Lợi dụng đêm tối để vận chuyển khoáng sản "lậu"
Sau thời gian theo dõi đường dây khai thác trái phép đá bạc (còn gọi là đá thạch anh), từ khu vực khai thác trong núi thuộc địa phận huyện Kỳ Anh, về bãi tập kết tại phường Kỳ Long, thị xã Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh).
Nhóm Phóng viên Kinh tế Môi trường đã ghi nhận, bám theo những chiếc xe đầu kéo (đầu kéo lồng, thùng kín), trong quá trình vận chuyển ra các tỉnh miền Bắc để tiêu thụ.
Cụ thể, sáng 5/3, nhóm Phóng viên nhận được thông tin có 4 xe đầu kéo mang BKS: 37C – 159.86, 37C – 133.96, 37C – 304.11, 37C – 286.77, vào “ăn hàng” tại bãi tập kết đá tại phường Kỳ Long.
Đá bạc được tập kết tại bãi đá thuộc phường Kỳ Long, thị xã Kỳ Anh. (Ảnh: Tiến Đạt) |
Sau 3h bốc hàng, đến 12h30 cùng ngày, những chiếc xe nói trên lần lượt ra khỏi bãi tập kết, di chuyển theo hướng ra Bắc trên quốc lộ 1. Nhóm Phóng viên đã bám theo những chiếc xe nói trên.
Tuy nhiên, mới di chuyển được khoảng 10 km, những chiếc xe này tấp vào một quán cơm ven đường dừng nghỉ. Đến 16h chiều cùng ngày, đoàn xe này nối đuôi nhau tiếp tục hành trình ra Bắc.
Dàn xe chở đá bạc tấp vào quán ăn tại xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, chờ trời tối mới chạy. (Ảnh: Tiến Đạt) |
Điều đáng nói là sau khi di chuyển được chừng 30 km, đoàn xe chở đá bạc lại tiếp tục dừng vào một quán cơm ven quốc lộ tại xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh. Các xe này dừng lại ở đây khá lâu. Nhận thấy có điều bất thường, nhóm Phóng viên bí mật tiếp cận quán cơm này.
Xe tải BKS 37C - 159.86, kéo theo rơ móc 37R - 006.58 chở theo hàng chục tấn đá bạc "vô tư" qua Tổ tuần tra kiểm soát 6.1 vào tối 5/3. (Ảnh: Tiến Đạt) |
Sau 4 tiếng nằm yên, đến 20h tối cùng ngày, những tài xế này cấp tốc lên xe tiếp tục di chuyển ra Bắc. Khi đến địa phận xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, những chiếc xe này bị Đội tuần tra kiểm soát 6.1, Phòng CSGT Công an Hà Tĩnh ra hiệu lệnh dừng xe. Tuy nhiên, sau 5 phút, những chiếc xe này tiếp tục được di chuyển, mà không bị phát hiện, xử lý.
Bỏ chạy khi bị kiểm tra
Sau khi “vô tư” qua chốt của Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh, những chiếc xe chở đầy đá bạc này di chuyển đến địa phận thị trấn Cẩm Xuyên. Nhóm Phóng viên Kinh tế Môi trường đã phối hợp, cung cấp thông tin cho lãnh đạo Công an huyện Cẩm Xuyên để tiến hành kiểm tra.
Khi những chiếc xe này đến khu vực thị trấn, lực lượng CSGT và Đội Cảnh sát kinh tế (Công an huyện Cẩm Xuyên) phối hợp dừng phương tiện để kiểm tra. Khi CSGT ra hiệu lệnh dừng xe, bất ngờ tài xế xe tải mang BKS 37C – 304.11, 37C – 159.86 tăng ga bỏ chạy, khiến lực lượng chức năng phải truy đuổi. Xe tải mang BKS 304.11 bị dừng ngay sau đó, còn xe tải 37C – 159.86 bị Đội CSGT phía Bắc dừng tại huyện Can Lộc.
Xe tải chở đầy đá bạc bỏ chạy khi bị CSGT ra hiệu lệnh dừng xe. (Ảnh: Tiến Đạt) |
Trong quá trình xử lý, lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn, tài xế không chấp hành kiểm tra. Sau 2 giờ, những chiếc xe nói trên được đưa về trụ sở Công an huyện Cẩm Xuyên để làm việc. Tại đây, hàng trăm tấn đá bạc đã được xay nhỏ thành phẩm được chất đầy trên thùng xe.
Qua khai nhận ban đầu của tài xế, lô hàng này được vận chuyển ra huyện Ba Vì, TP.Hà Nội để tiêu thụ.
Đoàn xe tải chở đá bạc được đưa về trụ sở Công an huyện Cẩm Xuyên. (Ảnh: Tiến Đạt) |
Sáng 7/3, trao đổi với PV Kinh tế Môi trường, Thượng tá Phan Ngọc Tố, Trưởng Công an huyện Cẩm Xuyên cho biết, sau khi tạm giữ phương tiện, đơn vị sẽ kiểm tra, xác minh nguồn gốc xuất xứ của lô hàng hóa nói trên. Nếu quá thẩm quyền của huyện thì đơn vị sẽ bàn giao cho Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường xử lý.
“Quan điểm của công an huyện là xử lý nghiêm theo quy định pháp luật”, Thượng tá Tố nói.
Qua kiểm tra, những chiếc xe tải này chở đá bạc, tài xế không xuất trình được hóa đơn chứng từ. (Ảnh: Tiến Đạt) |
Trước đó, trao đổi với Tạp chí Kinh tế Môi trường, ông Hoàng Trường, Chủ tịch UBND xã Kỳ Lạc xác nhận những vị trí khai thác đá bạc mà PV phản ánh đều chưa được cấp phép. "Tôi sẽ cho anh em kiểm tra", vị Chủ tịch xã nói.
Ông Nguyễn Tiến Hùng, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, những vị trí mà Phóng viên Kinh tế Môi trường phản ánh trên địa bàn chưa có mỏ nào được cấp phép khai thác đá bạc, đơn vị cũng đã có chỉ đạo theo dõi, xử lý những trường hợp vi phạm.
Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có loạt bài thông tin về hoạt động khai thác đá bạc trái phép khiến nhiều ngọn đồi bị “xẻ thịt”, hồ đập bị ảnh hưởng trong thời gian dài, cho thấy những đối tượng này bất chấp pháp luật. Vậy trách nhiệm của các cơ quan chức năng địa phương ở đâu trong vụ việc này?
Tạp chí Kinh tế Môi trường tiếp tục thông tin.
Tác giả: Tiến Đạt
Nguồn tin: Tạp chí Kinh tế Môi trường