Bút ký
“Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”
Vào một buổi chiều cuối năm, cùng cán bộ Ban Phòng hộ Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, chúng tôi được thỏa sức du thuyền giữa lòng hồ. Mưa xuân giăng kín mặt hồ, trong mênh mông biển nước, tôi vẫn nghe rất rõ tiếng chim lúc nhặt, lúc khoan từ những cánh rừng nguyên sinh vọng lại. Những cánh rừng tít tắp giống như những hòn đảo nổi đang trở thành kho tàng khám phá của các nhà khoa học nghiên cứu về động, thực vật. Chẳng ai hiểu được năm sinh tháng đẻ của rừng, của khe suối nhưng có một điều ai cũng hiểu: rừng ấy và khe ấy là nguyên cớ, là yếu tố cộng sinh cho con người làm nên kỳ tích hồ Kẻ Gỗ…
“Kẻ Gỗ, cái tên nghe ngồ ngộ, đầy cá tính và dân dã của xứ sở nghèo, cái tên được sinh thành từ thuở xa xưa làng Việt cổ, xã Mỹ Duệ, ngày nay thuộc xã Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên). Kẻ Gỗ xưa nằm dọc theo 2 bờ sông Rào Cái. Con sông này là nơi hội tụ của nhiều con suối, con khe từ dãy Trường Sơn đổ về. Mùa hạ nắng gắt, sông thường cạn tới đáy, mùa mưa nước dâng to, kéo theo bao trận lũ quét kinh hoàng” – anh Thành, một cán bộ lâm nghiệp đang say sưa cắt nghĩa những điều anh sưu tầm được thì ai đó cất giọng: “Kẻ Gỗ là đây bao năm đợi tháng chờ/ Nay vùng đá bạc đồi núi lô nhô/ Xây hồ đắp đập, ta nuôi dòng nước ngọt/ Bỏ đồi hoang lại trong nắng trong mưa…”. Tiếng hát làm tôi bâng khuâng nhớ tới bóng hình vị Chủ tịch tỉnh Trần Quang Đạt, người thủ lĩnh chỉ huy đại công trường thủy lợi Kẻ Gỗ thành công và là người giúp đỡ nhiệt tình để nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sáng tác bài “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”.
Ngày 26/3/1976, công trình hồ Kẻ Gỗ được khởi công xây dựng… Trước biển người lên công trường ào ào như thác đổ, trước màu cờ rợp trời, rợp đất, náo nức tiếng cuốc, tiếng xe cùng với sự thấm đẫm về nỗi khổ của con người trong hoàn cảnh thiên nhiên khắc nghiệt, nhạc sĩ xúc động đến trào nước mắt. Rồi một đêm mùa hè oi bức, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý bật đèn kẻ nhạc, viết lời… Khoảng 2h sáng, nhạc sĩ thức ông Đạt dậy để khoe với vị chủ tịch tỉnh bài hát mới này… Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý nói: “Thành công này, một nửa thuộc về ông, còn một nửa thuộc về tôi”.
Qua giọng hát Kiều Hưng và Thu Hiền, bài hát đã ngân rung hàng triệu con tim từ chân trời, góc bể… Trên công trường xây dựng đại thủy nông Kẻ Gỗ, lời ca đến với từng lán trại dân công, từng anh lái trẻ, từng nam thanh nữ tú, gần gũi, mộc mạc như lời ru của mẹ, khiến ai cũng thích, khiến ai cũng thuộc. Bây giờ, những lán trại dân công, những đôi quang gánh, những chiếc đèn măng-sông, những đôi chân và áo quần bê bết bùn đất chỉ còn trong hoài niệm nhưng sự vĩ đại của sức mạnh tổng hợp nhân dân sống mãi cùng hậu thế.
Diện tích lòng hồ Kẻ Gỗ hơn 30 km2, chứa 345 triệu m3 nước. Từ cửa cống chính hồ Kẻ Gỗ, dòng nước theo hệ thống kênh mương với độ dài gần 1.000 km tưới cho hàng ngàn ha lúa của 2 vùng đất ngày xưa “đồng khô, cỏ cháy” Cẩm Xuyên và Thạch Hà, bây giờ suốt 4 mùa rười rượi lên xanh… Lịch sử không bao giờ quên hàng vạn người đã đổ mồ hôi, công sức, trí tuệ, một thời xẻ núi, ngăn sông, chinh phục thiên nhiên, biến vùng Đá Bạc thành “Biển Tây” cho hôm nay, cho muôn đời sau. Với chiến dịch “thần tốc” 11 tháng 6 ngày, đúng ngày 3/2/1977, công trình đã chính thức đưa vào sử dụng. “Kẻ Gỗ là đây bao năm đợi tháng chờ…”. Câu hát như một lời ước nguyện về cơm no, áo ấm.
