Nếu khai thác được mỏ sắt này sẽ làm cho cả tỉnh Hà Tĩnh đổi đời. Lời đồn ấy hôm nay đã hoá thành sự thật, khi tất cả dồn sức dồn lực cho cuộc cách mạng dò bụng biển và tìm đúng “rốn sắt”.
Cuộc hành trình gian nan đến mỏSau nhiều lần hẹn trên điện thoại, vào một chiều cuối tháng ba năm Canh Dần, anh Hồ Đức Bình – Giám đốc Công ty cổ phần sắt Thạch Khê – mới sắp xếp được quỹ thời gian để làm việc với tôi.Anh Bình người Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu) từng là một kỹ sư địa chất giỏi lại có tài thao lược công tác tổ chức điều hành khai thác “thâm niên” than ở vùng mỏ Quảng Ninh. Mở đầu câu chuyện, anh bảo: “Tôi vô đây đang còn nhiều thứ vất vả lắm, phải tạm xa gia đình vợ con đã đành, nhưng mọi công việc đều mới mẻ. Làm được nên sắt, nên thép đâu có dễ bởi sắt đang nằm ngủ trong biển lạnh, nếu mình không có trái tim nóng thì làm sao gỡ sắt lên được khỏi mặt nước”.Câu chuyện về sắt Thạch Khê đã loan tin cửa miệng từ lâu, kể cả trên phương tiện thông tin đại chúng. Tin lành cổ xuý cho việc làm thì ai cũng vui, nhưng tin dữ “stop” khiến tất cả đều thất vọng. Cách đây hơn mười năm, một tờ báo lớn đã đưa tin có một tập đoàn nước ngoài định trở thành đối tác lớn của Hà Tĩnh trong khai thác mỏ sắt Thạch Khê, nhưng khi vào thăm dò khảo sát xong rồi bỏ cuộc vì chưa đủ sức để đầu tư. “Cuộc chia tay hoàng hôn” ấy tưởng chừng như sắt Thạch Khê cũng khép lại và giấu kín nỗi buồn.Nhưng niềm đam mê về sắt đối với anh Vũ Kim Cự – Phó Chủ tịch UBND tỉnh – không bao giờ thấy nản. Sau nhiều cuộc hội thảo xung quanh vấn đề sắt Thạch Khê khá sôi nổi và gay gắt, Hà Tĩnh đã lĩnh hội được đầy đủ các ý kiến. Rất nhiều người đồng tình khai thác, nhưng cũng không ít người quan ngại bởi theo họ phân tích thì hàm lượng kẽm trong sắt nhiều, đầu tư cho xây dựng hạ tầng quá lớn. Mỏ quặng lại nằm ở độ sâu lớn.Tai hại nhất là có ý kiến còn đưa ra nếu khai thác sắt thành công cũng khó bán vì thế giới đang trong “cơn khủng hoảng thừa thép”. Mang tinh thần của người con quê hương Anh hùng Phan Đình Giót, anh Cự quyết đeo bám bằng được những người có đủ trí đủ tâm đủ tầm để tìm ra sắt. Không chỉ có Vũ Kim Cự, mà cả tập thể lãnh đạo Hà Tĩnh cũng đồng tâm hợp lực trong cuộc chiến chống đói nghèo “phải làm cho Hà Tĩnh nổi bật lên” bằng một sinh khí mới, sinh khí của màu sắc công nghiệp.Theo sự thăm dò của các nhà khoa học địa chất Nga và Việt Nam từ năm 1967-1971 và đến sự khảo sát rất kỹ lưỡng sau này đều cho một thông số khá khả quan: Trữ lượng 544 triệu tấn quặng, chiếm gần 55% trữ lượng sắt cả nước. Mỏ sắt nằm ở độ sâu – 8 mét đến -750 mét so với mực nước biển, với chiều dài 3,5km, chiều rộng thân quặng 700 mét. Sau những lần các cán bộ cao cấp về thị sát và nghiên cứu thực tiễn tại khu kinh tế cảng biển Vũng Áng và mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh được tìm đối tác và mở rộng cánh cửa đón những “thiên thần trẻ” “tát cạn biển xanh” để đánh thức từng vỉa quặng ngủ sâu đang dưới đáy biển. Trải qua bao cuộc hành trình vất vả mới sinh thành được Công ty cổ phần sắt Thạch