Sơ sài, tạm bợ
Những năm qua, dù huyện Hương Khê đã được ngành điện cố gắng đầu tư, cải tạo lưới điện khu vực nông thôn nhưng vẫn còn không ít điểm mất an toàn. Không chỉ các xã vùng sâu vùng xa mà các xã nằm ngay trung tâm cũng rất dễ dàng bắt gặp hình ảnh về sự xuống cấp của hệ thống lưới điện nông thôn.
Đặc biệt là đường dây sau công tơ, đa số dùng loại dây đơn, nơi dây kép, có hộ lại dùng dây cáp vặn xoắn, mỗi nhà mỗi kiểu nhưng có điểm chung là đều được mắc chằng chịt, chồng chéo lên nhau. Nhiều đường dây điện chui trong bụi cây, ven đường thậm chí nằm ngay trên mái nhà, bờ ao. Còn hệ thống cột điện được làm bằng nhiều loại vật liệu thô sơ như cây tre, gỗ… trong đó có nhiều cột đã mục nát, xiêu vẹo, chắp nối.
Anh Nguyễn Văn Luật ở thôn 8 xã Hương Thủy, huyện Hương Khê cho biết: “Mặc dù nhà tôi ở gần trung tâm xã nhưng phải tự mua dây kéo điện về nhà. Đầu tư hơn 20 triệu đồng mua 450m dây trần kéo điện băng qua đồng, biết là rất nguy hiểm, nơm nớp lo bị điện giật nhưng không kéo điện thì sinh hoạt gặp khó khăn, con cái không học hành được.
Hiện mạng lưới điện tại xã Hương Thủy chưa được bàn giao cho ngành điện mà do HTX dịch vụ điện quản lý, vì vậy không được đầu tư, sau mỗi trận lũ dây điện đứt phải tự sửa chữa rất tốn kém. Chưa hết, khi HTX dịch vụ điện quản lý thì người dân phải mua điện giá cao qua khâu trung gian trên 1.600 đồng/kW”.
Ông Phạm Lương Trung – Giám đốc Điện lực huyện Hương Khê thừa nhận: Thực trạng lưới điện nông thôn ở Hương Khê đang hết sức nan giải, là huyện miền núi đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, đa số dây điện sau công tơ của người dân chủ yếu là dây trần không đảm bảo an toàn. Cũng theo ông Trung, ngoài việc các cấp chính quyền vào cuộc chưa quyết liệt cũng có sự phối hợp chưa chặt chẽ của ngành điện và các địa phương.
Nhiều tai nạn thương tâm
Theo thống kê của Điện lực huyện Hương Khê, từ 2010 lại nay liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn do điện giật gây thiệt hại về người và tài sản. Điển hình như ngày 10.9.2012, đường dây điện vào nhà của ông Trần Hoàng Nga ở xã Hương Long quá thấp lại dùng dây trần nên anh Trần Sơn – người cùng xã mang sào đi kích cá chạm vào bị điện giật chết.
Theo Điện lực Hương Khê, đến nay Điện lực Hương Khê mới tiếp nhận quản lý 19/22 xã phường. Còn 3 xã Lộc Yên, Hương Thủy và Hương Lâm đang được các HTX dịch vụ điện quản lý, vì vậy theo lộ trình vào khoảng quý 3 năm 2014 sẽ tiếp nhận hết để phục vụ người dân được tốt hơn. |
Trước đó, vào ngày 11.6.2010, đường dây sau công tơ của anh Lê Xuân Tính ở thôn 3, Hương Bình được kéo qua cột gỗ, mục nát, gãy đổ, một cháu bé người cùng xã đi chăn trâu qua vướng phải bị điện giật chết.
Theo ông Phạm Lương Trung, nguyên nhân do hệ thống lưới điện nông thôn được xây dựng từ lâu nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Mặc dù từ năm 2008 lại nay dự án điện REII được triển khai ở nhiều xã trên địa bàn huyện, nhưng các xã được đầu tư dự án REII mới chỉ phổ cập mạng lưới điện khoảng 60% hộ dân còn lại dân tự đóng góp xây dựng, không được sửa chữa thay thế nên lưới điện không đảm bảo kỹ thuật, tiềm ẩn tai nạn.
Cũng theo ông Trung, mới đây chính ông đã 2 lần phải ra tòa phân xử trước việc đường dây điện sau công tơ của hộ ông Nguyễn Văn Cường ở xã Phương Điền bị đứt, giật chết trâu của ông Bá Bá Liễu ở cùng xã.
Hữu Anh/Danviet.vn