Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV đã được ban hành và tổ chức quán triệt đến toàn thể cấp ủy, tổ chức đảng. Đến thời điểm này, các địa phương đang tập trung cao để triển khai các nội dung về văn kiện và nhân sự để chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp. Tại Hà Tĩnh, trên cơ sở hướng dẫn Chỉ thị 35, Hà Tĩnh đang tích cực triển khai các nội dung để chuẩn bị các điều kiện tốt nhất, tiến tới Đại hội Đảng Bộ tỉnh lần thứ 20.
Để hiểu rõ thêm về nội dung này, phóng viên VOV có cuộc trao đổi với ông Hoàng Trung Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh.
PV: Thưa ông, sau Hội nghị quán triệt, Hà Tĩnh đã cụ thể hóa, triển khai Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị như thế nào?
Ông Hoàng Trung Dũng: Trên cơ sở hướng dẫn Chỉ thị 35, nội dung đầu tiên Hà Tĩnh tập trung cao chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp. Nội dung này, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ đã rà soát tổng thể cán bộ của các sở, ngành, cán bộ của các địa phương để sắp xếp, bố trí, từng bước chuẩn bị một bộ máy cán bộ đảm đương được tốt các nhiệm vụ.
Nội dung thứ hai chúng tôi tập trung rất cao, đó là xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng các cấp. Văn kiện phải đánh giá đúng thực chất, kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhiệm kỳ vừa qua. Từ đó đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới. Điều quan trọng là chỉ ra được những mặt đặt được, tồn tại, hạn chế, những kinh nghiệm, những nguyên nhân.
Chúng tôi tin tưởng rằng, với những cách thức triển khai thì Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2025- 2030 sẽ đạt được những kết quả tốt. Cũng qua Đại hội nhìn nhận lại sau một nhiệm kỳ Ban chấp hành Đảng bộ, Ban chấp hành các cấp đã làm được gì và những việc gì cần tập trung trong thời gian tới.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng |
PV: Những nguyên tắc, phương hướng, yêu cầu đặt ra trong Chỉ thị 35 có vai trò, ý nghĩa như thế nào để Hà Tĩnh chuẩn bị tổ chức Đại hội, thưa ông?
Ông Hoàng Trung Dũng: Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 35 với đầy đủ các nội dung. Trên cơ sở định hướng của Chỉ thị 35, các địa phương căn cứ vào thực tiễn để cụ thể hóa các phần việc liên quan tới địa phương.
Chắc chắn những nội dung Chỉ thị 35 đã định hướng thì địa phương sẽ tập trung triển khai, đó là liên quan tới nhân sự, văn kiện và điều quan trọng là xây dựng được những định hướng cho nhiệm kỳ tới, đáp ứng được yêu cầu để phù hợp với xu thế phát triển của đất nước cũng như của thế giới, khu vực.
PV: Thưa ông, chủ trương "cán bộ không phải là người địa phương" đã được thực hiện trong những nhiệm kỳ qua và Hà Tĩnh đã thực hiện đạt hiệu quả tích cực. Sắp tới, Hà Tĩnh có bước đi như thế nào?
Ông Hoàng Trung Dũng: Một cán bộ ở địa phương, có lợi thế là am hiểu phong tục tập quán, am hiểu về cán bộ. Tuy nhiên, có thể cán bộ đó sẽ thiếu sáng tạo, thiếu những đột phá. Còn đối với những cán bộ ở các địa phương khác, khi được phân công về tại địa phương thì chắc chắn sẽ nỗ lực để ghi dấu ấn trong nhiệm kỳ của mình.
Như vậy, điều đặt ra làm thế nào để chọn lựa được cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và phải luôn tâm huyết với phong trào chung. Cán bộ đó phải phát huy được trí tuệ tập thể và phải am hiểu về tình hình của địa phương. Đặc biệt không có cách nào hơn là cán bộ đó phải lăn lộn, phải trăn trở. Trên cơ sở những định hướng của Trung ương thì Hà Tĩnh đã thực hiện tốt chủ trương và 100% Bí thư huyện ủy hiện nay không phải là người địa phương.
Đối với Chủ tịch và Phó Bí thư, chúng tôi cũng hết sức quan tâm và sắp xếp hài hòa. Tùy điều kiện cụ thể của địa phương để quyết định những vấn đề về cán bộ phù hợp nhất.
PV: Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị lần này đặc biệt chú trọng đến bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, rồi cán bộ kinh qua thực tiễn ở cơ sở.... Đó có phải là những tiêu chuẩn, yêu cầu quan trọng để Hà Tĩnh lựa chọn nhân sự cho nhiệm kỳ khóa tới?
Ông Hoàng Trung Dũng: Bất cứ cán bộ nào, ở lĩnh vực nào, ở địa phương nào phải phát huy được vai trò, trách nhiệm, tạo được những sản phẩm cụ thể. Cán bộ đó phải thực sự tâm huyết, phải vì nhân dân, phải phát huy được trí tuệ tập thể và phải tìm hiểu, căn cứ vào thực tiễn của địa phương để đề ra các nội dung phù hợp. Quá trình đó đòi hỏi công tác cán bộ phải hết sức linh hoạt, năng động.
Chủ trương của Trung ương đưa ra, cấp tỉnh đưa ra những mẫu số chung, nhưng khi thực thi thì đòi hỏi phải năng động, phải linh hoạt, căn cứ vào thực tiễn để đưa ra những giải pháp phù hợp.
PV: Thưa ông cũng cần có cơ chế để "sàng lọc" để không "bỏ sót" người thực sự có đức, có tài?
Ông Hoàng Trung Dũng: Cán bộ nào để làm được việc thì cũng cần phải có đức, có tài. Thời gian qua Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Tổ chức Trung ương đã đưa ra rất nhiều chủ trương để hệ thống chính trị các cấp chọn lựa những cán bộ tâm huyết.
Trên cơ sở những định hướng của Trung ương, Hà Tĩnh có giải pháp và đặc biệt Hà Tĩnh hết sức quan tâm tới siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong cán bộ, công chức, trong chiến sĩ, lực lượng vũ trang. Qua đó cán bộ đã khẳng định được và qua hiệu quả công việc sẽ chọn lựa được những cán bộ đảm đương nhiệm vụ được giao.
PV: Cũng phải kiên quyết không để "lọt" vào cấp ủy khóa mới những người mà bản lĩnh chính trị không vững vàng. Điều này đặt ra yêu cầu như thế nào đối với mỗi cán bộ, đảng viên, thưa ông?
Ông Hoàng Trung Dũng: Những vấn đề này trong Chỉ thị 35 đã nêu rõ. Để thực hiện tốt vấn đề này thì đòi hỏi người cán bộ, công chức, viên chức phải thực hiện tốt các chủ trương; chấp hành nghiêm các chủ trương và thực hiện tốt các quy định, quy chế của địa phương, đơn vị.
Trên cơ sở những định hướng của Trung ương thường xuyên phải rèn giũa và phải luôn ý thức có những đổi mới, sáng tạo, cống hiến; phải phát huy được trí tuệ của tập thể; phát huy cao dân chủ và phải làm thế nào để có nhiều tiếng nói phản biện từ cấp dưới, từ đồng nghiệp để mình biết được những gì cần phát huy và những gì cần phải hoàn thiện.
Tôi tin nếu cán bộ và chịu khó nghe ngóng, cán bộ thường xuyên nỗ lực thì sẽ đưa lại những hiệu quả tốt cho phong trào chung.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Tác giả: Lại Hoa
Nguồn tin: Báo VOV