Khê nằm trên đại lộ Phan Đình Phùng, thành phố Hà Tĩnh.Trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã cho phép Công ty cổ phần sắt Thạch Khê được thử nghiệm công nghệ. Sau phương án thử nghiệm công nghệ thi công trên nền cát và mỏ sét, mỏ quặng sắt của đơn vị thành công, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tiến hành triển khai việc cho thuê đất sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp. Trên công trường rộn tiếng xeChưa đầy hai năm trở lại bãi biển Thạch Khê, tôi thật sự choáng ngợp trước những gì mắt thấy tai nghe. Những buổi chiều cô liêu buồn tẻ của bãi cát trống trơn không một bóng thuyền chài giờ đã biến đi đâu mất. Biển Thạch Khê – biển của những người thợ mỏ, đâu có dấu chân của người thợ mỏ tới ở đó cao vút lên tiếng hát và hiện lên những con đường. Từ xa, tôi đã nhìn rõ con đường dài lượn vòng dẫn lối vào khu mỏ, mỗi làn đường rộng tới 10 mét với độ đầm nén chắc đảm bảo cho bánh xe lướt êm ru. Đi trong công trường hôm nay nghe rộn rã âm thanh những đoàn xe chở đất, chở cát hối hả.Những người thợ về với mỏ sắt Thạch Khê giống như người lính vào chiến trường, gian khổ và quyết liệt. Thiếu nước sinh hoạt khoan đất tìm nước, không có điện thì tải điện về. Năm nhà thầu được công ty chỉ định đã kịp trình diện đội hình đội ngũ ngay từ những ngày đầu bóc đất tầng phủ gồm: Công ty mỏ than Cọc Sáu – TKV, Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh, Công ty cổ phần than Hà Tu – TKV, Tổng Công ty Khoáng sản – TKV và Công ty cổ phần than Núi Béo. Sau khi “chọn mặt gửi sắt” ở 5 nhà thầu, Công ty cổ phần sắt Thạch Khê đã thành lập Xí nghiệp mỏ TIC, sứ mệnh đầu tiên của họ là cùng với nhà thầu bóc đất tầng phủ với chương trình đã hoạch định đến cuối năm 2010 sẽ bốc dỡ 8 triệu mét khối đất. Xí nghiệp TIC đang ráo riết hoàn tất khu công trình tổng hợp gồm: Khu điều hành, nhà xe, xưởng sửa chữa máy móc phục vụ cho sản xuất.
Bóc đất tầng phủ.Trước sân của đơn vị xí nghiệp TIC, một đống quặng sắt cao lù lù. Anh Hoàng Đại Lợi – Giám đốc – giới thiệu với tôi: “Đây là sản phẩm cũng là kỷ vật ghi nhớ vào lúc 13 giờ 10 phút ngày 21.3.2010 tại lỗ khoan 221 ở độ sâu -8m, mẻ quặng sắt đầu tiên được đưa lên khỏi mặt nước”. Hàng trăm công nhân hôm ấy hò reo như muốn vỡ tung lồng ngực, ôm chầm lấy anh Đinh Văn Dấn – người lái chiếc máy húc số PC800 – đã có duyên may sờ được vào “gáy sắt”.Tôi theo anh Lợi xuống tận lòng moong và xem tận mắt hiện trường tìm ra mẻ quặng thô này. Từ dưới đáy moong sâu nhìn lên bốn phía đâu đâu cũng thấy những lưỡi của máy húc trông như miệng con “khủng long khổng lồ” đang ngoạn mạnh vào đất cát. Lưỡi máy húc quay trái quay phải chưa đầy mươi phút, thùng xe đã đầy ắp đất. Xe nọ đến xe kia đồng hành chuyển bánh.Tổ trưởng lái xe Nguyễn Hải Châu tâm sự: “Hiện nay đơn vị đang giao cho em điều hành hằng ngày 10 chiếc Volvo của hãng Thụy Điển, loại xe chuyên dụng hoạt động tại mỏ trọng tải 39 tấn”.Châu nói tiếp “ Đây là loại xe đắt tiền, mỗi chiếc giá trị gần 8 tỉ đồng. Vì thế, người lái xe lái giỏi chưa đủ mà còn phải rèn