Đối mặt trước bão to, lũ lớn
Bao nhiêu mùa lúa đã đi qua cũng là bấy nhiêu thử thách của những người làm nhiệm vụ điều tiết nước hồ Kẻ Gỗ. Khi thời tiết, khí hậu miền Trung càng đỏng đảnh bao nhiêu thì mối lo của CBCNV thủy nông Kẻ Gỗ lại càng dồn lên bấy nhiêu. Giám đốc Phạm Đăng Nhật tâm sự: “Chuyện bão làm đổ cây, đổ nhà cửa, cột điện… thì nhiều người biết, nhưng chuyện lũ dâng nhiều lúc đe dọa đến sinh mệnh hồ đập Kẻ Gỗ thì chưa mấy ai hiểu… Chúng tôi lo nhất khi mùa mưa bão tới…”.
Lũ to hồ lo xả tràn
Nỗi lo đâu chỉ dành riêng cho ban chỉ huy PCLB mà khi nghe tin bão sắp đổ bộ vào Hà Tĩnh, Công ty Thủy nông Kẻ Gỗ cũng vội vã “dồn quân” lên mặt hồ. Khi nước hồ dâng lên, vượt quá tần suất thiết kế thì phải chấp hành ngay mệnh lệnh cấp trên: xả nước để cứu đập, xả nước để cứu dân làng… Những lúc như thế, không ai được phép lơ là, chủ quan.
Vào thời điểm năm 1988, tôi đã nghe ông Trần Hữu Kính – kỹ sư thủy lợi kể câu chuyện con ông “chất vấn” bố: “Nếu hồ Kẻ Gỗ bị vỡ thì bố con mình có bị trôi ra biển không hở bố”? Ông Kính ôn tồn giải thích cho con: “Nếu hồ Kẻ Gỗ vỡ, bố con mình chưa đến mức như thế, nhưng cả TX Hà Tĩnh có thể chìm trong biển nước. Bố không bị trôi nhưng bị ngồi tù vì mình làm lãnh đạo mà không giữ được hồ là tai họa lớn cho hàng vạn người dân…”. Ông Kính vừa dứt lời thì ngoài trời gió nổi lên ù ù, đất đá ném vào mái tôn rơi loảng xoảng, mưa xối xả, ngập đường, ngập phố… Sáng hôm sau, ông cùng anh em trong đơn vị tập trung đông đủ tại hồ Kẻ Gỗ và chứng kiến tiếng nước lũ réo ầm ầm, những cột sóng dựng cao, trắng xóa, trông giống như một đàn ngựa hoang… Thế nhưng, sự hung hăng của thủy thần chẳng làm ai khiếp đảm. Sau khi kiểm tra kỹ từng cung đoạn mái đập, thân đập, ống cống, đo dung tích, cao trình chính xác, hội ý chớp nhoáng với cấp trên qua bộ đàm, việc xả nước để bảo vệ an toàn hồ Kẻ Gỗ được thực hiện một cách nhanh chóng…
Sau trận lũ lớn tháng 8/1988 ấy, hồ đập Kẻ Gỗ được đảm bảo an toàn tuyệt đối, dân chúng hỉ hả với mùa vàng bội thu… Kinh nghiệm “xả lũ cứu hồ” của đơn vị ông trở thành “cẩm nang” quý báu, về sau được truyền lại cho ông Trình, ông Xớn, ông Châu và cả vị giám đốc trẻ hiện nay Phạm Đăng Nhật. Cứ hễ lũ lớn vượt quá tần suất thiết kế phải tiến hành xả lũ, mức độ xả nhiều hay ít phụ thuộc vào độ chứa và mực nước trong hồ… Mỗi lần nhắc tới trận lũ tháng 10/2010, anh Nhật vẫn cảm thấy như mình vừa đi qua cơn ác mộng nhưng anh đã đuổi được “thủy thần” nhờ sức mạnh tổng hợp của tập thể… Anh nói: Dẫu lúc đó có một số tờ báo mạng đưa tin dân hạ lưu sẽ trôi hết nhà cửa và tài sản là do tác hại của xả nước hồ Kẻ Gỗ nhưng sự thật, cả 5 xã vùng hạ lưu huyện Cẩm Xuyên đã chuẩn bị sẵn sàng tinh thần vượt lũ, khi nước Kẻ Gỗ xả xuống thì mọi thứ đã được sơ tán…
