Tăng cường rà soát
Luật Quảng cáo có hiệu lực từ ngày 1/1/2013, trong đó có các điều khoản quy định rõ những hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo, như: quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam; quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, TTATGT, an toàn xã hội; quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng…
Việc treo lắp biển quảng cáo phải tuân thủ các quy định của Luật Quảng cáo. |
Thực tế hiện nay, Hà Tĩnh chưa hề có một quy hoạch, định vị cho các hoạt động treo lắp biển quảng cáo thương mại tấm lớn mà mới chỉ có quy hoạch các cụm tuyên truyền trực quan, phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Theo Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo (có hiệu lực từ ngày 1/1/2014) thì hành vi trên sẽ bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng. Tuy nhiên, ở Hà Tĩnh, vấn đề này gần như đang bị bỏ ngỏ.
Theo quy định, các biển quảng cáo tấm lớn phải được treo lắp theo quy hoạch thống nhất của tỉnh, trên cơ sở tuân thủ các quy định của Luật Quảng cáo. Theo đó, các cơ sở kinh doanh dịch vụ quảng cáo phải có trình độ chuyên môn nghề nghiệp, được sở VH-TT&DL sở tại thẩm định. Tuy nhiên, trên địa bàn Hà Tĩnh, hầu như các cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ quảng cáo không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn vẫn tự do hành nghề.
Trao đổi với chúng tôi, Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở VH-TT&DL Trịnh Ngọc Châu thừa nhận: Hoạt động quảng cáo trên địa bàn tỉnh nói chung và TP Hà Tĩnh nói riêng đang hết sức bất cập. Thời gian qua, ngành đã tổ chức một số đợt kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh, ngăn chặn các hoạt động kinh doanh dịch vụ quảng cáo trái pháp luật. Tuy nhiên, việc treo lắp biển quảng cáo vẫn còn tùy tiện. Trước hết, do chúng ta chưa xây dựng quy hoạch cụ thể cho các hoạt động treo lắp thương mại, chưa có quy định nhất quán việc sản xuất, treo lắp biển hiệu quảng cáo. Thứ nữa, các địa phương huyện, thị, thành cũng chưa phát huy hết trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này.
Theo ông Võ Tá Lục – Phó trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa (Sở VH-TT&DL), hiện trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 17 đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở hành nghề quảng cáo có giấy phép kinh doanh. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Quảng cáo và xét điều kiện chuyên môn, hầu như các cơ sở này đều không đủ điều kiện để hành nghề. Trong khi đó, giấy phép hoạt động kinh doanh quảng cáo (giấy phép kinh doanh) lại thuộc thẩm quyền Sở KH&ĐT cấp, do đó, ngành cũng chẳng biết doanh nghiệp nào có đủ điều kiện hoạt động”.
Xử phạt nghiêm
Để chấn chỉnh hoạt động quảng cáo, ngành VH-TT&DL cần tham mưu xây dựng quy hoạch quảng cáo trực quan ngoài trời, đồng thời tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành giám sát chặt chẽ, kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp treo lắp biển quảng cáo trái pháp luật; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường thanh kiểm tra, xử lý, xóa bỏ triệt để vấn nạn quảng cáo, rao vặt trái phép tràn lan trong đô thị như hiện nay. Kiên quyết tháo dỡ các bảng biển có nội dung, hình thức, thiết kế không phù hợp, treo lắp không đúng quy cách.
Cần kiên quyết xử lý các trường hợp treo lắp biển quảng cáo không đúng quy định |
Ngoài việc xử phạt hành chính, nếu các cơ sở, đơn vị tiếp tục cố tình vi phạm, Sở VH-TT&DL cần phối hợp với Sở KH&ĐT cùng chính quyền địa phương sở tại, áp dụng biện pháp xử phạt khác như thu hồi giấy phép kinh doanh đối với những cơ sở không đáp ứng đủ các điều kiện, nhằm đưa hoạt động quảng cáo trên địa bàn đi vào nền nếp, theo đúng Luật Quảng cáo đã ban hành, lành mạnh hóa môi trường quảng cáo, góp phần xây dựng cảnh quan đô thị ngày càng văn minh.
Điều 34 – Luật Quảng cáo: Biển hiệu của tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh 1. Biển hiệu phải có các nội dung sau: a) Tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có); b) Tên cơ sở sản xuất, kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; c) Địa chỉ, điện thoại. 2. Việc thể hiện chữ viết trên biển hiệu phải tuân thủ quy định tại Điều 18 của luật này. 3. Kích thước biển hiệu được quy định như sau: a) Đối với biển hiệu ngang thì chiều cao tối đa là 2m, chiều dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà; b) Đối với biển hiệu dọc thì chiều ngang tối đa là 1m, chiều cao tối đa là 4m nhưng không vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu. 4. Biển hiệu không được che chắn không gian thoát hiểm, cứu hỏa; không được lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng. 5. Việc đặt biển hiệu phải tuân thủ các quy định của luật này và quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành. |
Quang Sáng/baohatinh.vn