy tại trường Tiểu học Cẩm Sơn (Hà Tĩnh), nhiều học sinh ở trường này đang có hiện tượng “ngồi nhầm lớp”. Học lớp 3 và 4, các em đọc, viết rất kém.
Em T.C.T., học sinh lớp 3A, không đọc được các bài trong sách giáo khoa Tiếng Việt, không biết ghép vần viết chữ cái. Học sinh này cũng không làm được các phép tính cộng, trừ trong phạm vi 10.
Cũng trong tháng ba, em Q.V.S., học sinh lớp 6, trường THCS Lê Duẩn (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai), không đọc thông viết thạo, khiến nhiều người bất ngờ. Giáo viên giải thích cho học sinh lên lớp là vì tình thương, muốn em được hòa nhập.
Tháng 4/2019, sau khi có thông tin một số học sinh lớp 6 và lớp 7 của trường THCS Đông Phước A (huyện Châu Thành, Hậu Giang) không đọc thông viết thạo, ngành giáo dục địa phương đã chỉ đạo các trường rà soát và có biện pháp phụ đạo.
Theo xác nhận của nhà trường, 5 học sinh của hai khối 6, 7 được xem là đọc, viết chưa thành thạo, trong đó có 3 em lớp 6, 2 em lớp 7. Các em này đọc lắp bắp, viết chữ khó đọc. Tất cả đều có học lực yếu kém trong học kỳ I vừa qua.
Cô Phạm Thị Lan - giáo viên tiểu học tại Quảng Ninh - chia sẻ với Zing.vn về trường hợp học sinh lớp 4 nhưng vẫn không biết đọc, viết. Khi dạy kèm cho học sinh này ở nhà, cô Lan thấy cả buổi em nhăn nhó đánh vần được một ít, chữ viết được, chữ không. Tính toán phải đếm từng ngón tay, như lớp 1.
Nữ giáo viên thông tin học sinh này không bị khuyết tật về trí tuệ nhưng "nghiện" điện thoại. Bố mẹ em cũng không quan trọng việc học.
Áp lực thành tích
Khi được hỏi lý do học sinh lớp 4 không biết đọc, viết vẫn lên lớp, cô Phạm Thị Lan nói trình độ của học sinh ảnh hưởng trực tiếp thành tích của giáo viên và nhà trường. Khi học sinh lưu ban, giáo viên và nhà trường sẽ bị hạ thi đua, khen thưởng. Vì vậy, không ít trường hợp phụ huynh muốn con lưu ban khi học kém cũng không được.
Phụ huynh và xã hội đã quen với việc năm học kết thúc, các trường báo cáo 100% học sinh lên lớp. Đa số xếp loại học sinh giỏi, tiên tiến, chỉ một số em trung bình.
Chia sẻ quan điểm trên, một độc giả bình luận trên Zing.vn rằng chính cháu mình học kém nhưng "xin cũng không được ở lại lớp". Câu chuyện "ngồi nhầm lớp" không phải khó hiểu.
"Học hết lớp 1, cháu tôi không biết đọc, không làm được toán mà vẫn được cho lên lớp. Ba mẹ cháu thì không quan tâm. Tôi về kiểm tra mới phát hiện sự việc và xin nhà trường cho cháu học lại lớp 1. Đến năm nay, tình trạng vẫn như vậy nhưng nhà trường nhất quyết cho lên lớp vì chỉ tiêu", người này chia sẻ.
Trước đó, phát biểu tại hội thảo về "Áp lực lao động nghề nghiệp của giáo viên Việt Nam hiện nay", TS Phạm Thị Kim Anh, ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng "bệnh thành tích" trong giáo dục là nguyên nhân dẫn đến “thầy không ra thầy, trò không ra trò”, thậm chí thầy phải đồng lõa với cái xấu trong nghề.
Vì vậy, những câu chuyện xót xa mới xuất hiện như phụ huynh xin cho con ở lại lớp vì học kém cũng không được. Bởi lẽ, giáo viên bị ép duy trì sĩ số, phải đảm bảo tỷ lệ lên lớp và đỗ tốt nghiệp 100%.
Tác giả: Huỳnh Anh
Nguồn tin: zing.vn