đức tính cẩn thận, thường xuyên lau chùi bảo dưỡng để máy khoẻ, vận hành khoẻ “. Mỗi ngày trên công trường sắt Thạch Khê có tới 70 xe “no dầu no mỡ” khai thác và vận chuyển tới hàng ngàn chuyến đất cát, để tạo nên một khối lượng đất đồ sộ hơn 4 triệu mét khối trong thời gian chưa đầy 7 tháng.Khi lòng moong càng xuống sâu nhìn lên bờ cát càng hun hút, kéo dài bờ cát trườn xuống các lòng moong là dây dẫn điện bọc bằng lớp caosu dày, chằng chịt. Được anh Lợi giải thích, tôi hiểu thêm những đường dây này chính là nguồn năng lượng không bao giờ thiếu để cho ba máy bơm hoạt động. Phải thật nghệ thuật trong đi đứng và giao tiếp, tôi mới được anh Vũ Dũng – thợ trực – cho vào xem máy. Đứng trên máy bơm nước, tôi như đứng trên chiếc bè gỗ hình vuông kết lại.Tôi quan sát kỹ từng chi tiết phụ trên thân máy không có gì cầu kỳ, phức tạp cả, nhưng cái vòi kia khi đã thò ra chỉ trong khoảnh khắc đã uống tới hàng chục mét khối nước. Máy bơm hút đến đâu đổ ngay lên xe chở vào hồ chứa nước thải tới đó.Mới một thoáng gặp nhau, anh Dũng đã thân mật kể: “Tôi trước đây làm công nhân ở mỏ than Cọc 6 Quảng Ninh và đã có vài chục năm trong nghề bơm nước. Trực máy bơm nước công việc không nặng nhọc lắm, nhưng phải tuyệt đối nghiêm túc”. Giải mã tiếp bài toán khó về tái định cư Với một trữ lượng sắt dồi dào vào loại bậc nhất Đông Nam Á, khi công việc khai thác đi vào ổn định, mỏ sắt Thạch Khê sẽ cung cấp cho các nhà máy luyện phôi thép trong nước và nước ngoài mỗi năm từ 5 triệu tấn quặng đến 10 triệu tấn quặng. Hà Tĩnh đón chờ sắt ra đời sẽ có một máy luyện thép quy mô và hiện đại ở Khu kinh tế Vũng Áng. Để hành trình tới đích bao nhiêu công việc còn phải làm và đang đợi chờ phía trước. Vùng dân cư tập trung ở khu vực mỏ sắt với diện tích 3.877ha thuộc 6 xã: Thạch Khê, Thạch Đỉnh, Thạch Hải, Thạch Bàn, Thạch Trị và Thạch Lạc với 3.932 gia đình sẽ phải rời làng ra đi để tới một miền quê khác.“Cuộc cách mạng giải phóng mặt bằng để cho dân an cư lạc nghiệp không chỉ là trách nhiệm lớn của những người lãnh đạo Hà Tĩnh, mà là trách nhiệm của toàn xã hội. Để dân tin, phải giải thích cho dân hiểu. Mọi việc làm đều phải minh bạch dân chủ và có lợi cho dân” – đó là lời của đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Thanh Bình trao đổi nhiều lần với những người được giao trọng trách đứng mũi chịu sào này. Cả một bài toán khó cho hôm nay đang buộc phải tìm ra lời giải đúng, cách giải hay. Bài toán về chính sách đền bù diện tích hoa lợi của mỗi gia đình, bài toán về nơi ăn chốn ở mới và việc làm mới, bài toán về môi trường, cảnh quan ở khu mỏ.Giờ G đã điểm, nhịp điệu công nghiệp trên công trường mỏ sắt Thạch Khê đang chuyển động từng giờ từng phút. Cả đội ngũ trùng trùng điệp điệp không thể quay lưng bỏ cuộc với bước chuyễn như vũ bão này. Tôi tin rằng những người dân ra đi hôm nay rất nhiều người sẽ luyến tiếc với bờ ao ruộng lúa, với cả luỹ tre xanh lao xao gió trưa hè, nhưng họ sẽ đủ can đảm đủ nghị lực để vượt qua nỗi nhớ này. Bởi họ ý thức được rằng: “Làng ta di động mới có sắt mình đào”.
Lao Động