Địa Chí Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Làng chằm “áo giáp lá” độc nhất

Khi công nghệ ngày càng hiện đại, những chất liệu như nilon, polime hay chất liệu nhựa siêu bền được đưa vào sử dụng thay thế những chất liệu như lá, gỗ truyền thống từ trước đến nay. 

Thế nhưng chiếc “áo giáp lá” thô sơ của người dân xóm Yên Lạc, xã Quang Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh được sử dụng tránh nắng, che mưa vẫn được người dân ưu tiên lựa chọn trong những mùa hè gay gắt hay những cơn mưa rào bất chợt của miền Trung.
Những chiếc áo tơi làm bằng lá do chính người nông dân sáng tạo để che mưa, che nắng khi chưa có sản phẩm áo chống nắng, áo mưa. Nguyên liệu chủ yếu là lá tơi, dây mây. Lá được xếp thành từng tầng, để tránh bị thấm nước, nắng.
Để có vật liệu làm áo tơi, người dân phải đi vào rừng sâu lấy. Sau khi lá được lấy về cho vào sấy, rồi đem đi phơi sương, sáng ra lại phơi nắng. Nắng càng to, màu lá càng đẹp và khi chằm sẽ đều màu áo.
 Muốn chằm được một chiếc áo tơi đẹp, bền yêu cầu người làm phải tỉ mỉ từng mũi kim một. Qúa trình chằm phải biết sắp xếp lá, chằm đều tay.
Càng phơi được no nắng, áo tơi càng chắc.
Để tránh những ngày nắng cháy da thịt của miền Trung chiếc áo tơi là bạn đồng hành không thể thiếu của người dân nơi đây.
Làng Yên Lạc có 140 hộ dân, có tới 75 hộ làm nghề chằm áo tơi. Một người thợ lành nghề, một ngày có thể chằm được 8-10 chiếc áo tơi. 
 Lá tơi được sắp xếp thành từng lớp, trong quá trình xếp phải chú ý xen kẽ giữa các lá, xếp làm sao cho cân xứng không bị chỗ quá nhiều lá, chỗ quá ít dẫn đến nắng có thể chiếu vào người và mưa bị thấm.
 

 Khoảng cách giữa các mũi kim phải đều. Những người chằm áo tơi thường là những người nông dân tận dụng thời gian rảnh rỗi lúc chưa thu hoạch mùa để kiếm thêm thu nhập. Mỗi chiếc áo tơi có giá bán từ 55 – 75 nghìn đồng một áo.

 Cha truyền con nối là hình thức giữ nghề của làng. Các mẹ thường dạy từ công đoạn đơn giản nhất cho đến công đoạn phức tạp là chằm. Khi hỏi người dân chằm tơi ở đây có bao nhiêu năm rồi cả làng chỉ trả lời câu: sinh ra đã có nghề chằm tơi rồi. Cứ đến tháng 3 âm lịch là cả làng rộ vụ chằm tơi.
 Theo chị An (38 tuổi) chia sẻ: “Từ bé đã thấy các bà, các mẹ chằm tơi, rồi chúng tôi cũng học từ đó. Công đoạn đơn giản nhất là vuốt lá sao cho thẳng. Trong quá trình vuốt lá  chính là để phân loại lá lớn, lá bé. Những lá nào sâu, hỏng có thể loại ra”.

 Một trong những công đoạn không thể thiếu là làm dây cho áo. Dây áo phải chắc thì khi gió lớn không bị bay hay đứt
 Dây mây được phơi khô, vuốt thành từng sợi nhỏ như sợi lạt để chằm vào áo. Nếu chằm bằng dây mây tươi thì chiếc áo tơi sẽ không chắc, nhanh bị mục và những lớp áo sẽ bị bong ra.

Ngô Chuyên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP