Thời gian qua, tình hình TNGT liên quan đến đường sắt trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã giảm rõ rệt.
Người tham gia giao thông tại thị trấn Đức Thọ (Hà Tĩnh) đã chấp hành pháp luật giao thông tốt hơn |
Vi phạm và tai nạn đều giảm
15h30, anh Nguyễn Văn Nam, nhân viên trực gác chắn (thuộc ga Yên Trung, huyện Đức Thọ) đứng chốt trực để chuẩn bị đóng barie. Ngay lập tức, dòng phương tiện đang lưu thông nghiêm chỉnh dừng trước barie chờ tàu qua.
“Trước khi tàu đến 3 phút, chúng tôi đóng barie. Trước đây, do ý thức và nhận thức của người dân chưa đúng, nên thường cố vượt chắn barie khi tàu đang tới gần. Nhưng nay họ đã ý thức và chấp hành rất tốt, nhờ đó thời gian gần đây TNGT tại điểm gác này không còn”, anh Nam nói.
Theo quy hoạch, trong thời gian tới, Hà Tĩnh sẽ đầu tư nâng cấp, cải tạo 39 vị trí đường ngang, 91 vị trí đường giao cắt dân sinh còn lại phải đóng để đảm bảo an toàn chạy tàu. |
Ông Nguyễn Văn Lưu (trú tại thị trấn Đức Thọ, Hà Tĩnh) chia sẻ, trước đây tại các điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt đa số là chưa có rào chắn, nay đã được lắp đầy đủ hơn. Các hệ thống biển báo, đèn cảnh báo cũng được lắp bổ sung nên phần nào đã nhắc nhở, cảnh báo người dân khi đi qua các điểm giao cắt. Hơn nữa, được sự tuyên truyền của chính quyền địa phương, Ban ATGT, đơn vị quản lý đường sắt… nên ý thức chấp hành pháp luật trật tự ATGT của người dân được nâng cao.
Ông Hoàng Minh Việt, Phó trưởng ban ATGT tỉnh Hà Tĩnh cho biết, tuyến đường sắt Bắc – Nam đoạn qua tỉnh Hà Tĩnh dài 70,28 km, đi qua 22 xã thuộc ba huyện: Đức Thọ, Vũ Quang và Hương Khê. Trên tuyến có 8 ga tàu (hai ga chính là Yên Trung và Hương Phố); có 130 vị trí giao cắt giữa đường sắt và đường bộ, trong số đó có 27 vị trí được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập đường ngang, còn lại là đường ngang dân sinh tự phát không được cấp phép thành lập.
“Theo thống kê, trong năm 2014 và 7 tháng đầu năm 2015, toàn tuyến đường sắt qua Hà Tĩnh xảy ra 10 vụ TNGT và va chạm giao thông, làm chết hai người, bị thương 8 người. Các vụ tai nạn thiệt hại về người đều xảy ra tại các đường ngang không có người gác. So với năm ngoái, vi phạm và TNGT đều giảm, trật tự ATGT đường sắt có nhiều chuyển biến tích cực”, ông Việt cho hay.
Tăng tuyên truyền, siết kiểm soát
Thiếu tá Bùi Đức Thuận, Phó trưởng phòng CSGT đường bộ – đường sắt, Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, qua phân tích nguyên nhân các vụ TNGT, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ TNGT đường sắt là do ý thức của người đi bộ, của người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ không chấp hành các quy định về ATGT. “Do đó, ngành chức năng xác định, muốn kéo giảm TNGT đường sắt phải làm tốt công tác tuyên truyền đối với người dân nơi có đường sắt đi qua. Mặt khác, lực lượng CSGT cũng thường xuyên ra quân tuần tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm hành lang ATGT đường sắt…”, Thiếu tá Thuận nói.
Ông Lê Quang Vinh, Phó giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt Nghệ Tĩnh chia sẻ, TNGT đường sắt giảm là do thời gian qua, cán bộ, công nhân ngành Đường sắt đã thực hiện tốt hơn công tác đảm bảo ATGT đường sắt. “Đơn vị đã quán triệt cán bộ, công nhân viên thực hiện nghiêm quy định đảm bảo ATGT đường sắt, tăng cường tuyên truyền pháp luật TTATGT cho hành khách từ những băng rôn, khẩu hiệu dưới sân ga đến các tờ rơi, tuyên truyền miệng trực tiếp trên tàu”, ông Vinh cho hay.
Ông Hoàng Minh Việt nhấn mạnh, mặc dù thời gian qua, tình hình TNGT liên quan đến đường sắt đã được kiềm chế, nhưng tháng 7, Ban ATGT tỉnh đã xây dựng kế hoạch tăng cường đảm bảo ATGT đường sắt. Theo đó, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường quản lý Nhà nước về ATGT đường sắt; Tuyên truyền, nhắc nhở người dân các quy tắc an toàn đường sắt thông qua hệ thống loa phát thanh xã, thị trấn; Tổ chức lớp truyền thông chuyên đề; Xây dựng các cụm cổ động, pano áp phích, băng rôn, tờ rơi… Ngoài ra, còn tổ chức bảo vệ hành lang ATGT, phát quang tầm nhìn; bổ sung, thay thế biển báo, vạch dừng, gờ giảm tốc tại các đường ngang giữa đường bộ và đường sắt…
Trần Lộc