Kiềng của làng Phú Thượng sản xuất không chỉ phục vụ cho nhân dân trong khu vực mà còn được cung cấp cho nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước. Nghề đan kiềng truyền thống đã làm cho người dân Phú Thượng trở nên sung túc, no ấm.
(Video phóng sự Báo Hà Tĩnh điện tử)
Vào dịp cuối năm, đến làng Phú Thượng, nhà nào cũng tụm năm, tụm ba ngồi đan kiềng. Theo nhiều người lớn tuổi ở trong làng thì từ khi sinh ra, dân làng đã có nghề đan kiềng.
Kiềng làm ra để đựng các loại xoong, nồi, chảo, ấm, đặc biệt là nồi đất…, vừa bảo vệ được các vật dụng không bị vỡ, hư hỏng, móp méo mà còn xách, mang dễ dàng, sạch sẽ. Hiện nay, ở làng Phú Thượng không chỉ ông già, bà lão mà các bậc trung niên, trẻ em cũng đều đan được kiềng.
Ông Phan Đáo năm nay đã ngoài 86 tuổi nhưng với những đường bẻ (đan) vẫn còn rất điêu luyện, gọn gàng, trong chốc lát ông đã đan xong một chiếc kiềng. Ông Đáo cho biết: “Nghề đan Kiềng ở đây đã có từ rất lâu. Trong nhà tui ai cũng biết và đan thành thạo các loại kiềng”.
Mỗi chiếc kiềng có giá từ 2.000 đồng đến 25.000 đồng tùy theo loại to, nhỏ. Người nào chăm chỉ thì mỗi ngày cũng có thể thu nhập đan kiềng từ 50.000 đến 100.000 đồng. Nhiều gia đình hàng tháng thu nhập từ đan kiềng hàng chục triệu đồng.
Làng Phú Thượng có 120 hộ, với trên 500 nhân khẩu, người dân nơi đây chủ yếu sản xuất nông nghiệp và làm nghề đan kiềng.
Trước đây, người dân đan kiềng chở xuống chợ Vực (Cẩm Duệ) chợ Cẩm Xuyên hay đưa ra chợ tỉnh bán. Bây giờ, sản phẩm làm ra có người từ các nơi đưa xe ôtô về tận nhà thu gom và đưa đi tiêu thụ khắp mọi nơi. Đời sống nhân dân ngày càng khởi sắc, đường làng ngõ xóm đã được bêtông hóa.
Nhiều gia đình làm nghề đan kiềng có kinh tế giàu như: Nguyễn Minh, Hà Nhuần, Phan Xuân, Bùi Luân, Hà Lý…
Để giữ gìn và phát huy truyền thống làng nghề, cấp ủy Đảng, chính quyền xã Cẩm Duệ đã có Nghị quyết phát triển làng nghề làm kiềng Phú Thượng, động viên và hỗ trợ người dân không ngừng sản xuất, giữ gìn nghề truyền thống làm kiềng./.