Năm 2013, Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (Mitraco) phê duyệt quyết định và khởi công xây dựng nhà máy chế biến súc sản Mitraco trên diện tích đất 12,5 ha tại phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh theo yêu cầu của UBND tỉnh Hà Tĩnh. Dự án có số vốn đầu tư giai đoạn 1 là hơn 115 tỉ đồng (trong đó vốn ưu đãi + hỗ trợ địa phương 30 tỉ đồng; vốn tự có của chủ đầu tư 29 tỉ đồng; vốn vay ưu đãi 56,9 tỉ đồng). |
Tháng 7/2014, nhà máy khánh thành với hệ thống máy móc, dây chuyền thiết bị nhập từ châu Âu, mục tiêu đạt công suất giết mổ 120 con lợn trong một giờ, dây chuyền giết mổ bò 50 con một ca và chế biến sản phẩm 5 tấn mỗi ngày. |
Nhà máy này chủ yếu làm cơ sở giết mổ gia súc tập trung (chủ yếu là lợn và bò) cho người dân thị xã Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh và một số vùng phụ cận. |
Tuy nhiên, sau bốn năm hoạt động, đến năm 2018 nhà máy hoạt động đình trệ, cầm chừng. Nhiều công nhân xin nghỉ, một số cán bộ được chuyển về công ty mẹ, chỉ cử khoảng 3-5 bảo vệ ở lại trông coi tài sản. |
Ghi nhận của Phóng viên Kinh tế Môi trường, ngày 20/5, tại khu vực nói trên. Hệ thống nhà xưởng đóng kín cửa, xung quanh nhiều vật liệu xây dựng vứt rải rác, một số hạng mục xuống cấp, hư hỏng. |
Tại khu vực lò hơi, nhiều thiết bị bị rỉ sét, cỏ mọc um tùm song không có ai dọn dẹp. |
Người ngoài có thể tự do ra vào khuôn viên nhà máy, một số người còn cho bò vào chăn thả. |
Nhà máy ngừng hoạt động thời gian dài nên việc kiểm tra, giám sát các hệ thống Phòng cháy chữa cháy cũng không được thực hiện. Nhiều van cấp nước bị rỉ sét, xuống cấp nghiêm trọng. |
"Chúng tôi rất tiếc khi một nhà máy được đầu tư bài bản để phát triển địa phương, nhưng lại bị đình trệ, bỏ hoang. Tuy vẫn có người trông coi nhưng không vận hành, nếu không tìm cách tái phát triển thì khu vực này sẽ thành đống sắt vụn", ông Nguyễn Thông, người dân địa phương nói với phóng viên. |
Bà Nguyễn Thị Hà, Phó tổng giám đốc Mitraco cho biết, nguyên nhân dự án đình trệ, thua lỗ do thiếu đầu ra và thị hiếu người tiêu dùng. Người dân vẫn chưa quen với quy trình giết mổ công nghiệp, họ cho rằng gia súc khi giết mổ xong tại nhà máy sẽ bị hao thịt, nên hạn chế đưa vào. |
Theo bà Hà, việc đóng cửa nhà máy khiến lãnh đạo công ty sốt ruột, vì khối tài sản ở đó rất lớn. Song việc ngưng hoạt động là đúng, nhằm giảm lỗ nhiều chi phí và có thời gian tìm kiếm nhà đầu tư để tái khởi động dự án. |
Được biết, Nhà máy chế biến súc sản không phải là dự án đầu tiên kém hiệu quả của Mitraco. Trước đó, năm 2014, doanh nghiệp nhà nước này cũng được UBND tỉnh Hà Tĩnh giao tiếp nhận, xây dựng mô hình trồng rau trên cát ven biển trên diện tích 90 ha ở xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà với kinh phí hơn 30 tỉ đồng. Dự án hoạt động ổn định trong hai năm đầu, sau đó thì đình trệ. Năm 2018, sau thời gian hoạt động cầm chừng, UBND tỉnh Hà Tĩnh quyết định bán lại dự án này cho tập đoàn FLC với giá hơn 8 tỉ đồng. |
Tác giả: Tiến Đạt
Nguồn tin: Tạp chí Kinh tế Môi trường