Phóng sự - Ký sự

Hà Tĩnh: Trụ sở ‘đất vàng’ bỏ hoang, vẫn ‘è cổ’ đi thuê

Trong khi nhiều trụ sở cơ quan nhà nước tọa lạc trên những khu đất “vàng” ở TP. Hà Tĩnh bị bỏ hoang, thì một số cơ quan khác lại phải đi thuê trụ sở với chi phí hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Nghịch lý này đã tồn tại nhiều năm qua tại Hà Tĩnh.

>> Hà Tĩnh: Bi hài trụ sở đất vàng’ thành nơi… vệ sinh công cộng 

>> Hà Tĩnh: Hàng loạt trụ sở trên đất vàng hoang lạnh như nhà ma

Hàng trăm triệu đồng thuê trụ sở

Quá trình tìm hiểu những trụ sở cơ quan nhà nước tại trung tâm TP. Hà Tĩnh bị bỏ hoang suốt nhiều năm như trụ sở cũ của tỉnh đoàn, chi cục thuế, chi cục thuế thành phố, trường chuyên, và hiện là Sở NN&PTNT… PV VietNamNet biết thêm việc nhiều cơ quan khác lại phải đi thuê trụ sở, “ngốn” một số tiền không nhỏ từ ngân sách của tỉnh Hà Tĩnh.

trụ sở, đất vàng, thuê, bỏ hoang, Hà Tĩnh
Trong khi hàng loạt trụ sở cũ của các cơ quan nhà nước ở Hà Tĩnh bị bỏ hoang suốt nhiều năm.

Có thể kể tới như trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Hà Tĩnh hay ban quản lý dự án (BQLDA) thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang rồi trung tâm phát triển quỹ đất – Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh (mượn 1 phần trụ sở cũ của VKSND tỉnh Hà Tĩnh)…

Ông Nguyễn Bá Đức, Phó GĐ Sở NN&PTNT Hà Tĩnh kiêm trưởng BQLDA thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang cho hay, trụ sở đơn vị ở số 20 Nguyễn Đổng Chi (TP Hà Tĩnh) là thuê của tư nhân từ cách đây khoảng 2 năm với chi phí 25 triệu/tháng. Số tiền thuê trụ sở trích từ chi phí QLDA.

Như vậy, trong 2 năm mà BQLDA thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang tiêu tốn khoảng 600 triệu tiền thuê trụ sở.

trụ sở, đất vàng, thuê, bỏ hoang, Hà Tĩnh
Thì một số cơ quan khác lại phải đi thuê trụ sở với số tiền hàng trăm triệu đồng mỗi năm. (Ảnh chụp tại trụ sở BQLDA thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang số 20 Nguyễn Đổng Chi (TP Hà Tĩnh) thuê của người dân).

“Hồi trước đơn vị có ý xin tỉnh về làm việc tại trụ sở cũ của trường chuyên Hà Tĩnh cùng với một số cơ quan khác nữa. Lúc đầu tỉnh đồng ý, tuy nhiên, sau đó có quy hoạch khu vực trường chuyên thành trung tâm thương mại nên tỉnh dừng lại. Vì thế phải thuê nhà dân để hoạt động”, ông Đức chia sẻ.

Tương tự, trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Hà Tĩnh cũng phải thuê trụ sở của cty Chè (166 đường Hà Huy Tập) với chi phí khoảng 300 triệu đồng/năm.

Trong thời gian 3 năm thuê trụ sở hoạt động, cơ quan này cũng mất gần 1 tỷ đồng. Trước đó, lãnh đạo cơ quan cũng từng xin tỉnh dời về trụ sở Cục thuế làm việc nhưng không được chấp thuận.

Bỏ hoang đến bao giờ?

Nhếch nhác, bẩn thỉu, thậm chí thành nơi vệ sinh công cộng là những gì thấy được tại các trụ sở các cơ quan nhà nước đã bị bỏ hoang lâu nay tại TP. Hà Tĩnh.

Trong khi đó, theo lãnh đạo sở tài chính Hà Tĩnh, dù bàn giao cho tỉnh nhưng khi chưa tìn được đối tác mua đất thì những cơ quan này vẫn phải bảo quản, dọn dẹp khuôn viên trụ sở cũ.

Thế nhưng, từ khi chuyển ra trụ sở mới khang trang, các cơ quan cũng “quên” nhiệm vụ bảo vệ cơ sở vật chất tại cơ sở cũ.

Đơn cử như trụ sở cũ trường chuyên Hà Tĩnh (đường Đặng Dung) có diện tích chừng 7.000 m2 trong suốt 4 năm bỏ hoang, người dân sống xung quanh đã lấn chiếm phần hàng rào rồi làm nơi nuôi gà, nuôi vịt. Rồi trụ sở cũ cục thuế Hà Tĩnh cũng thành nơi đậu xe, nhà kho, nơi phóng uế công cộng.

Ông Trương Quang Long, chi cục trưởng chi cục thuế TP Hà Tĩnh cho biết, việc xây trụ sở mới nằm trong chủ trương bộ hiện đại hóa ngành của bộ. Kinh phí cũng do bộ tài chính lo.

trụ sở, đất vàng, thuê, bỏ hoang, Hà Tĩnh
Hay trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Hà Tĩnh cũng phải đi thuê trụ sở của cty chè 3 năm nay.

“Tỉnh chưa tìm được người mua nên trụ sở cũ vẫn do đơn vị đảm nhiệm. Hiện có thuê một người bảo vệ nhưng làm ca đêm, bởi không có tài sản trong trụ sở”, ông Long nói.

Trao đổi về vấn đề, ông Trần Anh Quân, trưởng phòng quản lý giá – công sản (Sở Tài chính Hà Tĩnh) xác nhận việc một số cơ quan phải đi thuê trụ sở làm việc với chi phí cả trăm triệu đồng mỗi năm trong khi nhiều trụ sở bỏ hoang nhiều năm.

Thế nhưng, việc để chuyển những cơ quan chưa có nơi làm việc về những khu bỏ hoang là rất khó.

Lý giải vấn đề này, ông Quân thông tin, những khu đất bỏ hoang đã có quy hoạch làm trung tâm thương mại (khu vực trường chuyên Hà Tĩnh, chi cục thuế TP Hà Tĩnh) hay trung tâm hành chính ngân hàng (dọc đường Phan Đình Phùng, nơi có trụ sở cũ tỉnh đoàn, sở NN&PTNT…).

Ví dụ, như khuôn viên trường chuyên Hà Tĩnh, ban đầu tính đưa về đây 10 cơ quan đoàn thể nhưng sau đó nằm trong vùng đất quy hoạch nên thôi.

Hơn nữa khi một cơ quan chuyển về đây thì lại phải duy tu bảo dưỡng, thay đổi kết cấu để phù hợp với công năng mà chi phí lên tới cả chục tỷ đồng thì không biết lấy đâu ra trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay. Lỡ như bỏ cả chục tỷ vào sửa chữa mà lại có nhà đầu tư vào mua thì lại mất trắng số tiền duy tu.

“Dù biết những khu đất đó bỏ hoang cũng lãng phí, tuy nhiên việc sử dụng lại gắn với mục đích sử dụng đất, rất mâu thuẫn”, ông Quân nói.

Khi PV đặt vấn đề việc nếu như không tìm được người mua, thì những khu đất “vàng” đó xử lý ra sao, không lẽ cứ bỏ hoang như vậy thì ông Quân chỉ nói ngắn gọn, sở sẽ có phương án.

Văn Đức – Duy Quang/ VNN

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP