Hương Khê

Hà Tĩnh: Nhiều ‘uẩn khúc’ đằng sau vụ án náo loạn… chốn pháp đình

Bị cáo một mực kêu oan và khẳng định mình không phạm tôi. Điều lạ lùng, quá trình điều tra, truy tố, xét xử, xuất hiện nhiều mâu thuẫn, các nhân chứng mới không được tòa xem xét.

  >> Hà Tĩnh: Náo loạn chốn pháp đình vì bản án thiếu công tâm?

Vừa qua, TAND huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hình sự liên quan đến vụ án “Vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ”, khiến 1 nạn nhân tử vong.

Tại phiên tòa, bị cáo Đinh Thiện (trú tại xóm 9, xã Hương Đô, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) bị Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyến phạt 42 tháng tù giam. Tuy nhiên, trong suốt quá trình xét xử bị cáo một mực kêu oan và khẳng định mình vô tội.

Căn cứ buộc tội thiếu thuyết phục

Theo cáo trạng, vào chiều ngày 2/9/2015, ông Đinh Thiện (không có giấy phép lái xe) điều khiển xe mô tô BKS: 38N – 4586 chở ông Cao Hồng Tuyên đi từ nhà hàng Thủy Triều ở khối 8, thị trấn Hương Khê theo đường Trần Phú về xã Hương Đô.

Khi đến đoạn đường Hà Huy Tập, thuộc khối 12, thị trấn Hương Khê, do vượt xe không đúng quy định (vượt bên phải) nên đã đâm vào xe mô tô BKS: 38H4 – 5924 do anh Đinh Quốc Mỹ điều khiển đi cùng chiều phía trước, khiến 2 xe mô tô ngã xuống đường. Hậu quả, ông Tuyên bị đập đầu xuống đường chết tại chỗ, ông Đinh Quốc Mỹ bị thương nhẹ.

Nhiều ‘uẩn khúc’ đằng sau vụ án náo loạn... chốn pháp đình - Ảnh 1

Toàn cảnh phiên tòa ngày 18/7/2016, xét xử bị cáo Đinh Thiện.

Sau khi nghe cáo trạng luận tội của đại diện VKS, trong suốt quá trình xét xử, bị cáo Đình Thiện một mực kêu oan và khẳng định không phải là người điều khiển xe gây tai nạn, mà chỉ ngồi sau xe nạn nhân.

Luật sư Phan Văn Chiều (VP luật sư An Phát – Hà Tĩnh) tham gia bào chữa cho bị cáo tại phiên tòa cho rằng, cơ quan điều tra chỉ căn cứ vào lời khai của 2 nhân chứng (mâu thuẫn với nhau – PV) và công văn trả lời kết quả giám định của phòng kỹ thuật hình sự công an tỉnh để buộc tội ông Thiện là thiếu thuyết phục và không khách quan.

Cụ thể, trong lời khai của 2 nhân chứng có sự bất nhất và mâu thuẫn.

Tại bút lục 81 – biên bản ghi lời khai của nhân chứng Nguyễn Văn Hòa (2/9/2015): “Tôi đứng bên đường, khi tai nạn xảy ra, tôi đứng cách hiện trường 30m”.

Tuy nhiên, theo bút lục 85 (ngày 12/4/2016), ông Hòa lại khai đứng trước tiệm cắt tóc chị Thiện, tai nạn xảy ra trước mắt và không thấy ai chứng kiến nữa. Tại phiên tòa, ông Hòa khai nhận là nạn nhân Tuyên mặc áo màu sọc vàng. Tuy nhiên trước đó, ông nói nạn nhân mặc áo trắng cộc tay.

Nhân chứng Lê Ngọc Thắng (một trong 3 nhân chứng có mặt tại phiên tòa theo đề nghị của gia đình bị cáo) cho rằng, lúc xảy vụ tai nan ông Hòa không trực tiếp chứng kiến vụ việc, mà sau khi tai nạn xảy ra ông mới chạy lại đưa nạn nhân đi cấp cứu.

Tại các bút lục 97, 98, 99 ghi lời khai của nhân chứng Trần Đình Thao ghi: Ông chứng kiến rất rõ vụ tai nạn xảy ra. Tuy nhiên, tại phiên toà, ông Thao lại khai rằng ông chỉ thấy có vụ va quệt giữa 2 xe máy, ông không biết đâm như thế nào ?

Nhiều ‘uẩn khúc’ đằng sau vụ án náo loạn... chốn pháp đình - Ảnh 2

Công văn số 404/PC54 của phòng kỹ thuật hình sự công an tỉnh Hà Tĩnh.

Một căn cứ khác được các cơ quan tố tụng sử dụng để “buộc tội” bị cáo là Công văn số 404/PC54 ngày 2/12/2015 của phòng kỹ thuật hình sự công an tỉnh Hà Tĩnh trả lời quyết định trưng cầu giám định của cơ quan CSĐT công an huyện Hương Khê.

Tuy nhiên, vụ án xảy ra từ 2/9/2015, nhưng phải tới cuối tháng 11/2015, cơ quan điều tra mới trưng cầu giám định 2 chiếc xe trong tai nạn, dẫn đến không làm rõ được cơ chế va chạm giữa 2 xe.

Hơn nữa, trong chính công văn của phòng kỹ thuật hình sự công an tỉnh Hà Tĩnh ghi rằng: “Các dấu vết để lại xe mô tô BKS: 38N5 – 4586 và xe mô tô BKS: 38N4 – 5942 đã cũ (vì để quá lâu) nên phòng Kỹ thuật hình sự chỉ đưa ra nhận định…”.

Các luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo và rất nhiều người dân tham gia phiên tòa đều cho rằng, HĐXX cấp sơ thẩm căn cứ vào những hồ sơ, tài liệu và lời khai mâu thuẫn của các nhân chứng và công văn ‘mơ hồ’ của phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh để buộc tội và tuyên phạt bị cáo Đinh Thiện 42 tháng tù giam là không thuyết phục và có dấu hiệu oan sai.

Để xác minh sự việc, PV đã liên hệ với nhân chứng Lê Ngọc Thắng (một trong những người làm chứng tại tòa), anh Thắng cho biết: “Khi đó hơn 13h chiều, tôi từ quán cắt tóc của chị gái về, vừa ra đến cống thoát nước bên đường thì thấy một người điều khiển chiếc xe Wave rú ga vượt lên và đâm vào xe Dream của 2 người chở nhau di chuyển phía trước. Khi đó, người điều khiển chiếc xe Wave ngã tại chỗ nằm bất tỉnh, còn chiếc xe Dream do 2 người kia điều khiển loạng choạng chạy khoảng 15m rồi đâm sang phía bên trái đường. Xe Dream do người mặc áo trắng cộc tay điều khiến chở theo người mặc bộ quần áo dân quân tự vệ”.

Nhân chứng Đặng Ngọc Lăng cho biết: “Lúc đó, tôi có chở một người phụ nữ đi về xã Hương Đô, khi đến ga Hương Phố, tôi thấy người điều khiển chiếc xe Wave tăng tốc lên thì đâm vào sau chiếc xe Dream đi trước”.

Nhân chứng mới bị gọi bất thường

Những lời khai của 3 nhân chứng mới có mặt tại tòa lại không được HĐXX xem xét, nhưng sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm, ngày 22/7 cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) có giấy mời nhân chứng Lê Ngọc Thắng lên viết tường trình liên quan đến vụ tại nạn giao thông xảy ra ngày 2/9/2015.

Anh Thắng cho biết: “Họ dẫn tôi vào phòng làm việc và viết lại bản tường trình về sự việc. Buổi làm việc kéo dài từ 15h đến 19h30 mới cho tôi về. Ngày hôm sau, tôi lại bị cơ quan điều tra gọi lên làm việc tiếp và viết tường trình thêm một lần nữa”.

Nhân chứng Thắng cho rằng: “Buổi làm việc ngày hôm đó, có sự tham gia của kiểm sát viên Nguyễn Văn Bình (VKSND huyện Hương Khê). Trước đó, tại phiên tòa ngày 18/7, vị đại diện VKS Nguyễn Văn Bình không những không chấp nhận ý kiến của 3 nhân chứng mới, mà còn dùng những ngôn từ khiến phiên tòa trở nên thiếu nghiêm túc: “Quá trình điều tra vụ án không thấy cơ quan điều tra cũng như luật sư bổ sung nhân chứng, tôi không hiểu luật sư tìm ở đâu ra 3 người này”.

Nhiều ‘uẩn khúc’ đằng sau vụ án náo loạn... chốn pháp đình - Ảnh 3

Cơ quan CSĐT Công an huyện Hương Khê gửi giấy mời nhân chứng Lê Ngọc Thắng lên làm việc liên quan đến vụ tai nạn giao thông xảy ra vào ngày 2/9/2015.

Để làm rõ hơn sự mâu thuẫn về lời khai của các nhân chứng tại hồ sơ của CQĐT, PV đã liên hệ với ông Nguyễn Văn Hoa (nhân chứng được cơ quan điều tra thu thập lời khai) thì số máy không tồn tại. PV tìm đến địa điểm trước đó ông này làm việc thì được một số người dân cho biết, sau khi phiên tòa xét xử được mấy ngày, ông Hòa đã bỏ nghề xe ôm và không xuất hiện tại địa bàn nơi xảy ra sự việc.

Luật sư Phan Văn Chiều (VP luật sư An Phát – Hà Tĩnh) cho biết: “Sau khi HĐXX đã tuyên án đối với bị cáo Đinh Thiện mà cơ quan CSĐT Công an huyện Hương Khê vẫn gọi nhân chứng đến làm việc liên quan đến vụ án trên là có dấu hiệu bất thường, không đúng thẩm quyền và trái với quy định của pháp luật”.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Trung tá Hà Hải Long – Phó thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) cho biết: “Liên quan đến vụ tai nạn giao thông xảy ra ngày 2/9/2015, cơ quan điều tra đã tiến hành điều tra một cách đầy đủ, khách quan, triệt để theo đúng quy định của pháp luật.

Trong quá trình điều tra, được VKS phê chuẩn và giám sát. Còn việc mời anh Thắng lên làm việc là chúng tôi cần nắm thêm thông tin để trả lời cho báo chí, trả lời công luận. Việc làm đó cũng rất bình thường, có thể có những việc trong vụ án nhưng có những việc ngoài vụ án”.

Nhiều ‘uẩn khúc’ đằng sau vụ án náo loạn... chốn pháp đình - Ảnh 4

Sau khi HĐXX tuyên án, vợ bị cáo Đinh Thiện gào khóc tại sân tòa.

PV đặt câu hỏi: “Vì sao gần 3 tháng sau khi vụ tai nạn xảy ra, cơ quan điều tra mới trưng cầu giám định? Việc phòng Kỹ thuật hình sự công an tỉnh Hà Tĩnh trả lời quyết định trưng cầu giám định của cơ quan CSĐT công an huyện Hương Khê bằng công văn đã đúng quy định pháp luật hay chưa?”. Trung tá Long nói rằng: “Trưng cầu giám định vào thời gian nào là do yêu cầu của vụ án, các vật chứng đó được CQĐT bảo quản rất đúng quy định pháp luật. Còn họ trả lời bằng cái gì thì đó cũng có giá trị pháp lý. Giám định là việc làm của cơ quan chuyên môn”.

Liên quan đến bản án mà dư luận cho rằng có dấu hiệu oan sai, bà Trịnh Thị Thiện, Chánh án TAND huyện Hương Khê (chủ tọa phiên tòa) cho biết: “Mọi vấn đề đã được đề cập hết trong bản án, tôi không bình luận gì thêm. Nếu tòa cấp sơ thẩm xử oan sai thì có tòa tỉnh sửa, đã có cấp phúc thẩm xem xét lại (?!)”.

Xuân Chinh – Lê Lý

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP