Trước, người ta thường chỉ nhắc đến dải đất ven biển Thạch Hà, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) với sự ngán ngẩm. Nắng nóng cùng với gió Lào thiêu đốt khiến vùng này trở thành những bãi cát bỏng rát, cây cỏ không sống nổi. Ít ai ngờ rằng, trên những cồn cát nóng đến 50 độ C nơi đây, một vùng rau quả xanh mướt đã xuất hiện.
Những ngày đầu của tháng 9, cái nắng nóng gay gắt vẫn bao trùm Hà Tĩnh với nhiệt độ 38 – 40 độ C. Từ TP Hà Tĩnh, chạy xe chừng 5 km, chúng tôi có mặt tại xã Thạch Văn (huyện Thạch Hà), vùng đất “nổi tiếng” với những cồn cát trắng mênh mông.
Nắng nóng cùng những đợt gió Lào khiến cho nơi đây càng thêm gay gắt. Mặc dù có giày nhưng bước đi trên những đồi cát, vẫn cảm nhận được sự bỏng rát từ đôi chân.
Ông Dương Tất Thắng bên vườn dưa vàng trồng trên đất cát bỏng rát ở Thạch Văn. Ông Thắng chính là người có công lớn trong việc ‘hồi sinh’ vùng đất tưởng như đã hoang mạc hóa này. |
“Những bãi cát ở đây nóng kinh khủng, nhiệt độ lúc nào cũng từ 50 – 60 độ C. Nếu ai muốn đi trên cát, ngoài giày dép còn phải cầm thêm lá cây xanh để “lót” phía dưới. Tuy nhiên, chỉ cần vừa nhấc chân lên, lá xanh cũng đã khô héo”, bà Nguyễn Thị Phùng (SN 1960, trú thôn Bắc Văn, xã Thạch Văn) lắc đầu cho hay.
Nhưng bất chấp sự khắc nghiệt của thời tiết, mầm sống của những luống cải củ, măng tây, mướp đắng… vẫn đang vươn mình phủ xanh những cánh đồng hoang mạc trắng nơi đây.
Câu chuyện biến sa mạc thành vựa rau xanh chỉ mới bắt đầu từ vài năm trước với tâm huyết của rất nhiều người.
Trong đó, ông Dương Tất Thắng, Tổng GĐ Công ty Khoáng sản và Thương mại (Mitraco) Hà Tĩnh được biết đến như là “cha đẻ” của dự án trồng rau, củ, quả trên cát.
Trò chuyện với PV VietNamNet, ông Thắng chia sẻ, trong một chuyến công tác sang Dongshan (Trung Quốc), ông vô cùng ngạc nhiên khi thấy trên những đồng cát lớn, hàng chục loài rau màu (măng tây, củ cải…) vẫn phát triển xanh tốt.
Lúc ấy, ông Thắng đã liên tưởng ngay tới những đồng cát ở xã Thạch Văn (Thạch Hà, Hà Tĩnh).
Khoảng tháng 8/2013, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã sang Dongshan khảo sát và cũng nhận thấy tiềm năng để áp dụng và phát triển ở Hà Tĩnh.
Những thửa rau được chăm sóc đặc biệt vẫn xanh tốt trên nền đất cát nóng đến hơn 50 độ C. |
Mọi việc được giao cho Cty Mitraco Hà Tĩnh phụ trách. Và Dự án “Xây dựng mô hình trồng rau, củ, quả công nghệ cao trên vùng đất cát hoang hóa, bạc màu ven biển Hà Tĩnh” đi vào thực hiện.
Tiếp đó, Cty đã hợp tác và mời các chuyên gia từ Trung Quốc, Nhật Bản, Isarel tư vấn.
“Bà đỡ” giúp người nông dân thoát nghèo
Dự án bắt đầu với diện tích 12 ha trồng thử nghiệm cùng hàng chục loại rau, quả được chọn lựa từ những loại giống chịu nhiệt, chịu hạn tốt từ Isarel, Trung Quốc, Hàn Quốc như cà rốt, măng tây, củ cải, cải thảo, cải bẹ…
Để có thể giúp cây mọc và sinh trưởng trên cát, nhà ươm, hệ thống tưới phun tự động hiện đại được trang bị. Và những sản phẩm đầu tiên từ vùng cát Thạch Văn đã cho chất lượng đặc trưng với vị ngọt đáng ngạc nhiên.
