Chị Trần Thị Ngọc cùng chồng vượt cả trăm km từ thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) vào Hà Tĩnh để săn cào cào. |
Bí kíp săn “tôm bay”
Tờ mờ sáng, vợ chồng anh Nguyễn Văn Cầu đã có mặt tại các đồng ruộng tại Hà Tĩnh, sửa soạn đồ nghề để săn cào cào. Dụng cụ hành nghề của vợ chồng anh chỉ đơn giản là những cuộn tấm lưới đan dày có khổ rộng 2 - 4m, 1 chiếc vợt sâu lòng có cán dài và ít bình nước đem theo dọc đường.
Cùng đi với vợ chồng anh còn có 6 - 7 người cũng vượt hơn 100km từ thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) vào các vùng quê Hà Tĩnh bắt cào cào. Theo anh Cầu, do quãng đường xa, địa bàn rộng nên từ 2 giờ sáng cả đoàn đã bắt đầu lên đường.
“Khi vào đến Hà Tĩnh, đoàn chúng tôi bắt đầu chia ra nhiều hướng để săn bắt. Thường một nhóm khoảng 3 - 4 xe máy, như hôm nay vợ chồng tôi bắt ở vùng TP Hà Tĩnh và huyện Lộc Hà, có nhóm thì lên Đức Thọ hoặc ghé qua Nghi Xuân”, anh Cầu cho hay.
Săn cào cào được dân trong nghề như anh Cầu gọi vui là bắt “tôm bay” trên cạn. Khu vực hoạt động của họ thường là ở khu vực nông thôn tại Hà Tĩnh và Nghệ An.
Gắn bó với nghề đã 8 năm, chị Trần Thị Ngọc (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) cho biết, săn “tôm bay” không khó, quan trọng là phải biết quan sát và rõ tập tính của loài côn trùng này.
“Loài này không chỉ xuất hiện vào những tháng mùa gặt mà các tháng khác cũng xuất hiện rất đông. Mùa gặt thì trên ruộng lúa, đến khi lúa gặt xong thì các ruộng cỏ cũng nhiều không kém. Nhất là sau những trận mưa như thời điểm này, chỉ cần phất nhẹ vợt là thấy cào cào nhảy lạo xạo”, chị Ngọc bật mí.
Đúng như lời chị Ngọc, chị vừa lùa nhẹ chiếc vợt trên đám đất trống đã thấy từng đám cào cào bật nhảy tanh tách nhằm thoát thân. Nhưng chỉ một loáng sau, những con cào cào “sa bẫy” đã lúc nhúc nằm gọn ở phía trong vợt.
Mùa săn cào cào bắt đầu từ tháng 2 và kéo dài đến khoảng tháng 10 Âm lịch. Theo cánh “thợ săn”, vào tháng 2 - 5 âm lịch, cào cào đang trong giai đoạn sinh trưởng, kích cỡ nhỏ hơn. Dù giá thành không cao nhưng bù lại số lượng khá lớn, loại này thường dùng để làm thức ăn cho chim. Còn từ tháng 5 - 10 Âm lịch, cào cào bắt đầu trưởng thành, con nào cũng béo múp. Vì vậy, giá thành cũng nhỉnh hơn.
Có nhiều cách để săn “tôm bay”, nhưng cách phổ biến nhất là vẫn dùng vợt hoặc dựng khung lưới. Theo đó, chiếc lưới sẽ được dựng thành hình khung dài, tiếp đến 2 người cầm 2 đầu dây thừng vừa đi vừa lùa “tôm bay” về hướng khung lưới. Sau khi tới nơi, họ nhanh chóng gập lưới lại và đổ cào cào vào bao.
“Chúng tôi thường dùng khung lưới ở những ruộng đã bỏ hoang, còn ruộng lúa đang có người canh tác thì chủ yếu dùng vợt. Mà bước xuống cũng cẩn thận tránh làm hỏng lúa nhà người ta”, anh Cầu cho biết.
Thu nhập ổn định từ nghề thời vụ
Không chỉ là thức ăn cho chim, cào cào còn trở thành đặc sản được nhiều người ưa thích. |
Sau một hồi khom người xem thấy túi lưới đã nặng, những người thợ săn bắt đầu tung vợt lên, tụm lại rồi trút những con cào cào vừa “sa bẫy” vào trong chiếc túi đã chuẩn bị sẵn, sau đó buộc túm 2 đầu chắc chắn.
Cứ một lần vợt, những con cào cào sẽ đổ vào một chiếc túi lưới để đựng, sau đó phân lựa từng loại để bán cho người nuôi chim hoặc quán ăn tại thành phố Vinh hoặc các chợ tại Nghệ An. Cào cào là loài côn trùng có chất dinh dưỡng tốt nên được nhiều người tìm mua, làm ngày nào về đều bán hết ngày đó.
“Bình quân mỗi ngày, một người trong nhóm bắt được từ 5 - 10kg, tùy từng thời điểm. Giá bán sẽ tùy theo kích cỡ, loại nhỏ khoảng 120 - 150 đồng/kg; còn loại lớn có giá 170.000 đồng - 200.000 đồng/kg. Tính ra trung bình thu nhập mỗi ngày từ 800.000 đồng - 1,2 triệu đồng/người”, anh Hoàng Văn Thọ (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) cho hay.
Theo anh Thọ, săn bắt cào cào bắt đầu từ nghề chẳng giống ai, nhưng giờ đây lại trở thành nguồn thu nhập cho nhiều người dân trong xóm. Cứ đến mùa, hàng chục hộ dân trong xóm lại khăn gói đồ nghề để đi săn.
Cũng bởi nghề này không quá vất vả, không kén lứa tuổi. Từ trẻ em đến người già cũng có thể ra đồng gần nhà để vợt bắt. Còn lứa trung niên, có sức khỏe chịu khó đi xa cũng thu nhập được từ 5 - 10 triệu/tháng.
“Trước đây chúng tôi thường bắt xung quanh các vùng lân cận của TP Vinh (Nghệ An), tuy nhiên gần đây tốc độ đô thị hóa nhanh, ruộng đồng thu hẹp nên chuyển sang các tỉnh lân cận. Dù công việc này chỉ làm thời vụ, nhưng tính ra, thu nhập cao hơn làm lúa cả năm.
Nghề này cũng đang được nhiều người làm vì nhu cầu chơi chim cảnh càng nhiều. Người chơi chim hiện nay chuộng các thức ăn tự nhiên hơn là các sản phẩm công nghiệp, vì vậy cào cào cũng rất được giá. Đó là chưa kể đến giới ăn nhậu hiện nay cũng rất khoái khẩu món “tôm bay” này”, anh Thọ chia sẻ.
Còn theo anh Cầu, việc bắt cào cào, châu chấu không những tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân mà còn góp phần làm giảm thiệt hại năng suất lúa, hoa màu do cào cào, châu chấu gây ra. Nhiều người dân thấy cánh thợ đến còn nhờ xuống ruộng lúa để bắt giúp.
Xế chiều, khi những chiếc túi lưới đã nêm kín cào cào, cũng là lúc cánh thợ săn kết thúc một ngày làm việc. Những túi cào cào này tiếp tục cùng họ rong ruổi hàng trăm km nhập về các chợ đầu mối, nhà hàng. Hoặc thậm chí chia thành từng túi nhỏ, bảo quản cẩn thận vận chuyển đi ra Hà Nội và vào Đà Nẵng cho khách đã đặt hàng từ trước.
Tác giả: Hồ Phương
Nguồn tin: Báo GD&TĐ