Theo đó, có 4 nội dung sẽ được đoàn thanh tra xác minh tại trường Lý Tự Trọng, để làm rõ các vấn đề đã được tố cáo.
Các nội dung đó bao gồm: Vi phạm các quy định về thu, nộp học phí về kho bạc Nhà nước; vi phạm luật kế toán với việc chi không chứng từ nhiều khoản chi; đấu thầu mua sắm, sửa chữa nhỏ với 7 gói thầy đã mở xong, nhưng cho tư vấn giữ toàn bộ hồ sơ, không lưu hồ sơ tại kế toán, vi phạm quy định của luật kế toán, các sai phạm trong quy trình bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ.
Đặc biệt, ông Phạm Ngọc Long (người tố cáo-PV) yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM làm rõ tính hợp pháp của bằng Tiến sĩ mà ông Phạm Hữu Lộc – Hiệu trưởng trường cao đẳng Lý Tự Trọng đã khai báo trong hồ sơ, lý lịch.
Để trả lời về vấn đề này, ngày 17/9/2015, ông Trần Văn Nghĩa – Cục phó Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Cục khảo thí) thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký văn bản số 1242, trả lời cho ông Long được biết, bằng Tiến sĩ của ông Lộc chưa đủ thông tin để được xem xét công nhận tại Việt Nam.
Hiệu trưởng trường cao đẳng Lý Tự Trọng Phạm Hữu Lộc trong lễ tốt nghiệp của sinh viên (ảnh: website trường) |
Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 2/10/2013 đã có công hàm gửi Đại sứ quán Nga tại Việt Nam hỏi về việc văn bằng do Viện hàn lâm quốc tế về nghiên cứu hệ thống có được Nga công nhận hay không, thì cho đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời từ phía Bộ Giáo dục và Khoa học Liên bang Nga.
Chính vì vậy, Cục khảo thí đã nhấn mạnh, chưa đủ cơ sở để trình Bộ Giáo dục xem xét, công nhận văn bằng do Viện hàn lâm quốc tế về nghiên cứu hệ thống, Liên bang Nga cấp.
Phúc đáp về việc này, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên ban Nga đã nhấn mạnh: Các văn bằng Tiến sĩ, Tiến sĩ khoa học do Uỷ ban thẩm định chuyên môn thuộc Hội đồng thi tuyển Liên học viện cao cấp Liên bang Nga cấp, có nằm trong hệ thống văn bằng, chứng chỉ được công nhận hợp pháp tại Liên bang Nga.
Tuy nhiên, việc Viện hàn lâm quốc tế về nghiên cứu hệ thống (IASS), chi nhánh tại TP.HCM có đủ tư cách pháp nhân có đủ tư cách pháp nhân để đào tạo, cấp bằng hay không, còn tùy thuộc vào việc họ có được Chính phủ Việt Nam có công nhận và cho phép hay không.
Qua xác minh của chúng tôi, IASS chi nhánh TP.HCM không có tên trong danh sách các chương trình liên kết đào tạo quốc tế được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép tại Việt Nam.
Nhằm có thông tin đa chiều, lắng nghe sự việc một cách khách quan và trung thực hơn, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với ông Phạm Hữu Lộc – Hiệu trưởng trường Cao đẳng Lý Tự Trọng để xin hẹn, gặp làm việc về các vấn đề mà ông Long nêu ra.
Thế nhưng, ông Lộc đã từ chối cuộc làm việc này với phóng viên. Lý do mà ông Lộc đưa ra là đang đi công tác, thanh tra của Sở vào cuộc rồi thì hãy để cho thanh tra làm.
Dù vậy, trong lịch làm việc của lãnh đạo trường cao đẳng Lý Tự Trọng tuần này, từ thứ 2 (28/9) đến thứ 4 (30/9), chúng tôi nhận thấy ông Phạm Hữu Lộc – Hiệu trưởng đều phải có mặt tại trường để tham gia định hướng giáo dục đầu năm cho các sinh viên ở các khoa.