Dự án tượng đài Phan Đình Phùng và nghĩa quân được xây dựng tại núi Đồng Voi, thuộc thị trấn Vũ Quang (Hà Tĩnh), cạnh đường mòn Hồ Chí Minh. Nằm trên khu đất rộng 3,8ha dự án được đầu tư hơn 35 tỷ đồng, do UBND huyện Vũ Quang làm chủ đầu tư, công ty CP xây dựng 26/3 là nhà thầu xây lắp các hạng mục (tường lan can, móng tượng, sân đường và bậc cấp, cây xanh thảm cỏ, hệ thống chống sét tượng đài, điện tổng thể). Riêng phần tượng đài Phan Đình Phùng và nghĩa quân Cần Vương do Công ty CP Mỹ thuật và Xây dựng Việt Nam thi công với tổng kinh phí hơn 14 tỷ đồng.
Toàn cảnh công trình tượng đài Phan Đình Phùng và nghĩa sĩ
Đây là công trình văn hóa lịch sử có ý nghĩa tâm linh, thể hiện đạo lý uống nước, nhớ nguồn của nhân dân huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) đối với chí sỹ yêu nước Phan Đình Phùng cùng nghĩa quân đã cống hiến và hi sinh cho độc lập, tự do của tổ quốc.
Tượng gồm lãnh tụ Phan Đình Phùng và 2 nghĩa sỹ Cần Vương cao 15,3 m, chân tượng khắc họa hình ảnh rừng cây cao 8,5m, đều được đục bằng chất liệu đá xanh Thanh Hóa. Công trình còn bao gồm 1 bức phù điêu diện tích 156m2 mô tả lại công tác chuẩn bị và chiến đấu của nghĩa quân trong trận “Sa năng úng thủy”, 10 phiến đá mặt có chạm khắc, 35 khối điêu khắc trang trí và 2 lư hương. Công trình được khởi công từ năm 2009, đến tháng 12 năm 2015 hoàn thành và cuối tháng 01/ 2016 khánh thành. Thế nhưng đến nay chưa đầy 6 tháng kể từ ngày khánh thành nhiều hạng mục do thi công không đảm bảo kỹ thuật dẫn đến bị xuống cấp rất nhanh, gây bức xúc trong dư luận.
Để làm sáng tỏ những bức xúc trong dư luận, PV Trí thức và Phát triển đã có mặt tại công trình tượng đài Phan Đình Phùng và nghĩa quân tại núi Đông Voi thi trấn Vũ Quang, Hà Tĩnh. Tại đây, PV chứng kiến công trình xuất hiện nhiều vết nứt ngang dọc kéo dài ở tường chắn hai bên, nhiều chổ sơn tít bị bong tróc. Đặc biệt lớp vữa da trát của tượng đài cũng đã bị bong tróc, chỉ cần lấy tay cào nhẹ là bong ra cả mảng. Gạch ốp lát bậc cấp bị nứt, sứt mẻ rất nhiều nhưng vẫn được nhà thầu thi công. Nhiều chỗ đã bị tách rời không đảm bảo chất lượng.
Trao đổi với PV, một người dân sống gần khu tượng đài cho biết; “ trong quá trình thi công nghe bảo thiếu vốn, rồi cái này, cái kia …thi công kéo dài 6 đến 7 năm trời mới xong, có thời điểm chỉ có 3 đến 4 lao động làm cho có lệ, có những vị trí thậm chí khi chưa xây xong đã bị nứt nẻ khắp, nói thật với các chú chẳng thà không làm chứ làm thế này có tội lắm, thậm chí làm xong công tác trông coi cũng không ai quan tâm, mâm đĩa đặt lễ vật vứt cả xuống đất, nhìn mà xót xa quá.”
Trao đổi với ông Phan Trọng Cường cán bộ kỹ thuật thay mặt Chủ đầu tư trực tiếp phụ trách vấn đề thi công công trình này được biết: “Các vết nứt có lẽ là do nứt răn lớp tít sơn hoặc do xây tường 33cm (tường quá dày) mà độ dốc địa hình quá lớn”. Vậy câu hỏi đặt ra: Trong công tác thiết kế, thi công yếu tố kỹ thuật đã được áp dụng đúng chưa? hay cứ thiết kế cho đồ sộ, để nâng chi phí lên càng nhiều càng tốt, để cùng nhau trục lợi dự án? Riêng về phần đá lát bậc cấp bị rạn nứt quá nhiều thì ông kỹ thuật này không giải thích được.
Thiết nghĩ với một công trình văn hóa tâm linh thể hiện sự kính trọng của người dân đối với các vị anh hùng dân tộc mà chất lượng như vậy thì trách nhiệm các bên liên quan ở đâu?
Dư luận đặt nghi vấn liệu có sự khuất tất gì giữa các bên trong dự án này không?
Dưới đây là một số hình ảnh PV Trí thức và Phát triển ghi lại từ công trình đang xuống cấp:
Các vệt nứt răn theo đánh giá của cán bộ kỹ thuật ban A huyện Vũ Quang
Một trong các viên đá lát bậc cấp bị bể, nứt nẻ
Sơn tít, lớp vữa áo tường lan can bị bong tróc, kém chất lượng
Sự tắc trách trong công tác quản lý đối với công trình văn hóa tâm linh
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới độc giả về vấn đề này trong các kỳ tiếp theo.
Quang Toản