Nhân viên kiểm soát barie lên chùa Hương Tích yêu cầu anh Hải quay lại mua vé lên chùa |
Kinh doanh tín ngưỡng?
Trưa 12/2, PV Báo Giao thông có mặt tại khu vực chùa Hương Tích (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Theo ghi nhận của PV, mặc dù đang giữa trưa nhưng lượng khách đổ về chùa tương đối đông. Tuy nhiên, có một điều khiến nhiều du khách không khỏi ngỡ ngàng và bức xúc là việc ai muốn đi lên chùa đều phải mua vé để được qua trạm barie kiểm soát.
Lúc 11h30, anh Hải (23 tuổi, trú ở TX Thái Hòa, tỉnh Nghệ An) vượt hàng trăm cây số để đến với chùa Hương Tích. Cầm trên tay đồ lễ, anh cùng bạn gái lên chùa nhưng khi mới đến trạm barie ở dưới chân núi thì bị chặn lại. Những người kiểm soát ở đây cho biết, muốn đi lên chùa phải quay lại mua vé. Vì sự thành tâm khi đến chốn linh thiêng, anh Hải phải đội nắng quay lại khoảng hơn 100m để mua 2 tấm vé cho mình và cho bạn gái. Cùng lúc anh Hải đang mua vé thì có 1 đoàn du khách khác đi lên. May mắn hơn, một số người bán hàng rong đã nhắc đoàn khách này là muốn lên chùa phải mua vé nên không ai phải đội nắng cuốc bộ lần nữa.
Anh Hải phải đội nắng quay lại mua vé cho mình và bạn gái để được vào chùa Hương Tích |
Tỏ rõ sự không hài lòng trên khuôn mặt, anh Hải nói: trước đây em cũng đã từng đi chùa Hương Tích nhưng lúc đó không phải mua vé mà tự do ra vào.
“Chùa là chốn tâm linh, du khách về đây bằng sự thành tâm của mình mà bị thu tiền để vào làm lễ như thế này cứ cảm giác như bị kinh doanh tín ngưỡng. Lễ chùa là quyền tự do của mỗi người. Việc tu bổ, cải tạo trên chùa đã có tiền công đức và các nguồn hợp pháp khác, sao ở đây lại thu thêm khoản phí vào cổng vô lý như vậy. Để lên chùa, du khách có thể đi bộ, đi thuyền hoặc đi cáp treo. Ban quản lý thu phí dịch vụ với những du khách đi thuyền, hoặc cáp treo thì được, còn thu phí vào cổng là quá vô lý”, anh Hải nói.
Không chỉ anh Hải mà tất cả du khách muốn lên chùa Hương Tích cũng đều phải mua vé |
Được biết, vé vào chùa có giá 20.000 đồng, vé ghi vé tham quan danh lam thắng cảnh chùa Hương Tích, do Ban Quản lý chùa Hương Tích in ấn. Thế nhưng việc phát hành, bán vé thu tiền lại do Công ty Cổ phần đầu tư phát triển và Du lịch Hồng Lĩnh đảm nhiệm.
Theo lãnh đạo huyện Can Lộc, việc thu phí vào chùa là thực hiện theo Nghị quyết HĐND tỉnh Hà Tĩnh |
Thu phí theo Nghị quyết của HĐND tỉnh
Chùa Hương Tích hay còn gọi là Hương Tích Cổ Tự có nghĩa là Chùa Thơm. Chùa có danh hiệu Hoan Châu đệ nhất danh thắng, xếp vào hàng 21 thắng cảnh nước Nam xưa kia. Chùa nằm ở độ cao 650m so với mặt nước biển, tọa lạc trên lưng chừng đỉnh Hương Tích, một trong những ngọn núi đẹp nhất của dãy núi Hồng Lĩnh, thuộc xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
Tương truyền, chùa Hương Tích được xây dựng vào thế kỷ XIII nhưng đến năm 1885, chùa bị một trận hỏa hoạn lớn thiêu rụi. Năm 1901, Tổng đốc An - Tĩnh là Đào Tấn tiến hành quyên góp tiền trùng tu và xây dựng lại. Năm 1990, Bộ Văn hóa - Thông tin đã công nhận chùa Hương Tích là di tích văn hóa - thắng cảnh cấp quốc gia. Năm 2003, chùa được trùng tu và đến năm 2006 thì được đại trùng tu.
Trạm soát vé ở lối vào chùa Hương Tích |
Theo thống kê, hàng năm có hàng chục vạn du khách thập phương, phật tử trên cả nước về với chùa Hương Tích. Tính đến ngày mồng 5 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, chùa đã đón khoảng 3 vạn lượt du khách tham quan, vãn cảnh.
Ông Nguyễn Duy Vỵ, Trưởng Ban quản lý Khu di tích chùa Hương Tích cho biết: "Hiện tại tôi đang đi học, tuy nhiên tôi nhớ không nhầm thì việc thu phí vào chùa được thực hiện từ khoảng năm 2011. Việc thu phí này là thực hiện theo Nghị quyết của HĐND tỉnh Hà Tĩnh".
Mỗi ngày có cả ngàn du khách thập phương lên chùa Hương Tích |
Về vấn đề tại sao vé vào chùa do Ban quản lý Khu di tích in nhưng việc phát hành, bán vé thu tiền lại do Công ty Cổ phần đầu tư phát triển và Du lịch Hồng Lĩnh thực hiện, ông Vỵ nói: "Ban quản lý chỉ là một đơn vị quản lý nhà nước thuộc UBND huyện Can Lộc. Nếu tôi là người ngoài thì nói sẽ khách quan hơn, còn hiện tại ban chỉ thực hiện theo quyết định của huyện và tỉnh".
"Việc thu phí vào chùa Hương Tích là thực hiện theo Nghị quyết của HĐND tỉnh. UBND huyện cũng nhận thấy việc thu phí là chưa phù hợp nên đã nhiều lần kiến nghị lên HĐND tỉnh đề nghị xin dừng. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, ngành Tài chính và Văn hóa cho biết không bỏ được vì việc đó thực hiện theo Luật Phí và lệ phí. Còn về việc vé vào chùa do Ban quản lý Khu di tích in nhưng việc phát hành, bán vé thu tiền lại do Công ty Cổ phần đầu tư phát triển và Du lịch Hồng Lĩnh đảm nhận do huyện ủy nhiệm cho đơn vị này thu để tách bạch nhiệm vụ quản lý nhà nước của Ban quản lý, tránh chồng chéo".
Ông Võ Hữu Hào, Chủ tịch UBND huyện Can Lộc
Tác giả: Sỹ Hòa
Nguồn tin: Báo Giao thông