Khúc gỗ “vứt đi” được trả giá gần 4 tỷ đồng
Dù được một số cán bộ tại xã Phúc Trạch và một cán bộ công an tại huyện Hương Khê xác nhận về vụ việc, tuy nhiên, phải qua rất nhiều mối quan hệ, PV mới tiếp cận được những người nằm trong thương vụ ly kỳ nói trên.
Theo đó, do có một chút hiểu biết về cây dó trầm nên thỉnh thoảng anh Trần Văn N. (công tác tại Công ty cao su Hà Tĩnh) đi buôn cây này kiếm thêm thu nhập.
Khoảng đầu năm 2014, anh N. có qua xóm 9 (cùng xã) thấy cây dó trầm đẹp nên hỏi mua với giá gần 20 triệu đồng. Thấy được giá nên chủ nhân cây gỗ đã đồng ý bán. Sau khi thỏa thuận xong giá cả, anh N. cắt lấy phần thân cây đưa về.
Qua nhiều lần khách đến xem, anh N. ra giá khúc gỗ trầm với giá 45 triệu đồng nhưng không ai mua vì cho rằng anh N. đòi giá quá cao.
Lỡ bỏ hàng chục triệu mua cây dó rồi, anh N. tiếc của ngược xuôi vào tận Quảng Bình nhờ một thương lái bán hộ để gỡ gạc lại vốn. Sau một thời gian “lưu lạc” tại Quảng Bình không tiêu thụ được, khúc gỗ lại được trả lại cho anh N.
Sau khi nghe một số người nói lí do thân gỗ dó không bán được là do dưới gốc có vấn đề nên anh N. cắt một đoạn vứt đi. Quả đúng như vậy, sau khi anh cắt vứt đi một đoạn gốc ở phía dưới thì có người đến mua phần còn lại với giá 45 triệu đồng.
Bán được như mong muốn, anh N. không ngó ngàng gì tới phần gốc đã cắt bỏ, vứt lăn lóc sau hiên nhà.
Hơn một năm sau, vào đầu tháng 12/2015, anh Nguyễn Văn L., một người bạn trong giới buôn cây dó trầm của anh N. đến nhà anh N. chơi. Sau một cuộc nhậu tại nhà người bạn, anh L. loạng choạng đi vệ sinh phía sau nhà và vô tình đá phải khúc gỗ mục nằm lăn lóc ấy.
Là một người khá hiểu biết về dó trầm nên anh L. phát hiện ngay khúc gỗ còn giá trị, liền hỏi mua với giá 800 ngàn đồng. Anh N. từ chối bán vì cho rằng số tiền đó chưa đủ một bữa nhậu. Anh L. bèn nâng giá lên gấp đôi, 1,6 triệu đồng, và ngay lập tức được anh N. gật đầu đồng ý. Anh N. cho rằng khúc gỗ đó chỉ là thứ vứt đi chẳng còn giá trị, hơn một năm qua nếu có một trận lũ thì nó cũng đã trôi từ lâu.
Sau khi mang khúc gỗ về, anh L. bóc hết phần gỗ mục đi và không tin vào mắt mình khi phần trong của khúc gỗ là trầm cô cứng (loại trầm đã kết cứng như đá, cực hiếm và rất được săn lùng).
Anh L. liền bấm máy gọi cho anh T. “con” ở xã Hương Long, một thương lái sành sỏi về nghề dó trầm ở Hương Khê để bán khúc gỗ trên. Anh T. “con” đến xem hàng, nghe anh L. ra giá 45 triệu đồng, lập tức gật đầu.
Sau khi đưa món hàng về nhà, anh T. “con” gọi cho thương lái ở Hà Nội vào để bán. Không ai có thể ngờ rằng phần đóng cứng trong khúc gỗ mục vứt đi ấy là trầm đá được anh T. “con” ra giá cho khách 5 tỷ đồng.
Theo tiết lộ của một người thân của anh T., sau khi xem hàng, thương gia đến từ Hà Nội đã trả giá gần 4 tỷ đồng và anh T. chưa đồng ý bán.
Đi mót cũng kiếm cả trăm triệu
Nghe được thông tin trên, anh N. là chủ nhân đầu tiên, cũng là người đã vứt lăn lóc “khúc gỗ tiền tỉ” đó tiếc đứt ruột. Nghĩ rằng phần rễ nằm dưới đất vẫn còn giá trị nên anh N. đã rủ một số thanh niên trong xóm tìm đến gốc cây mà anh đã mua cách đây hơn 1 năm để đào mót những gì sót lại.
Sau khi biết thông tin khúc gỗ chứa trầm đá giá trị, nhóm của anh N đã tìm đến vị trí gỗ cây dó trầm để đào bới, mót rễ sót lại (ảnh do nhân vật cung cấp).
Theo xác nhận của anh N. với phóng viên, chỉ tính riêng phần rễ sót lại mà nhóm của anh gom được trong cuộc đào mót nói trên đã bán được với giá 80 triệu đồng.
Tiến Hiệp – Hà Phương