Trường CĐ nghề Vũng Áng (huyện Kỳ Anh) ngôi trường khang trang, cơ sở vật chất hiện đại nhưng vắng bóng học viên (ảnh: T.M.H) |
Trường tiền tỷ bỏ hoang đến bao giờ?
Một ngôi trường nằm ở vị trí đắc đạo, trên khuôn viên đất rộng tại xã Kỳ Trinh (huyện Kỳ Anh), được xây lên với kỳ vọng sẽ đào tạo 5.000 học viên/khóa. Thế nhưng đã gần 5 năm, trường không hoạt động tốt do thiếu học viên đến học.
Đó là Trường CĐ nghề Vũng Áng, do Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt trên diện tích hơn 16 ha, mức đầu tư 519 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, địa phương và xã hội hóa.
Dự kiến, sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng mỗi năm trường sẽ đào tạo khoảng 5.000 học viên từ các ngành điện, cơ khí, lái xe, nấu ăn….cung cấp lao động cho dự án Formosa tại Khu kinh tế Vũng Áng.
Đến 2011 trường đi vào hoạt động với dãy nhà học 4 tầng, hàng trăm phòng, ba dãy nhà xưởng và mua sắm nhiều thiết bị dạy học, với tổng mức đầu tư hơn 120 tỷ đồng. Tưởng đã ổn định nhưng trường vấp phải công tác tuyển sinh không khả thi, nên vắng bóng học viên đến học. Sau gần 3 năm đi vào hoạt động, trường chỉ vỏn vẹn đào tạo gần 200 học viên, chỉ bằng 1/20 với tiêu chí đặt ra.
Nhìn tòa nhà cao tầng sừng sững vắng bóng người, bên trong các phòng ốc để trống hoác, bụi phủ đầy các bàn học và thiết bị. Những lớp học vắng bóng học viên, giáo viên, Trường CĐ nghề trở nên hoang vắng, lạnh lẽo.
Ngoài trường hoạt động không hiệu quả, tại Hà Tĩnh còn có một số trường xây dựng lên nhưng bỏ hoang. Điển hình là Trường THCS xã Hương Quang (huyện Vũ Quang) xây mới hoàn toàn, đã khánh thành nhưng không có học sinh đến học buộc phải bỏ hoang.
Trong đề án xây dựng nông thôn mới tại xã Hương Quang, tiêu chí xây dựng trường học được đặt lên hàng đầu. Ngay sau khi sáp nhập trường, với tư cách chủ đầu tư, xã Hương Quang xây dựng một ngôi trường khang trang với 21 phòng học cùng nhiều hạng mục, tổng kinh phí hơn 11 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, trong đó có đóng góp của nhân dân. Song hơn 2 năm qua vẫn chưa đưa vào hoạt động.
Theo thầy Trần Xuân Hải, chuyên viên Phòng GD&ĐT huyện Cẩm Xuyên giải thích, nguyên nhân trường bị bỏ hoang là do chủ trương sáp nhập trường học của tỉnh. Sau khi sáp nhập nhiều xã về học tại Trường THCS Hương Quang thì bị đại đa số người dân phản đối. Bằng cách cho con em mình đi học nơi khác hoặc vào miền Nam và đăng ký học Trường THCS nội trú Hương Khê. Điều này đã dẫn đến trường vắng bóng học sinh, rồi bỏ hoang nhiều năm nay chưa có ngày “tái sử dụng”.
Trường THCS Mai Kính, huyện Lộc Hà nhiều năm liền bỏ hoang, mãi đến hôm nay mới cho Tổng Công ty khoáng sản và Thương mại Mitraco Hà Tĩnh thuê hoạt động tầng 1 (ảnh: Hoa Quang) |
Đáng buồn hơn, ngôi Trường THCS Mai Kính, huyện Thạch Hà với dãy nhà 4 tầng, 16 phong học khang trang nằm trên khu đất 34.000m2 giữa đồng ruộng. Sau hơn 3 năm xây dựng, với tổng kinh phí hơn 31 tỷ đồng, trường không đi đưa vào hoạt động đúng mục đích. Chính quyền địa phương cũng có nhiều trăn trở để tìm ra giải pháp khắc phục, nếu không sử dụng cho mục đích dạy học thì có thể chuyển sang mục đích sử dụng khác để tránh gây lãng phí trong xây dựng?