Màu xanh lấn dần màu cát trắng. |
Ông Bùi Quốc Hoàn, Trưởng ban dự án rau, củ, quả cho biết, không chỉ đơm hoa kết trái, mà những sản phẩm rau củ ở đây đạt chất lượng rất tốt, năng suất cao: củ cải lớn năng suất đạt 30 – 35 tấn/ha, củ cải nhỏ 20-25 tấn/ha, cà rốt 8-10 tấn/ha, cà chua 10-12 tấn/ha, hành lá 10 – 15 tấn/ha, măng tây 40 – 60 kg/ha.
“Chúng tôi hoàn toàn bất ngờ về chất lượng của những loại ra, củ, quả mang lại. Và cũng nhận thấy, các loại này, rất hợp để trồng trên đất cát”, ông Thắng nhớ lại.
Toàn bộ nông sản được cung cấp cho chuỗi cửa hàng của Mitraco trên địa bàn Hà Tĩnh, Vinh, Hà Nội…
Năm 2015, công ty có kế hoạch phát triển diện tích rau, củ, quả sang những vùng cát trắng khác ở xã Thạch Trị, Thạch Khê, Thiên Cầm, Thạch Hòa…với 400 ha. Năm 2016, diện tích này sẽ tăng lên 600 ha.
Cũng nằm trong bước đi “đột phá” của mình, Cty Mitraco đã “mạnh dạn” hỗ trợ giống, cơ sở vật chất và tư vấn kiến thức, đầu ra… để giúp bà con nông dân các vùng xung quanh biến những mảnh vườn 500 – 1.000 m2 thành vùng sản xuất rau, củ, quả.
19 hợp tác xã trồng rau, củ quả với diện tích hơn 200 ha đã được mở ra. Những mảnh vườn, đồi cát trước đây bỏ hoang, hoặc chỉ trồng vài ba cây ăn quả nay đã thay đổi, cho thu nhập cả chục triệu.
Chị Trần Thị Việt Hà, Giám đốc HTX Thương mại, dịch vụ tổng hợp Hà Trung (Cẩm Hòa, Cẩm Xuyên) chia sẻ, ngày trước, khi mới nghe về dự án, dân làng ai cũng hoài nghi. Bởi trên những bãi cát mênh mông làm sao có
thể trồng rau, củ, quả quy mô lớn.
Ấy vậy mà ngay vụ trồng củ cải đầu tiên đã cho thu hoạch 25-30 tấn/ha. Tất cả đều qua hợp đồng tiêu thụ với Mitraco Hà Tĩnh. Hiện nay, HTX vào vụ thứ 3, sản xuất đã gần như ổn định. Ít nhất mỗi tháng, các thành viên trong HTX có thu nhập 5 triệu đồng/người.
Được biết, thời gian trước, chính Cty Khoáng sản và Thương mại (Mitraco) Hà Tĩnh đã khai thác ti tan trên vùng đất cát xã Thạch Văn.
Mặc dù sau đó, Cty này đã có những biện pháp để cải tạo nhưng môi trường đã bị tàn phá nặng nề. Nay, cũng chính Cty này đã trở lại để “hồi sinh” cho vùng đất “chết”. Và bước đầu, họ đã thành công.
“Có được những kết quả này, là nhờ sự khích lệ, tạo điều kiện từ UBND tỉnh Hà Tĩnh, đặc biệt là các lãnh đạo tỉnh rất tâm huyết. Chứ nếu chỉ mình DN chúng tôi, muốn cũng không thực hiện được.
Việc quay lại phủ xanh mảnh đất nơi trước đây chúng tôi từng khai thác khoáng sản, âu cũng là một cách thể hiện trách nhiệm với địa phương”, ông Dương Tất Thắng chia sẻ thêm.
Văn Đức – Cao Thái /VNN