Tuỳ bút Quê hương

Hà Tĩnh: Một dải Lam Hồng…

Trong những ngày sục sôi của cuộc kháng chiến trường kỳ chống đế quốc xâm lược, nhạc sĩ Thái Quý đã về thâm nhập thực tế ở Hà Tĩnh.


>> Xem hình ảnh bay trên mây và chạy dưới đất của mãnh đất Hà Tĩnh


Thấm đẫm không khí hào hùng, quyết tâm chiến thắng của quân dân toàn tỉnh, nhạc sĩ đã xúc động viết bài: “Hà Tĩnh trên đường chiến thắng”.

Nhớ nhạc sĩ Thái Quý

Nhạc sỹ Thái Quý. Ký họa: Nguyễn Trọng Tạo

Mở đầu là những hình ảnh thiêng liêng, đầy tự hào: Một dải Lam Hồng núi sông trùng điệp. Rừng vàng với biển bạc, dào dạt trời thơ. Ai về Hà Tĩnh quê ta, nghe câu đò đưa ví dặm, sóng nước dòng La xô mạn thuyền. Từ Hồng Lĩnh đến Đèo Ngang, từ biển Đông đến dãy Trường Sơn, Hà Tĩnh dâng cao trào chống Mỹ, câu hò chiến thắng vang dội núi sông… Dường như nhạc sĩ Thái Quý đã tiếp nhận được dòng chảy của lịch sử trong mỗi nốt nhạc để dựng lên một chân dung Hà Tĩnh bất khuất trong giai đoạn hào hùng của những năm 60, 70 thế kỷ XX.


Là những người con sinh ra trên dải đất giông bão nhọc nhằn nhưng thấm đẫm tình yêu thương, lớn lên trong ngọt ngào lời ca, điệu ví, bên những giọt mồ hôi mặn chát của người cha khi lên rừng vỡ hoang hay xuống biển quăng chài và giọt nước mắt của người mẹ khi mùa màng bị lũ cuốn, lúc cánh đồng cháy khô cuống rạ, ta càng thấm thía ơn mẹ cha, ơn quê hương, ơn tổ tiên, ông bà và thêm tự hào về sông núi quê ta. Suốt một dải Lam Hồng ấy, có thời kỳ nào mà ông cha ta không phải đem máu và mồ hôi, sức lực và trí tuệ để giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng, cho ngày sau cây cối đâm chồi nảy lộc, hoa trái sum suê.


Dường như lịch sử đã giao cho dải đất thiêng này trọng trách “phên dậu”, bảo vệ giang sơn Đại Việt khỏi sự xâm nhập của ngoại bang từ biển Đông và từ phương Nam. Chính vì vậy, trong suốt một thời kỳ dài của lịch sử, vùng đất từ Bến Thủy đến Đèo Ngang đã được coi là vùng biên trấn. Năm tháng nối nhau trôi đi, hết thế kỷ này sang thế kỷ khác, Hà Tĩnh trở thành “địa linh”. Có lẽ ít có nơi nào hội tụ đầy đủ khí thiêng sông núi như nơi này. Theo các sử gia, đây là đất cổ Việt Thường xưa. Qua khỏi cầu Bến Thủy là trập trùng dãy Ngàn Hống chạy men theo dòng Lam, kéo dài qua TX Hồng Lĩnh đến tận huyện Can Lộc. Tương truyền, núi Hồng Lĩnh có 99 ngọn, là nơi chim Hồng cất cánh, nơi có Hương Tích tự ẩn mình trong sương mờ với câu chuyện công chúa Ba con vua Trang Vương hóa thành Phật Bà Quan Âm tu hành trong hang đá. Thế núi hình sông đã tạo nên một vùng “nhân kiệt”. Dòng Lam xanh trong đổ về Cửa Hội – Nghi Xuân đã góp phần nuôi dưỡng nên những dòng họ văn chương khoa bảng với tên tuổi Đại thi hào Nguyễn Du; nhà thơ, dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ; thầy địa lý Tả Ao…

Một dải Lam Hồng

Dãy Giăng Màn ở phía Tây hội tụ, chưng cất dòng nước mát lành của núi non đổ xuống Ngàn Sâu xanh ngắt. Núi Đại Hàm của vùng đất núi thơm (Hương Sơn) vòng theo dãy Thiên Nhẫn ở phía Bắc đổ về dòng Ngàn Phố thơ mộng trữ tình. Hai dòng sông của 2 miền đất thiêng hợp lại thành La Giang ở Tam Soa (cũng có người gọi là Tam Sa, nghĩa là 3 dải lụa). La Giang ôm ấp vỗ về núi Tùng Lĩnh (rú Thông). Trên núi có đền thờ công thần Đinh Lễ (tướng quân thời Lê) rất linh thiêng nên có tên là đền Linh Cảm (núi và cầu từ đó cũng có tên là Linh Cảm). Núi và sông hợp thành biểu tượng và là niềm tự hào của quê hương Đức Thọ. Nơi ấy giờ đây là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của người con sông La – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Trần Phú với lời dặn còn âm vang sông núi: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu!”. Nơi ấy giờ đây mở ra một vùng đất trù phú, xanh tươi, trên bến dưới thuyền tấp nập. Làng Tùng Ảnh, Đông Thái, Trung Lễ, Yên Hồ… không chỉ nổi tiếng khoa bảng xưa mà còn là những miền quê đi đầu trong công cuộc đổi mới hôm nay.