Trường xây dựng từ 2010 phơi nắng giữa trời để mưa nắng xói mòn, xuống cấp. Đến 2014, nhằm giảm bớt chút ít lãng phí, UBND tỉnh cho Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Mitraco Hà Tĩnh thuê lại toàn bộ diện tích mặt bằng tầng 1 của trường để làm Trung tâm Cấp giống cây trồng.
Xây dựng thiếu tính toán
Theo tìm hiểu của PV, tại Trường CĐ nghề Vũng Áng, nhiều giáo viên cho biết, trường nghề lâm vào tình trạng khó khăn như trên là vì dự án này được đầu tư nửa vời (tổng mức đầu tư của dự án là 519 tỷ đồng nhưng nay mới giải ngân được hơn 120 tỷ), dẫn đến hệ lụy là khó thu hút được học viên đến nhập học vì còn thiếu chỗ ăn, ở cho học viên. Ngoài ra, hệ đào tạo nghề gặp khó khăn vì cơ chế chung, đặc biệt vấn đề giải quyết việc làm cho học viên sau khi ra trường chưa rõ ràng, cụ thể, thậm chí rất bấp bênh.
Bản thân lãnh đạo Liên đoàn lao động tỉnh Hà Tĩnh, chủ đầu tư dự án cũng thừa nhận rằng: Để lãng phí hàng trăm tỷ đồng xây dựng trường nghề không có học viên đến học, nguyên chính là ngay từ ban đầu khi xây dựng dự án chưa đồng bộ, thiếu tính toán chặt chẽ. Không nghiên cứu đúng thị trường khi xây dựng trường học sẽ đào tạo được bao nhiêu con người, ra trường số học viên này sẽ đi về đâu, có làm đúng nghề nghiệp đào tạo hay không. Do đó, người học nghề không dám học, tiền dự án bị cắt, công trình bị bỏ dở chừng…
Trường THCS Hương Quang, bản thân lãnh đạo xã cũng thừa nhận, xây dựng trường lên không có học sinh đến lớp đã gây một hệ quả lớn, lãng phí ngân sách nhà nước, trong đó có tiền đóng góp của nhân dân. Dự án phía trên rót xuống chưa nghiên cứu sâu sát thực tế. Chủ trương sáp nhập trường chưa thực sự gây ảnh hưởng tốt trong nhân dân. Đó là những nguyên nhân khi xây dựng trường học chưa thiết thực.
Có chuyển đổi mục đích sử dụng thì cũng lãng phí
Một câu hỏi lớn đặt ra, vậy những ngôi trường tiền tỷ hoạt động không hiệu quả, hoặc bị bỏ hoang về lâu dài phía cơ quan cấp quản lý nhà nước sẽ đưa ra phương án nào để khắc phục?
Lúc này, ông Nguyễn Thiện, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh trả lời báo chí: Cơ sở vật chất của những ngôi trường bị bỏ hoang hoặc hoạt động không tốt sẽ được giao cho địa phương sử dụng hoặc chuyển cho các tổ chức, đoàn thể, cơ quan khác cần để đi vào hoạt động, sản xuất kinh doanh. Nhất thiết trường sẽ không thể để bỏ hoang lâu dài, còn nhiều đoàn thể cần cơ sở vật chất để làm việc.
Có thể, những ngôi trường trên sẽ được chuyển giao sang một mục đích phù hợp. Thế nhưng, một lần nữa nhà nước sẽ phải bỏ ra một nguồn kinh phí lớn nữa để tu sửa, cải tạo cơ sở cũ.