Nhằm phát huy tối đa giá trị thu nhập trên từng đơn vị diện tích, ngoài việc quy hoạch các vùng trồng cây lâm nghiệp, trồng chè, chăn nuôi lợn, gà… đầu năm 2003, trang trại của Mai Văn Lĩnh ở thôn Đông Thịnh đã mạnh dạn đầu tư xây dựng thêm chuồng trại để đưa mô hình nuôi bò nhốt vỗ béo vào áp dụng. Nhờ sự chịu khó, dám nghĩ dám làm, chỉ mới sau mấy tháng, trại của gia đình anh Lĩnh đã có 17 con bò, với giá trị trung bình trên 40 triệu đồng/con. Theo anh Mai Văn Lĩnh, hiện trang trại đang chuẩn bị khởi công để tiếp tục xây thêm 1 dãy chuồng trại kế bên có sức nuôi từ 30 – 35 con bò nhốt lấy thịt. Và nếu thuận lợi gia đình sẽ tiếp tục đầu tư để thực hiện dự án nuôi bò nhốt với quy mô 100 con…
Nằm ngay trong làng, tuy đất đai không mấy rộng rãi, nhưng khi thấy việc nuôi bò nhốt thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi, gia đình ông Đặng Sơn ở Thôn Đại Lự xã Hồng Lộc cũng quyết định mở rộng gia trại để xây dựng mô hình. Từ 3 con bò sẵn có, cộng với số vốn vay được từ ngân hàng và nguồn giúp đỡ của anh em trong gia đình, hiện gia đình ông đang nuôi nhốt 11 con bò đã có thể xuất bán với giá từ 35 – 45 triệu đồng/con. Tâm sự với chúng tôi Ông Đặng Sơn cho biết: Trước đây ngoài mấy sào ruộng khoán, để trang trải cuộc sống gia đình và nuôi các con ăn học, vợ chồng tôi còn phải làm hàng chạy chợ. Nhưng nhìn chung vẫn không đủ lo. Sau 1 thời gian nuôi vài ba con bò, cũng có chút kinh nghiệm rồi nhờ học hỏi, được tham gia 1 lớp tập huấn làm quen vói mô hình sản xuất chăn nuôi mới này, vợ chồng tôi quyết định làm luôn. Nên nhờ đó kinh tế gia đình cũng khá lên…
Là xã miền núi duy nhất của huyện Lộc Hà, người dân Hồng Lộc từ lâu đã có tập quán quen chăn nuôi trâu bò. Thời gian gần đây, được sự quan tâm của cấp ủy chính quyền, đặc biệt nguồn hỗ trợ từ đề án nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn trong XD NTM, mô hình nuôi bò nhốt chuồng vỗ béo đã đem lại cho người dân nơi đây nguồn lợi không nhỏ. Trên cơ sở phương thức chăn nuôi truyền thống, việc lựa chọn thực hiện mô hình nuôi thành công chính thức mở ra hướng đi mới cho ngành chăn nuôi địa phương. Hiện toàn xã Hồng Lộc có gần 20 mô hình nuôi bò nhốt vỗ béo. Hộ ít nhất 5 con, họ nhiều lên đến gần vài chục con.
Không chỉ có Hồng Lộc, hiện nay trên địa bàn huyện Lộc Hà có khoảng 650 con bò được nuôi theo hình thức nuôi nhốt, trong đó gần 400 con bò được nuôi trong các hộ nuôi từ 5 con trở lên, hộ nuôi nhiều nhất 15 con, hộ nuôi ít nhất 2-3 con, mỗi con mua vào khoảng 25 – 35 triệu đồng. Sau khi nuôi vỗ béo 2-3 tháng bán ra trừ chi phí lãi khoảng 1 đến 1,5 triệu đồng/con/tháng, con to nhất bán được 83 triệu. Đây là mô hình chăn nuôi tỷ lệ rủi ro hầu như không đáng kể, do dịch bệnh ít, khả năng chống chịu tốt. Việc chăm sóc cũng không quá vất vả vì có thể tận dụng được rơm rạ, thân cây chuối, cám đậu, cám ngô kết hợp với thức ăn tổng hợp. Với những hiệu quả bước đầu có được, thực tế cho thấy ít có mô hình kinh tế nào ở nông thôn hiện nay có thu nhập cao và nhanh như vậy.
Bài, Ảnh: Trâm Anh
Lộc Hà