Nắng to lại lo hụt nước
“Mùa mưa thì lo hồ nước quá đầy, sợ vỡ đập, mùa nắng lại lo thiếu hụt nước, thật chẳng có nỗi lo nào giống nhau”. Đấy là lời tâm sự của ông Trần Đình Huề – Trạm trưởng Trạm Đầu mối hồ Kẻ Gỗ, cũng là nỗi niềm chung của anh em công nhân ở đây. Công việc của người làm công tác thủy nông hầu như lúc nào cũng bám hồ, bám kênh và bám ruộng… Cây lúa như con thơ khát sữa, luôn muốn được cung cấp đầy đủ nước nhưng đưa được nước hồ Kẻ Gỗ tới đâu phải chuyện giản đơn… Đừng tưởng “nằm giữa được phần chăn”, nhiều diện tích ruộng xã Nam Hương nằm sát tuyến kênh N1 nhưng cao trình tự chảy không tới được bởi ruộng toàn “bậc thang, cao cưỡng”. Giám đốc Nhật tâm sự: “Mặc dầu công nhân trần lưng giữa nắng cháy, huy động mỗi ngày 3 máy bơm, công suất từ 500-1.000m3/s, nhưng chỉ đáp ứng được nửa số diện tích tưới của xã Nam Hương. Ruộng thiếu nước, dân kêu, nhưng lực bất tòng tâm”.
Nước Kẻ Gỗ theo kênh về tưới mát ruộng vườn
Trong vài năm qua, hồ Kẻ Gỗ đã tích đủ nước đáp ứng cho sản xuất thâm canh, vậy mà bước sang năm 2013, tình hình hạn hán được dự báo khá gay gắt. Sự biến đổi bất thường của thời tiết đã ảnh hưởng đến lượng mưa năm 2012, tại hồ Kẻ Gỗ chỉ đạt 1.703 mm, 65% lượng mưa trung bình nhiều năm. Đến trung tuần tháng 3/2013, các hồ chứa trong hệ thống hồ Kẻ Gỗ đều không đạt mức thiết kế, dung tích 186 triệu m3 nước. Dự báo vụ hè thu tới, thiếu hụt khoảng 60 triệu m3 nước là điều có thể xảy ra. Từ những cảnh báo về nguy cơ thiếu nước ở hồ Kẻ Gỗ, Giám đốc Nhật cùng tập thể đã cố gắng tìm những giải pháp chống hạn cứu lúa. Anh cho rằng, cuộc cách mạng bỏ trà xuân sớm, tập trung gieo cấy xuân muộn đã tạo được “cú hích” cho nông dân canh tác đồng bộ, nhờ vậy, giảm được lượng nước tưới đợt 1 và đợt 2, tiết kiệm gần 40 triệu m3 so với khi chưa chuyển đổi.
Nắng càng to càng lo cứu lúa, đó là lẽ thường của người trồng lúa và người cung cấp nước tưới. Nhưng cứu bằng cách nào? Những kế hoạch như thông báo lịch cấp nước từng đợt, tận dụng triệt để lượng nước khi có mưa để sản xuất, tổ chức đội quân lưu động để bơm nước từ các trục tiêu, khe lạch trong hệ thống nhằm chủ động tưới cho các vùng đất cao cưỡng và cuối kênh… đã được hoạch định từ tỉnh xuống huyện, từ huyện xuống xã, thôn. Cố nhiên, ý thức tiết kiệm của người dân rất quan trọng. Ngày trước, người ta “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa”, rồi dùng gàu giai, gàu sòng tát nước nên mới thấm thía rằng, làm ra hạt gạo “đắng cay muôn phần”. Bây giờ, sắp tới mùa trăng, những cán bộ thủy nông Kẻ Gỗ sẽ cùng dân vác cuốc ra đồng và phát hiện sự rò rỉ trên kênh, tránh được tình trạng nơi thừa, nơi thiếu… Và tôi tin, lúa không đói nước trong những ngày hè sắp tới.
Tháng 4/2013
Phan thế cải
Báo Hà Tĩnh