Đồi núi bị "xẻ thịt"
Cuối tháng 12/2020, nhóm Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường nhận được thông tin từ người dân, cánh tài xế và về việc có một nhóm người đưa máy móc, thiết bị vào núi thuộc địa phận huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, khai thác đá rầm rộ, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.
Sau nhiều tháng tìm hiểu thông tin, đi thực tế địa bàn, nhóm Phóng viên Kinh tế Môi trường phát hiện một đường dây khai thác, vận chuyển trái phép đá bạc (còn gọi là đá thạch anh), hoạt động rầm rộ, cách thức tinh vi trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Nhiều ngọn đồi bị "xẻ thịt", hồ đập bị xâm lấn nghiêm trọng, ảnh hưởng đến môi trường.
Một trong 3 ngọn đồi bị xẻ thịt để khai thác Đá Bạc trái phép tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh do phóng viên ghi nhận lại vào sáng 4/3. (Ảnh: Tiến Đạt) |
Từ những thông tin thu thập được, chúng tôi đã xác định được có 3 điểm khai thác đá trái phép nằm sâu trong núi thuộc xã Lâm Hợp, xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh và phường Kỳ Liên, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Hàng trăm khối đá bạc được hàng chục công nhân, sử dụng máy móc khai thác cả ngày lẫn đêm, bất chấp pháp luật.
Nguồn tin của phóng viên cho hay, những công nhân này được một đầu nậu tại thị xã Kỳ Anh thuê khai thác, trả công theo khối lượng đá thu được sau khi đưa về bãi tập kết. Đáng nói, khu vực khai thác đá nằm sâu trong núi, địa hình hiểm trở, bảo vệ túc trực 24/24h, khiến cho việc tiếp cận của chúng tôi gặp nhiều khó khăn.
Máy móc, thiết bị được các "khoáng tặc" đưa vào sâu trong núi để khai thác đá bạc. (Ảnh: Tiến Đạt) |
Sau khi tiếp cận được vị trí khai thác, chúng tôi bất ngờ chứng kiến cảnh hàng trăm hecta đồi núi bị xẻ thịt, cây cối bị đốn hạ để bới móc những tảng đá bạc nằm trong núi, công nhân dùng máy xúc để khai thác. Trong quá trình tác nghiệp, chúng tôi còn ghi nhận được cảnh công nhân dùng máy khoan tay để khoan vào núi.
Diễn ra trong thời gian dài
Theo một số người dân đia phương, tình trạng khai thác trái phép đá bạc đã diễn ra trong thời gian dài, từ khoảng đầu năm 2020. Việc khai thác rầm rộ, cho thấy những đối tượng này đã bất chấp quy định của pháp luật về việc nghiêm cấm khai thác khoảng sản trái phép.
Nghiêm trọng hơn, ngoài khai thác đá bạc khiến các đồi núi bị "xẻ thịt", những “khoáng tặc” này còn khai thác đá ngay tại đập dâng Lạc Tiến, nơi có dự án đập tích trữ nước để phục vụ Khu kinh tế Vũng Áng. Việc khai thác này dẫn đến nguy cơ làm thay đổi dòng chảy, mất an toàn cho dự án.
Hoạt động khai thác khoáng sản trái phép diễn ra cả ngày lẫn đêm, bất chấp pháp luật. (Ảnh: Tiến Đạt) |
Ông N.K.T (trú tại xã Lâm Hợp, huyện Kỳ Anh) cho hay, nhóm người khai thác đá này chủ yếu là người địa phương. Việc khai thác diễn ra từ giữa năm 2020 đến nay, nhưng không có cơ quan nào xử lý.
Đá Bạc được khai thác trên các ngọn đồi, rồi vận chuyển về bãi tập kết đi tiêu thụ. (Ảnh: Tiến Đạt) |
Trao đổi với Tạp chí Kinh tế Môi trường, ông Hoàng Trường, Chủ tịch UBND xã Kỳ Lạc xác nhận những vị trí khai thác đá bạc mà PV phản ánh đều chưa được cấp phép. "Tôi sẽ cho anh em kiểm tra", vị Chủ tịch xã nói.
Theo tìm hiểu của NPV, đá bạc là 1 loại khoáng sản quý, hiện có giá trị lớn trên thị trường. Tại Hà Tĩnh, chưa có bất cứ doanh nghiệp, đơn vị nào được cấp quyền khai thác loại đá này.
Việc khai thác trái phép diễn ra trong thời gian dài, cách thức hoạt động tinh vi nhằm ăn cắp tài nguyên khoáng sản quốc gia, hủy hoại hệ sinh thái môi trường. Song, những “khoáng tặc” này vẫn tồn tại, bất chấp pháp luật?
Xử lý nghiêm hành vi khai thác khoáng sản trái phép Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 38/CT-TTg về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo lực lượng Cảnh sát đường thủy, Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường thuộc Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan, chính quyền các cấp ngăn chặn hiệu quả và xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi khai thác khoáng sản trái phép, vận chuyển và kinh doanh khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp, đặc biệt là khoáng sản cát, sỏi lòng sông trên địa bàn. Nghiêm cấm lợi dụng việc nạo vét, khơi thông luồng để khai thác cát, khai thác khoáng sản trái phép. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; lợi dụng việc nạo vét, khơi thông luồng để khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn. |
Tạp chí Kinh tế Môi trường tiếp tục thông tin.
Kỳ 2: Ai đứng sau đường dây khai thác trái phép đá bạc?
Tác giả: Tiến Đạt - Nguyễn Kiên
Nguồn tin: kinhtemoitruong.vn