Trong trập trùng núi rừng Vũ Quang, lịch sử còn dấu tích cuộc khởi nghĩa Hương Khê. Nơi thâm sơn cùng cốc ngày ấy, nay sừng sững tượng đài người anh hùng Phan Đình Phùng và một thị trấn Vũ Quang đường bệ nằm ở ngã ba đường Hồ Chí Minh bừng sáng một góc núi rừng miền Tây Hà Tĩnh. Nơi ấy, công trình thủy lợi Ngàn Trươi đang đi vào giai đoạn nước rút để mang về mùa vàng ấm no trên những cánh đồng.


Suốt một dải Lam Hồng, có nơi nào không cho ta niềm xúc động rưng rưng! Vùng đất Hoa Xuyên xưa được tách ra từ huyện Hà Hoa thời vua Minh Mạng, nay là huyện Cẩm Xuyên. Vùng đất này không chỉ nổi tiếng với hình ảnh “ngọn đèn làng học” Cẩm Bình được cả nước biết đến trong những năm tháng chiến tranh mà ngày nay còn là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của Tổng Bí thư Hà Huy Tập; nơi có hồ Kẻ Gỗ ghi dấu mồ hôi, công sức của hàng vạn người dân Nghệ Tĩnh quyết tâm “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa”, đem nước về cho những cánh đồng no ấm, nơi có biển Thiên Cầm xanh mát, vẫy gọi du khách những mùa hè nóng bỏng.


“Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà…”. Câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan thế kỷ XIX khi kinh lý theo chồng qua đây chứa chất nỗi niềm u ẩn của một “mảnh tình riêng” giữa không gian rộng lớn, phong cảnh hùng vĩ nhưng cô tịch và buồn tẻ. Tấm lòng trĩu nặng với nước non của Bà Huyện xứ kinh kỳ khi nhìn cảnh “Lom khom dưới núi tiều vài chú/ Lác đác bên sông chợ mấy nhà” thật đáng trân trọng! Giá Bà Huyện – thi sĩ Nguyễn Thị Hinh biết được rằng, 2 thế kỷ sau, Kỳ Anh, mảnh đất cực nam Hà Tĩnh với Hoành Sơn Quan, Đèo Ngang thuở nào đã trở thành cửa ngõ sôi động của người và xe ra vào hầm đường bộ, về khu kinh tế Vũng Áng, theo QL 12 lên các xã vùng thượng và sang Lào… thì chắc bà sẽ vơi đi nỗi niềm “nhớ nước, đau lòng” mà hòa mình cùng không gian tươi đẹp của “trời, non, nước” nơi đây.


Núi và sông cùng biển cả đã tạo cho dải đất này vẻ đẹp và địa thế vững vàng. Nếu coi dãy Trường Sơn phía Tây là điểm tựa sau lưng thì biển Đông phía trước như cánh cửa của ngôi nhà lớn mở ra bao tiềm năng và khát vọng. 137 km bờ biển trải dài từ Cửa Hội đến Vũng Áng, Sơn Dương đã mang lại cơ hội lớn cho tỉnh nhà. Khai thác tiềm năng, thế mạnh của biển và cảng biển, 1,3 triệu dân Hà Tĩnh không phải lo nhiều đến những thất bát giêng hai, những mùa lũ cánh đồng đang chín rộ chìm trong biển nước, những ngày nắng hạn, đất nẻ chân chim. Rồi những thế hệ cháu con hôm nay và mai sau sẽ biết thêm một Hà Tĩnh không chỉ chiến thắng ngoại xâm mà còn chiến thắng cả đói nghèo và lạc hậu, biết đem cái khí chất Xô-viết của những người nông dân Can Lộc, Thạch Hà, đem khí thế của những Làng K130, Đồng Lộc, sông Phủ, núi Nài, Linh Cảm, Địa Lợi… vào trong nghĩ suy và hành động, biến mục tiêu CNH-HĐH quê hương trở thành hiện thực.


Một dải Lam Hồng núi sông trùng điệp. Hết chiến tranh đau thương, Hà Tĩnh quê mình lại vang lên điệu hò, câu ví, lại “dào dạt trời thơ”. Đất nhạc, đất thơ, đất anh hùng và văn hóa từng lắng đọng trong lòng người dân cả nước và bạn bè năm châu nay lại thêm một dấu ấn mới: đổi mới, đi lên không cam chịu đói nghèo.


Yêu sao một dải Lam Hồng!


Bùi Minh Huệ

Báo Hà Tĩnh

  Từ khóa: Sông La , Núi Hồng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP