Địa Chí Hà Tĩnh

Hoài nhớ lửa rèn Vân Chàng – Hồng Lĩnh

Nằm trong vùng ảnh hưởng của văn hóa sông Minh, làng rèn Vân Chàng dưới chân núi Hồng Lĩnh là một trong những làng nghề cổ lâu đời ở Hà Tĩnh. Những truyền thuyết xung quanh sự ra đời và phát triển của làng nghề phản ánh đời sống văn hóa tinh thần phong phú của người dân nơi đây. Ngày nay, tuy hoạt động của làng rèn không còn rộn ràng như xưa nữa, nhưng cư dân nơi đây vẫn luôn nhắc nhớ cháu con những tích xưa, chuyện cũ về ông tổ làng rèn với tấm lòng biết ơn sâu sắc.

Như nhiều vùng khác nhau trên miền quê, bà con Vân Chàng (thuộc phường Đức Thuận, TX Hồng Lĩnh ngày nay) cũng lưu truyền câu chuyện dân gian huyền thoại về ông Đùng. Trong các chuyện kể về ông Đùng của người Nghệ Tĩnh thì đó là một người khổng lồ đứng ra đào núi lấp biển và sau đó tạo lập đồng ruộng để con người cấy cày, trồng trọt.

Người dân Vân Chàng cho rằng, ông Đùng ở trên núi Hồng Lĩnh, thấy dân không có cái để đào đất, chặt cây, cắt cỏ, ông bèn bới đất lấy sắt, nhổ cây trên núi đốt thành than và nung sắt rèn thành lưỡi cày, lưỡi cuốc, dao rựa, liềm hái phát cho mọi người trong làng. Ông còn dạy cho dân làng Vân Chàng làm nghề rèn sắt. Và từ đó, nghề rèn ở Nghệ Tĩnh ra đời và phát triển, trong đó có các làng như rèn Vân Chàng, Trung Lương… Để ghi nhớ công ơn của ông Đùng, làng Vân Chàng đã đúc tượng ông, lập đền thờ ông trên rú Tiên và gọi là đền thờ ông Thánh Thợ.

Lửa rèn Vân Chàng. Ảnh: Tuệ Mẫn

Thợ rèn Vân Chàng thời nào cũng tài hoa. Không chỉ sản xuất nông cụ phục vụ dân sinh, khi quốc biến, họ còn đem tay nghề của mình giúp nước, cứu dân. Thời Cần vương, thầy trò cố Đường đã tình nguyện đem lò bệ của mình lên đại ngàn rèn đao, kiếm cho nghĩa quân Phan Đình Phùng. Cố Đường cùng với tướng Cao Thắng chế thành công súng trường cho nghĩa quân. Trong kháng chiến chống Pháp, thợ rèn Vân Chàng, Trung Lương đã rèn hàng vạn mã tấu, kiếm, dao găm, sản xuất hơn 2.000 khẩu súng kíp, hàng chục tấn lựu đạn phục vụ dân quân, bộ đội.

Xưa kia, sản phẩm làng rèn Vân Chàng có mặt ở hầu hết mọi miền quê, phố chợ của dải đất sông Lam, núi Hồng. Ngay tại xã Sơn Hòa (Hương Sơn), nơi có phiên chợ Gôi sầm uất, từ bao đời và cho đến tận ngày nay, vẫn có lò rèn của một gia đình ở Vân Chàng lên lập nghiệp. Người dân vùng này vẫn quen gọi là lò rèn chợ Gôi. Bà con 6 xã vùng hạ Hương Sơn ít nhất một lần từng đến lò rèn này để rèn dao, đánh chấu liềm, chấu hái hay “ra gang” cho lưỡi cuốc, lưỡi cày trước mùa gặt hái, cấy cày…

Nếu như ngày nay, ở Trung Lương, nghề rèn vẫn duy trì với hơn 110 hộ và 7 cơ sở rèn đúc cơ khí thì ở Vân Chàng, nghề rèn đã bị mai một. Ông Phan Văn Dũng – Chủ tịch UBND phường Đức Thuận cho biết: “Hiện toàn xã chỉ còn 13 hộ duy trì nghề rèn phục vụ bà con trong vùng. Tuy lửa làng rèn không còn rực đỏ như thời xa xưa, nhưng trong tâm khảm người dân Vân Chàng vẫn luôn ghi nhớ, biết ơn Thánh Thợ. Hàng năm, vào mùng 7 tháng giêng âm lịch, cả làng lại cùng nhau tổ chức lễ khai hạ trọng thể tại đền Thánh sư thợ rèn”.

Với truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời, rèn Vân Chàng vẫn luôn là một nét đẹp trong bức tranh chung văn hóa vùng sông Minh – núi Hồng. Và mỗi khi nhắc đến những thợ rèn Vân Chàng tài hoa xưa, lòng người nơi đây lại dâng lên nỗi hoài nhớ không thôi…

Anh Hoài

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP