Bệnh nhân Trương Văn Toản đang được điều trị tại khoa cấp cứu, chống độc (BV đa khoa Hà Tĩnh)
Theo đó, bệnh nhân là anh Trương Văn Toản (SN 1974), trú xóm Nam Tiến, P. Thạch Linh (TP Hà Tĩnh).
Trao đổi với NNVN, anh Toản kể lại: Ngày 27/4 anh nhận làm mái tôn cho gia đình bà Lê Thị Tùng, ở thôn Tuy Hòa, P. Thạch Linh. Khoảng 13h30 gia đình bà Tùng nấu cơm mời anh ăn. Sau khi ăn cá mòn, một miếng cá nục nướng bằng ngón tay và vài miếng rau bầu muối, khoảng 10 phút sau anh có triệu chứng đau đầu, đau bụng đi ngoài.
“Dù đau nhưng tôi vẫn cố làm tiếp, đến khoảng 2h30 bụng lại đau quằn quại, ngôn mửa, đi ngoài. Suốt buổi chiều đến tối ngày 27/4 các triệu chứng trên vẫn tiếp tục xảy ra, đến 23h cùng ngày tôi mệt quá, không chịu được nữa nên người nhà đưa vào bệnh viện”, anh Toản nói.
Anh có nghi ngờ mình bị ngộ độc thức ăn gì không?- PV hỏi. Anh Toản nói: “Lúc đầu bị đau bụng chưa nghi ngờ gì nhưng đến tối về nhà tôi nghĩ là do ăn cá. Vì trong bữa ăn tôi ăn cá nhiều nhất”.
Bác sỹ Nguyễn Xuân Thái, Phó Trưởng khoa cấp cứu – chống độc (BV Đa khoa Hà Tĩnh) cho hay, bệnh nhân Toản nhập viện lúc 24h ngày 27/4. Qua thăm khám chúng tôi nhận định bệnh nhân bị nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn. Ngay sau đó chúng tôi cho điều trị bằng kháng sinh, truyền dịch thải độc, điện giải.
“Nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn là bệnh thường gặp nhưng nay đang ở giai đoạn nhạy cảm nên họ nghĩ do ăn cá. Tuy nhiên, thực tế để xác định được ngộ độc thức ăn có phải do cá hay không thì không thể khẳng định, bởi thức ăn đã ăn hết, không còn lưu lại để lấy mẫu xét nghiệm. Có thể người dân bị ám ảnh về thông tin liên quan đến cá”, bác sỹ Thái nói.
Thanh Nga