Cần Giúp Đỡ

Hà Tĩnh: Nước mắt người dân trước thông tin cá bị nhiễm độc

Hàng triệu người dân sống bằng nghề đánh bắt và buôn bán hải sản tại Hà Tĩnh điêu đứng, gạt nước mắt trước thông tin cá bị nhiễm độc tại Khu kinh tế Vũng Áng.

Khác với mọi khi, từ sáng sớm khu vực bán hải sản tại chợ trung tâm TP.Hà Tĩnh vắng lặng. Khách qua lại thưa thớt, cá, mực, tôm, cua… không ai ngó tới, kể cả các hàng bán hải sản nước ngọt cũng không có khách mua. Đã một tuần nay, các sạp bán của chị em luôn vắng lặng, sáng dọn hàng ra, tối lại dọn hàng vào không bán được dù chỉ một con. Khuôn mặt ai nấy buồn bã, lo lắng bởi đã hơn một tuần nay 5, 6 miệng ăn cả gia đình trông chờ vào thu nhập từ những con cá nay không còn nữa họ chưa biết nhìn vào đâu.

hatinh

Bà Dương Thị Tương, tiểu thương tại chợ Hà Tĩnh 

Bà Dương Thị Tương, tiểu thương tại chợ Hà Tĩnh chia sẻ: “cả tuần nay chị em chúng tôi chỉ biết ngồi khóc thôi, giờ chỉ mong chính quyền địa phương, các Bộ, ngành sớm tìm ra cách giải quyết chứ tiếp tục kéo dài như thế này người dân chúng tôi chỉ có đường cùng mà thôi”.

Trước tin đồn cá bị nhiễm độc, chết hàng loạt tại vùng biển Hà Tĩnh người dân hết sức hoang mang, họ mong chờ ở các cơ quan chức năng, các nhà khoa học những giải thích xác đáng vừa an lòng dân vừa cứu sống những bà con lâu nay sinh sống dựa vào biển và nguồn thu từ biển. Nhìn các chị, các mẹ gạt nước mắt đổ bỏ những mớ cá còn tươi chúng tôi không khỏi chạnh lòng, trên vai những người phụ nữ ấy còn gánh nặng cơm, áo, gạo tiền và bao vất vả, lo toan…

Không bán được đem nướng nhưng số cá này cũng đành đổ bỏ

Bà Lê Thị Hiển, tiểu thương bán hải sản tại chợ Vườn Ươm, Hà Tĩnh đau xót: “Bà bán cá sông ở chợ đây đã mấy chục năm nhưng cả tuần nay vì thông tin cá chết vì nhiễm độc bà có bán được con chi “mô”, đúng là chết đói thật, hôm qua tới giờ ra về mà hai hàng nước mắt cô chú ạ, cá mua dưới sông giờ người dân họ cũng nói cả biển, không ai ăn cả”.

Bà Lê Thị Hiển, tiểu thương bán hải sản tại chợ Vườn Ươm, Hà Tĩnh 

Không chỉ những tiểu thương kiếm kế sinh nhai bằng nghề buôn bán hải sản điêu đứng mà những ngư dân bao năm bám biển sinh sống nay cũng lao đao trước thông tin trên. Chồng vươn khơi tìm cá, tìm mực mang về cho vợ mang ra chợ kiếm tiền nuôi sống gia đình, nay có cá, có mực cũng không ai dùng nữa!, chị Nguyễn Thị Quý, trú tại Thạch Kim, Lộc Hà, Hà Tĩnh kể với chúng tôi mà mắt còn ngân ngấn nước: “Chồng chị đi biển làm ra cá, mực, bám vào biển để kiếm kế sinh nhai, giờ chồng làm ra vợ mang lên chợ bán mà không tài chi bán nổi hơn 3 ngày trời rồi. Ra đi biển thứ tiền dầu, thứ tiền đá, thứ tiền ăn, lên chợ thứ tiền thuế, thứ tiền chợ, tiền xe… chồng đi làm về đau xót lắm”.

Chị Quý đau xót chia sẻ với PV

Không ai biết còn bao lâu nữa các cơ quan chức năng mới tìm ra câu trả lời, nhưng chắc chắn từ giờ cho đến lúc đó hàng trăm, hàng vạn người dân mất đi kế sinh nhai phải lâm vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn không lối thoát.

Những bữa cơm vắng bóng các món từ biển

Chợ trung tâm, Chợ huyện, chợ xã trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đâu đâu tiểu thương bán cá cũng phải khóc ròng vì hàng ế ấm. Bà Lương Thị Duyệt, tiểu thương tại chợ Kỳ Anh, Hà Tĩnh chia sẻ với PV:“Bà năm nay đã 70 tuổi nhưng lần đầu tiên gặp phải hoàn cảnh như thế này, một ngày chưa làm gì đã mất 45.000 đồng tiền thuế giờ cá tôm không bán được, tiếc hàng cố bám trụ nhưng hôm qua đến giờ bà chưa bán được con nào, rất mong các cấp các ngành giúp đỡ người dân chúng tôi có kế sinh nhai, ngư dân bám biển kiếm con cua con cá về nuôi gia đình”.

Bà Lương Thị Duyệt cố gắng bám trụ lại chợ bán cá nhưng không thể bán được

Những nhà hàng kinh doanh ăn uống cũng không thoát khỏi ảnh hưởng của sự việc. Từ những thông tin đầu tiên về vụ cá chết ven biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế trên bữa cơm gia đình từ nghèo đến giàu nay vắng bóng các món ăn từ biển. Các nhà hàng kinh doanh cũng một phen lao đao,

chia sẻ: “Vụ việc cá chết hàng loạt ảnh hưởng rất lớn đến người dân đặc biệt là những người kinh doanh ăn uống như chúng tôi, các món ăn từ biển khách không dùng nữa, hoạt động kinh doanh khó khăn hơn, nhiều lúc không biết nấu gì phục vụ khách hàng nữa”.

Chị Nguyễn Thị Oanh, chủ cửa hàng ăn uống tại chợ Kỳ Anh

Hàng vạn người dân mưu sinh bằng nghề đi biển khốn đốn, người buôn bán hải sản chỉ biết gạt nước mắt, hơn bao giờ hết họ rất cần những kết luận xác đáng, đính chính những hoang mang trong dư luận của cơ quan chức năng, các nhà khoa học. Thêm một ngày là thêm những giọt nước mắt, lo lắng, xót xa!

Hải Đăng -Thiên Phú/VTOTO

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP