Như đã thông tin, từ ngày 21/11 đến ngày 1/12/2014 Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với Viện khảo cổ học Việt Nam tiến hành đợt khai quật mới tại di chỉ khảo cổ Thạch Lạc (xã Thạch Lạc, huyện Thạch Hà). Đây là di chỉ khảo cổ từng được khai quật nhiều lần với nhiều phát hiện công cụ bằng đá sa thạch, đồ gốm, các đồ trang sức làm bằng gốm và xương, đặc biệt còn tìm thấy bộ hài cốt có niên đại cách ngày nay trên 4.000 năm.
Với mục tiêu tìm kiếm thêm các hiện vật qua đó dựng lại một thời kỳ lịch sử sơ khai của người Việt cổ đợt khai quật này các nhà khảo cổ đã khai quật 5 hố với diện tích mỗi hố 10m2.
Quá trình khai quật các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều hiện vật thuộc loại hình công cụ bằng đá, (như rìu, bàn mài, chày, nghiền), đồ gốm, xương răng động vật như xương đốt bàn chân tê giác, sừng nai, mai rùa, xương lợn rừng, vỏ điệp, hàu. Phần lớn hiện vật phát lộ nằm ở địa tầng văn hóa của các hố khai quật tương đối sâu trên 2m.
Trong số các hiện vật vừa được các nhà khảo cổ học khai quật có nhiều hiện vật lần đầu được phát hiện, đem lại sự ngạc nhiên đối với các nhà khảo cổ. Đáng chú ý nhất trong số này là một số mẫu xương bị đốt cháy đen. Phát hiện này là cơ sở để các nhà khảo cổ trong đoàn khai quật đặt ra, liệu cách đây trên 4000 năm cư dân Thạch Lạc đã biết dùng lửa?
Hiện vật xương bị đốt cháy lần đầu được phát hiện tại di chỉ khảo cổ Thạch Lạc khiến các nhà khảo cổ rất ngạc nhiên
Một vấn đề khác sau một ngôi mộ cổ được phát hiện vào năm 2004, thì đợt khai quật này các nhà khảo cổ không phát hiện được mộ hoặc xương người. Như vậy liệu có phải cư dân Thạch Lạc vừa chon người quá cố tại nơi cư trú lại vừa có khu vực khác như nghĩa địa riêng biệt?
Hiện các nhà nghiên cứu đang tập trung nghiên cứu các hiện vật vừa được phát hiện nêu trên để làm rõ lịch sử, con đường hình thành nền văn hóa Đông Sơn, văn minh Việt cổ.
Văn Dũng – Tiến Hiệp