Kinh tế

Hà Tĩnh: Niềm vui của người lao động nơi cảng biển

Đã hơn một năm sau sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung, đến nay, tàu thuyền tại các cảng biển Hà Tĩnh đã tấp nập ra khơi, nhiều hoạt động nhộn nhịp trở lại, niềm vui của người lao động theo đó cũng tăng lên.

Nhộn nhịp nơi cảng cá Cửa Sót, Lộc Hà, Hà Tĩnh.

Niềm vui nơi cảng biển

Bình minh đến với các cảng biển tại Hà Tĩnh, từng tia nắng đầu tiên chiếu trên mặt biển lấp lánh, mặt biển rộng bao la với những thuyền bè chen chúc neo đậu san sát.

Chúng tôi được chứng kiến những con thuyền chở đầy các loại thủy, hải sản của ngư dân sau những đêm quăng chài, kéo lưới lao động miệt mài, vất vả đổi lại là tiếng còi tàu, tiếng nói tiếng cười, tiếng gọi ồn ào náo nhiệt nơi bến cảng, là ánh mắt rạng ngời của chủ thuyền, người làm công sau những đêm thức trắng.

Sao lại những tấm lưới sau một đêm đánh bắt gần bờ, anh Nguyễn Xuân Cường một ngư dân chuyên đánh bắt gần bờ tại cảng biển Cửa Sót, huyện Lộc Hà cho biết: “Lâu nay do sự cố môi trường nên không có ai đánh bắt, nên bây giờ biển đã hồi sinh, tôm cá nhiều vì vậy mỗi đêm đánh bắt gần bờ cũng cho thu nhập rất khá từ 3 đến 4 triệu đồng. Chính việc đánh bắt gần bờ nên những sản phẩm đánh bắt được rất tươi ngon nên khi vào bờ là được các thương lái thu mua hết…”.

Niềm vui của anh Nguyễn Xuân Cường một ngư dân chuyên đánh bắt gần bờ tại cảng biển Cửa Sót.

Hòa chung với niềm vui của các chủ tàu trúng lớn các vựa thủy hải sản thì những người làm công tại các bến cảng cũng không thua kém. Có công việc thường xuyên, đưa lại thu nhập hằng ngày nên niềm vui không tả xiết trên khuôn mặt của những người làm công tại đây.

Bà Vương Thị Thanh, một người dân tại xã Thạch Kim (Lộc Hà), vui mừng: “Sau một thời gian dài tàu thuyền không ra khơi, đồng nghĩa với việc chúng tôi không có việc làm, cho nên không có thu nhập cuộc sống rất khó khăn. Nay thuyền bè đánh bắt lại tấp nập vào ra với những mẻ hải sản tôm, cua, cá, mực, công việc lại bắt đầu nhộn nhịp cho những người làm công tại bến cảng như chúng tôi. Có thu nhập, ai cũng vui mừng, mỗi buổi sáng từ 4h -7h sáng làm việc nhặt, phân loại, đóng bao… bì các thủy hải sản có thu nhập từ 250 -350 ngàn/1 người… ”.

Ngoài những niềm vui của các chủ thuyền, người làm công thì những người làm hậu cần nghề cá nơi cảng biển như bán đá lạnh, nhu yếu phẩm, đan lưới… cũng có thu nhập có thu nhập cao.

Chị Nguyễn Thị Hồng, tại Cửa Nhượng (Cẩm Xuyên) chia sẻ: “Hiện nay, tàu thuyền đã tấp nập ra khơi, vì vậy nhu cầu cung cấp ngư cụ như lưới, chài là rất lớn, cho nên nghề đan, vá lưới của chúng tôi cũng đưa lại thu nhập cao. Vì thế trang trải, chi tiêu trong gia đình cũng bớt khó khăn, đời sống gia đình được nâng cao… ”.

Bà Vương Thị Thanh, một người làm công viếc phân loại, bốc xếp thủy hải sản cho các chủ tàu tại cảng Cửa Sót vui mừng vì một buổi lao động đưa lại thu nhập cao.

Tạo mọi điều kiện, chính sách ưu đãi về nghề biển

Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, tổng sản lượng thủy sản (8 tháng đầu năm 2017) ước đạt trên 26.607 tấn, tăng 18,9% so với cùng kỳ 2016. Trong đó, tổng sản lượng khai thác ước đạt trên 19.110 tấn (đạt 58% KH năm) tăng 26,05% so với cùng kỳ năm 2016. Sản lượng nuôi trồng, đã thu 7.497 tấn sản phẩm nuôi trồng thuỷ sản các loại (đạt 54% KH năm), tăng 3,85% so với cùng kỳ 2016. Trong đó: nuôi ngọt đạt 3.779 tấn, sản lượng nuôi mặn lợ đạt 3.718 tấn, sản lượng nuôi tôm đạt 2.031 tấn...

“Niềm vui trở lại sau sự cố môi trường biển vừa qua là một tín hiệu vui cho bà con ngư dân. Ngoài việc giải quyết việc làm, thu nhập hàng ngày cho các lao động thì các chủ tàu đánh bắt thủy hải sản cũng có thêm kinh phí sửa chửa, đóng mới tàu thuyền, mua sắm thêm các ngư cụ ra khơi bám biển.

Ngoài niềm vui đó thì ngành hậu cần nghề biển cũng đang hoạt động trở lại nhộn nhịp hơn như các ngành đóng thuyền, đan lưới, các nhà hàng nhà hàng buôn bán tại bến cảng cũng nhộn nhịp trở lại…” - ông Bùi Tuấn Sơn – Giám đốc các Cảng cá Hà Tĩnh chia sẻ.

Cùng với niềm vui của bà con ngư dân, hiện tại UBND tỉnh Hà Tĩnh và UBND các huyện đang tạo mọi điều kiện, và có các chính sách ưu đãi về nghề biển và dịch vụ hậu cần nghề biển cho các xã, thị trấn ven biển.

Đây sẽ là cơ sở và niềm tin để nghề khai thác, chế biến hải sản phát triển nhằm tạo việc làm tăng thu nhập cho bà con ngư dân gắn với xây dựng nông thôn mới và bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.

Tác giả: Đặng Sơn - Việt Hòa

Nguồn tin: Báo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP