Chúng tôi tìm đến người cựu binh Lê Hữu Thảo (SN 1965, trú xã Hương Thủy, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) khi chỉ còn vài ngày nữa là dịp kỷ niệm 26 năm (14.3.1988) trận hải chiến Gạc Ma bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa.
|
Bức hình anh Thảo chụp bên mẹ của liệt sĩ Hồ Văn Nuôi ở Nghi Lộc (Nghệ An). |
Tiếp chúng tôi trong căn phòng trọ nhỏ bé, chật chội tại xã Thạch Trung, TP. Hà Tĩnh, anh Thảo tự hào kể lại cuộc chiến không cân sức mà các chiến sĩ của ta đã kiên cường, anh dũng chiến đấu hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc.
Lần giở lại những bức ảnh về thân nhân của các liệt sĩ, bạn bè là cựu binh Gạc Ma mà bấy lâu nay anh Thảo dành thời gian đi tìm kiếm, thăm hỏi rồi anh chặc lưỡi “hầu hết họ đều rất khó khăn, nhất là mẹ của liệt sĩ Đậu Xuân Tư ở Nghi Yên, Nghi Lộc (Nghệ An), gia đình liệt sĩ Phan Huy Sơn ở Diễn Châu, (Nghệ An), thân nhân liệt sĩ Lê Đình Thơ ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa…”.
Bản thân anh Thảo sau khi xuất ngũ đã đi XKLĐ ở Đức nhưng rồi thất nghiệp phải về nước. Đến nay anh vẫn chưa có nghề nghiệp gì. Thi thoảng
anh em, bạn bè nhận được công trình gọi đi làm thợ xây, còn không thì ngồi ở nhà vì thất nghiệp.
Tuy vậy, mỗi khi tích góp được ít tiền là anh lại lần theo địa chỉ đi thăm hỏi, tìm lại thân nhân liệt sĩ, bạn bè cựu binh tham gia trận hải chiến Gạc Ma.
“Tôi may mắn được sống sót nên tự trong lương tâm thấy mình phải có trách nhiệm đi thăm hỏi, chia sẻ, động viên thân nhân của các đồng đội đã hy sinh. Tôi cũng muốn gặp lại những đồng đội cũ còn sống để ôn lại những ngày tháng chiến đấu hết mình trong trận chiến ác liệt đó” cựu binh Thảo trải lòng.
Xúc động khi kể về những khó khăn của thân nhân các đồng đội, trong khi bản thân cựu binh Thảo cũng chẳng khá hơn. Hiện anh vẫn phải ở trọ trong một căn phòng khép kín chật chội ở xã Thạch Trung, TP. Hà Tĩnh. Bên trong phòng chẳng có tài sản gì. Không tủ lạnh, không tivi, không bàn uống nước. Mọi vật dụng đều chất lên một chiếc giường nhỏ.
Về cuộc sống riêng, anh có được một bé trai nay đã 14 tuổi. Tuy nhiên, sau đó hai người đã chia tay, đứa bé ở theo mẹ. Dường như gác lại hạnh phúc riêng tư, hằng ngày anh Thảo tìm niềm vui để bận rộn với việc đi khắp Bắc, Nam tìm lại thân nhân đồng đội để tâm sự, sẻ chia.
Ngồi bên anh vào thời điểm này, hàng chục cuộc điện thoại của phóng viên các tờ báo hỏi lấy thông tin, rồi nhiều cuộc điện thoại của thân nhân đồng đội, bạn bè cựu binh khiến anh quá bận rộn.
“Mỗi khi vào dịp kỷ niệm ngày hải chiến Gạc Ma, hình ảnh các đồng đội anh dũng hy sinh, bỏ xương máu lại trên đảo khiến tôi không tài nào chợp mắt. Nhớ đến họ, tôi lại nhớ đến cuộc sống còn nhiều khó khăn và những giọt nước mắt của thân nhân họ mỗi khi tôi tìm đến thăm hỏi, chuyện trò”. Cựu binh Thảo trầm ngâm khi nhìn vào danh sách dài những liệt sĩ trận hải chiến Gạc Ma rồi nói.
(LĐO)