Địa Chí Hà Tĩnh

Hoàng giáp Nguyễn Ngọc Huấn lập làng Đan Uyên xã Xuân Yên

Trước Cách mạng tháng 8 /1945, làng Đan Uyên là một đơn vị hành chính cấp xã, có đủ bộ máy cai quản dân. Người đứng đầu bộ máy hành chính là lý trưởng, giúp việc cho lý trưởng có hệ thống ngũ hương và tiên chỉ làng. Trước đây, làng Đan Uyên cùng một xã với Trung Đông, sau được chia tách. Người có công lớn trong việc lập làng là Hoàng giáp Nguyễn Ngọc Huấn, quê ở thôn Trung Đông, xã Đan Hải.

Đền thờ Hoàng giáp Nguyễn Ngọc Huấn- Thành hoàng Làng Đan Uyên, xã Xuân Yên

Theo sách Nghi Xuân địa chí của nhà nho Lê Văn Diện viết năm 1842 thì xã Đan Uyên thuộc tổng Đan Hải, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Nghi Xuân địa chí chép : “ Đan uyên và Trung Đông trước là một xã. Sau Đan Uyên được tách thành 1 xã, Trung Đông thành một thôn” thuộc xã Đan Hải.  Vị trí địa lý, phía bắc Đan Uyên giáp thôn Trung Đông xã Đan Hải, phía nam giáp xã Tiên Bào, phía đông giáp trang Đô Uyên, phía tây giáp xã Tiên Điền quê hương đại thi hào Nguyễn Du. Nhiều đời nay người dân Đan Uyên làm nghề nông, ruộng đất ít, người dân nơi đây chịu khó chăm chỉ sản xuất và làm nhiều nghề phụ để đảm bảo đời sống.

Làng Đan Uyên có ngôi chùa Vạn Phúc. Đây là chùa làng, theo người dân thì chùa Vạn Phúc trước đây có rất nhiều tượng Phật bằng gỗ mít, không có sư sãi tu hành tụng kinh gõ mõ. Người dân kể chùa Vạn Phúc do người  Khách sang ngụ cư ở làng Đan Uyên đã lập ra chùa để cúng Phật. Về sau không ai nhớ vì nguyên cớ gì mà người Khách bỏ về nước, chùa Vạn Phúc được người dân Đan Uyên tiếp quản việc hương khói. Theo người dân, ngày trước chùa Vạn Phúc có 1 tòa nhà. Những năm 1956,chùa được xã Xuân Yên dùng làm trường học cho con em .Sau năm đó, chùa Vạn Phúc được tháo dỡ để hợp tự đưa tượng Phật về Tiên Điền và chùa Trậu, còn gọi là chùa Đà Liễu ở xã Xuân Mỹ hiện nay. Từ đó chùa Vạn Phúc ở làng Đan Uyên chỉ sót lại nền đất bỏ hoang. Khoảng năm 1977 -1978,có tin đồn người Khách về khu vực nền chùa Vạn Phúc đào bới tìm kiếm cổ vật, vàng bạc gì đó . Người dân không biết họ có tìm được cổ vật hay không. Vừa rồi có người ở thôn Hợp Giáp tự vận động quyên góp tiền của dân mộ đạo Phật xây lại chùa Vạn Phúc để cúng Phật. Chùa Vạn Phúc được phục hồi khang trang, có quy mô lớn hơn ngày trước rất nhiều.

Làng cũng có tịnh thờ đức Thánh mẫu. Theo người dân trước đây tịnh có kiến trúc đẹp, cổng mở hướng đông, trước mặt có một hồ sen nước trong xanh, bao quanh hồ là cánh đồng lúa màu mỡ. Giữa cánh đồng bát ngát màu xanh có con lạch đào chảy từ đất Tiên Bào sang theo hướng nam đổ ra bắc. Ngày giổ kỵ Thánh mẫu hoặc ngày mồng 1 và rằm hàng tháng, hội“ con nuôi”  khắp nơi về hành lễ rất đông. Ngày nay tịnh Thánh mẫu vẫn còn và đang bảo tồn một đạo sắc phong thần của vua phong tặng.

Làng Đan Uyên chung với Tiên Bào giải cồn cát Bạch Long đắc địa. Các nhà địa lý cho rằng đây là nơi phát tích “ nam tiến sỹ nữ cung phi” ở huyện Nghi Xuân. Người nơi đây đặc biệt tự hào quê hương mình có lễ, có nghĩa, nam hiếu học và học giỏi, nữ sành sỏi công, dung, ngôn, hạnh. Truyền thống hiếu học, lễ nghĩa được khởi nguồn từ vị Đệ nhị giáp tiến sỹ Nguyễn Ngọc Huấn, nhân vật được người Đan Uyên tôn thờ đức thánh Thành hoàng vì có công khai phá và chiến đấu bảo vệ đất này.

Ông Nguyễn Ngọc Huấn không phải người làng Đan Uyên. Quê ông ở thôn Trung Đông, xã Đan Hải. Trước khi thi đậu ông ngồi dạy học ở xã Mỹ Dương. Có lẽ vì thế mà năm 1842 tác giả Lê Văn Diện viết sách Nghi Xuân địa chí chép nhầm là : “Hoàng Ngọc Huấn ở xã Mỹ Dương đỗ đệ nhị giáp khoa Quý Sửu ( 1493) đời Hồng Đức” nhà Lê sơ.

Tương truyền, sau khi Nguyễn Ngọc Huấn đỗ tiến sỹ , để khuyến khích việc trọng dụng nhân tài, triều đình phái quân sỹ hộ tống ông: “vinh quy bái tổ”.  Tuy nhiên tại quê quán chức dịch xã Đan Hải viện lý do Nguyễn Ngọc Huấn bỏ quê hương đi đã lâu nên từ chối đón rước. Chức sắc xã Mỹ Dương cũng từ chối việc đón rước tiến sỹ Nguyễn Ngọc Huấn bởi cái lý ông là dân ngụ cư . Thấy cả 2 xã trên không xã nào tổ chức đón rước tiến sỹ Huấn .Chức sắc và người dân làng Đan Uyên chu đáo chuẩn bị võng, lọng tổ chức đón, rước Hoàng giáp về làng mình. Bấy giờ, Đan Uyên dân cư còn thưa thớt, làng xã chưa có tên gọi. Để nhớ công đức của dân làng đối với mình, ông Nguyễn Ngọc Huấn chia tách dân với Trung Đông, lập xã mới đặt tên Đan Uyên. Ông phân chia Đan Uyên thành 2 thôn, đặt tên chữ Tri Lễ ( biết lễ) và Tri Nghĩa (biết nghĩa).

Đền Tịnh- thờ Thánh mẫu làng Đan Uyên( nay là thôn Hợp Giáp, xã Xuân Yên, huyện Nghi Xuân)

Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Huấn là người đưa lễ nghĩa về Đan Uyên, dân làng tôn vinh ông là người khai khoa học vấn. Ông Huấn là một viên quan được vua Lê trọng dụng tài năng, lập được công lao khi trấn giữ Lạng Sơn bảo vệ biên giới, góp sức giúp nhà Lê xây dựng thời thịnh trị. Với quê hương cũng có nhiều đóng góp bằng tài trí và lòng dũng cảm. Sách vở ghi chép, ngày ấy có giặc vào cướp phá vùng biển Nghi Xuân, ông được vua Lê cử làm “ Thảo tặc tướng quân” đem binh lính đi dẹp phản loạn. Từ kinh đô ông dẫn quân sĩ tiến thẳng đến Nghệ An, vượt sông Lam tới Mỹ Dương đóng quân chống giặc. Hoàng giáp Nguyễn Ngọc Huấn cưỡi ngựa vượt qua cầu Mỹ Dương đến thẳng Đan Uyên đánh tan lũ giặc. Sau khi ông mất người dân  thương tiếc, kính trọng đã tôn vinh làm Thành hoàng xã Đan Uyên và huy động mọi người quyên góp xây đền Đệ Nhị rất đồ sộ. Ngày giổ Hoàng giáp, ngày xưa không chỉ dân Đan Uyên đến cúng tế mà có cả dân toàn tổng Đan Hải đến tưởng nhớ công đức chiến đấu bảo vệ quê hương.

Làng Đan Uyên cổ được chia về xã Xuân Yên vào năm 1954, hiện nay thuộc 2 thôn là Hợp Giáp và Trung Lộc. Ngày trước, đền Đệ Nhị xuống cấp không được tu bổ đã trở thành phế tích. Khoảng năm 1994, đền Đệ Nhị được phục hồi trên nền móng cũ bằng những tấm lòng của người dân Đan Uyên quyên góp. Đền tuy nhỏ hơn ngày trước, song người dân thường xuyên lui tới viếng thăm, tưởng nhớ người đã mộ dân lập ra làng xã. Hiện nay đền Đệ Nhị thờ Hoàng giáp Nguyễn Ngọc Huấn – Thành hoàng làng Đan Uyên đã được tỉnh Hà Tĩnh công nhận, xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh. Đền cũng được trùng tu, tôn tạo khang trang bằng nguồn vốn xã hội hóa văn hóa và sở Văn hóa- Thể thao & Du lịch.

Đặng Viết Tường

Khối ` – Thị trấn Nghi Xuân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP