Văn hoá Dân gian

Hà Tĩnh: Người làm “sống lại” những điệu hát sắc bùa ngày Xuân

Cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, nhiều làng xã tại huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) vẫn đang giữ phong tục cổ truyền hát sắc bùa. Hát sắc bùa với ý nghĩa tống cựu nghinh tân, cầu cho mọi điều trong năm mới được thuận buồm xuôi gió…

Hiện nay, tại nhiều vùng quê tại Kỳ Anh (Hà Tĩnh) vẫn đang giữ phong tục vào đêm Giao thừa chúc Tết nhau bằng những câu hát sắc bùa rất bình dị nhưng khiến người nghe cảm thấy rạo rực, phấn chấn vào những ngày đầu xuân năm mới.

Cụ Hoàng Tùng bên tấm bằng khen của Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh về những đóng góp cho sự bảo tồn và phát huy hát sắc bùa tại địa phương.

Đầu xuân, tìm về thôn Nam Hải, xã Kỳ Hải, một làng quê nằm nép mình bên con sông Trí hiền hòa, thơ mộng và những người dân quê quanh năm lam lũ, thật thà, chất phá​c. Chính ở làng quê này, vẫn đang lưu giữ những câu hát sắc bùa mộc mạc nức tiếng gần xa khiến lòng người say đắm bởi các cụ cao niên trong làng.

Cụ Hoàng Xuân Tùng năm nay đã 82 tuổi, cái tuổi “gần đất xa trời”, thế nhưng, cụ vẫn hàng ngày dày công sưu tầm, sáng tác mới những câu hát và làm sống lại điệu hát sắc bùa của quê hương mình.

Cụ Tùng là một nghệ nhân đã dành trọn cả cuộc đời mình để sưu tầm, sáng tác những câu hát sắc bùa giản dị cho biết: “Sắc bùa là một sản phẩm nghệ thuật dân gian ở dạng truyền miệng, bố cục của mỗi bài hát sắc bùa thường chia thành hai phần: Phần trịch và phần sắc.

Phần trịch là do người cầm trịch lĩnh xướng hát trước, còn phần sắc là do cả phường cùng hát theo. Người cầm trịch bao giờ cũng được xem như là nhạc trưởng của phường hát”.

Phường hát Sắc bùa tại thôn Nam Hải do cụ Hoàng Tùng cầm trịch

Theo cụ Hoàng Tùng, không phải ai cũng đảm đương được vị trí người cầm trịch. Bởi ngoài chất giọng rắn khỏe, thanh thoát, người này còn phải điều phối lúc nào thì nên hát cao lúc nào thì nên trầm xuống. Hiện tại, có rất nhiều người hát được các bài sắc bùa nhưng để cầm trịch cho những người hát phụ họa theo như cụ là cực hiếm.

Thông thường, một đội hát sắc bùa gồm 7 đến 10 thành viên, được gọi phường sắc bùa. Trong phường thường có một ông cầm trịch, một người đánh trống, một người gõ phách, người đánh chiêng những người còn lại có vai trò như hát phụ họa.

Các phường hát sắc bùa thường tập trung tập luyện vào đầu tháng 12 Âm lịch và bắt đầu hát sau đêm Giao thừa cho đến rằm tháng Giêng. Trong đêm 30 Tết, sau khi làm lễ cầu “sắc” tại Đình làng có thờ thần tổ, tổ cô hoặc thờ những người có công với quê hương, đất nước. Vào lúc Giao thừa vừa điểm, phường hát sắc bùa đến chúc phúc cho các gia đình.

Điều làm nên nét đặc biệt của hát sắc bùa ở chỗ, tất cả các thành viên không chỉ hát mà còn chơi các nhạc cụ kèm theo.

Khi đội sắc bùa đến ngõ, người cầm trịch xướng lên: “Đầu xuân năm mới, chúng tôi đến mừng tuổi gia đình. Trên kính lạy tiên tổ, tiên linh phù hộ độ trì cho con cháu được an khang thịnh vượng. Sang năm mới kính chúc gia đình gặp nhiều may mắn. Cầu tài thì đắc tài, cầu bình an thì được bình an.” Các thành viên trong đội họa theo: “Đón Xuân đón Tết. Xóm làng nô nức gia đình thành tâm.”

Trước khi vào nhà, phường hát bao giờ cũng đứng trước cổng hoặc trước cửa gia chủ hát bài “mở ngõ” để báo hiệu cho gia đình. Gia chủ thắp hương xin phép gia tiên rồi mời phường hát vào chúc Tết.

Cụ Hoàng Tùng vui mừng chia sẻ, ngoài việc cầm trịch cho phường hát sắc bùa tại địa phương, ông còn là người sáng tác các bài hát mới ngoài những bài đã có từ trước để hợp với xu thế, ví dụ như: đi hát cho các buổi liên hoan, các sự kiện chính trị trọng đại, cổ vũ cho phong trào xây dựng nông thôn mới, ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ… vừa qua, đoàn có ra Hà Nội biểu diễn và dành được giải Nhì toàn quốc.

“Một tín hiệu đáng mừng là tại xã Kỳ Hải thì hầu như thôn xóm nào cũng có phường hát sắc bùa, từ các cháu thiếu nhi đến các cụ cao niên đều có thể hát.” – Nghệ nhân Hoàng Tùng khoe.

Theo cụ Hoàng Tùng, để gìn giữ và phát huy di sản hát sắc bùa, ngành giáo dục nên đưa đưa hát sắc bùa vào các tiết học ngoại khóa và thường xuyên mời các đội hát sắc bùa biểu diễn thường xuyên trong các dịp lễ hội cho bà con xem.

Cụ Hoàng Tùng say sưa hát điệu sắc bùa ngày xuân:

Hà Vũ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP